|
Giá sữa trên thị trường Việt Nam được đánh giá là cao nhất nhì thế giới (theo nghiên cứu dự án bò sữa Việt Bỉ) trong khi mặt bằng thu nhập người dân còn thấp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) về vấn đề này.
TBKTSG Online: Thưa ông, dự án bò sữa Việt Bỉ đã công bố tài liệu nghiên cứu cho biết lợi nhuận của các công ty kinh doanh sữa bột trên thị trường Việt Nam từ 22 tới 86%. Vậy giá sữa tại Việt Nam cao ngất ngưởng là lý do mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp?
Ông Trần Bảo Minh: Theo tôi biết thì các công ty kinh doanh sữa bột sản xuất trong nước có lợi nhuận 20-30%, còn các hãng sữa nước ngoài thì không những lợi nhuận 86% như tài liệu của dự án công bố, mà có thể cao hơn nhiều, thậm chí vọt hơn 100%.
Anh cứ nhìn một hộp sữa bột của Nutifood hay Vinamilk bán trên thị trường giá 120.000-130.000 đồng/hộp loại 900 gam thì cùng khối lượng, giá sữa bột của các hãng nước ngoài 260.000- 350.000 đồng.
Giá thành thì na ná nhau vì cũng sản xuất từ sữa bò, nguyên vật liệu thì cũng giống nhau, các chất bổ sung, nếu có thì mang tính quảng cáo nhiều hơn thực chất nhưng giá bán lại chênh lệch một trời một vực. Nhiều người đổ thừa cho thuế nhập khẩu nhưng thuế nhập khẩu chẳng đáng là bao để tạo chênh lệch lớn vậy, vì chỉ hơn 10%.
Nhiều người cho rằng họ mua sữa ngoại là mua sự yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm?
Tôi xin nói ngay, sữa bột sản xuất ở các nhà máy trong nước hiện nay, theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đều bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001 và vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP của quốc tế, tức sữa dù sản xuất tại Việt Nam hay ở các hãng sữa nước ngoài thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đều kiểm tra nghiêm ngặt như nhau.
Sữa là mặt hàng thiết yếu nhưng lại là sản phẩm làm ra từ một công nghệ rất cơ bản, có nghĩa nhà sản xuất có lớn mấy thì hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm không khác nhiều so với nhà sản xuất bình thường, bởi đều từ sữa bò, chứ sản xuất sữa không phải là công nghệ đặc biệt. Không thể có chuyện hộp sữa của các nhà sản xuất khác nhau có trọng lượng bằng nhau mà hàm lượng sữa hộp này gấp đôi hộp kia được.
Dù công nghệ của nhà sản xuất hiện đại cỡ nào thì sữa bột vẫn được sản xuất từ sữa bò và thêm chất bổ sung, nên sự khác biệt giữa các loại sữa không đánh kể.
Sở dĩ giá sữa tại Việt Nam quá cao không hề phụ thuộc vào chất lượng hay điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, mà phụ thuộc vào tâm lý tiêu dùng của người dân. Cùng một hộp sữa nhưng gắn mác ngoại thì giá nào cũng bán được.
Nắm được tâm lý này nên một số hãng sữa dựa vào đó tăng giá. Họ không tăng giá sao được khi mà cứ sau mỗi đợt họ công bố tăng giá sữa thì sữa của họ vẫn bán chạy, bán mạnh hơn thì dại gì họ không tăng giá?
Tôi đi nhiều nước và thấy chỉ có thị trường sữa Việt Nam mới có sự tồn tại bất hợp lý như vậy. Nhiều nước xem sữa là mặt hàng thiết yếu hàng ngày, uống sữa như uống nước nên nhà sản xuất không thể thích là thêm chất này chất kia vào rồi quảng bá rộng ra, bán giá cao hơn.
Muốn thay đổi dần tâm lý tiêu dùng thì đầu tiên là người tiêu dùng cũng nên quan tâm nhiều hơn tới sữa, nhất là kiến thức dinh dưỡng của sữa và nhiều yếu tố khác, như quản lý nhà nước chẳng hạn.
Xin cảm ơn ông!
(Theo TBKTSG Online)