Sau thông tin phản ánh cửa hàng lớn bán hàng trôi nổi cho khách (bài “Mua hàng ở siêu thị - không được bảo hành chính hãng” đăng ngày 17-6) và phản hồi của đại diện Sony Việt Nam (đăng ngày 24-6), nhiều khách hàng gởi email, điện thoại đến Báo SGGP phản ánh đã mua nhầm hàng trôi nổi, có nơi xen hàng chính hãng lẫn hàng “xách tay”… Dĩ nhiên, những sản phẩm ấy đều do các cửa hàng đó tự bảo hành!
Hàng xách tay thống lĩnh thị trường
Ngày 27-6, anh Lê Quang Tiềm (mail: quang_tiem2002@...) mua một laptop Sony VGN NW320F giá 13,987 triệu đồng ở cửa hàng vi tính Hoàn Long (đường Tôn Thất Tùng, quận 1) và phát hiện không có tem chính hãng. Nhân viên bán hàng cho biết đây là hàng “xách tay”. Nơi đây bán hàng có thu thuế giá trị gia tăng (VAT) của khách nhưng lại không xuất hóa đơn. “Tưởng vào cửa hàng lớn là được mua hàng hàng chính hãng, nào ngờ...” - anh Tiềm thất vọng. Anh Nguyễn Huy Hoàng mua một bộ loa vi tính MicroLab hơn 1,2 triệu đồng của cửa hàng Hoàn Long (đường Cống Quỳnh) với giá đã có thuế nhưng nơi đây không xuất hóa đơn bán hàng mà chỉ giao “phiếu báo giá”.
Mua sắm laptop. Ảnh: Minh Phúc |
Cách đây một tháng, chị Trần Thị Hồng Nhung cũng mua một máy Sony Vaio tại cửa hàng Gia Huy nhưng cũng không có tem chính hãng như lời hướng dẫn của đại diện Sony Việt Nam được đăng trên báo. Để xác định thực hư, chúng tôi dạo quanh thị trường mới thấy, rất nhiều cửa hàng lớn và nhỏ bán máy không chính hãng. Tại cửa hàng Order Laptop.com của Công ty TNHH MTV TM-DV Nguyên Quyền, cửa hàng Computer USD (Anh Huy vi tính) trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, hầu hết các sản phẩm Sony ở đây đều là hàng “xách tay”, với giá bán không có thuế. Hỏi thì được nhân viên ở đây nói rõ đa phần hàng Sony Vaio đều “xách tay” chứ không bán hàng Sony Vaio Việt Nam. Cửa hàng Phoenix trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1 cũng vậy, các mặt hàng Sony Vaio đều là hàng “xách tay”, không tem chính hãng.
Mạnh ai nấy bảo hành
Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng “xách tay”, hàng không đảm bảo chất lượng, trốn thuế… hãy gởi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 203 Phùng Hưng, quận 5, TPHCM. Email: hanni@sggp.org.vn; (08) 39294072, 0903.975323. |
Do thị trường quá bát nháo, không có thông tin đầy đủ về đặc điểm hàng hóa, chế độ bảo hành… nên khách hàng thường chọn mua hàng ở những chỗ giá rẻ mà chưa quan tâm lắm đến chất lượng sản phẩm. Thực tế, giá hàng “xách tay” rẻ hơn hàng chính hãng vì phần lớn sản phẩm này đều né thuế.
Anh Lê Kiến Đức mua chiếc laptop Sony VPC F114FX trị giá 28,5 triệu đồng tại cửa hàng vi tính Gia Huy (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), sau đó đọc báo mới biết, hàng này không chính hãng. Đã vậy, khi bán hàng, cửa hàng Gia Huy cũng không xuất hóa đơn VAT cho anh. Khi chúng tôi tìm hiểu chế độ bảo hành, nhiều nhân viên lý giải mua hàng “xách tay” có giá rẻ hơn hàng chính hãng và được bảo hành tại chính cửa hàng. Họ nhấn mạnh, hàng Sony không được bảo hành toàn cầu nên hàng “xách tay” hay chính hãng cũng như nhau (!).
Có thể nói, để tạo niềm tin cho khách mua hàng “xách tay”, các cửa hàng thường tự… bảo hành cho khách. Khi mua một microphone Salar M9 với giá 171.450 đồng ở cửa hàng Sáng Tạo (đường Tôn Thất Tùng), anh Nguyễn Thành Công có hỏi về chế độ bảo hành nhưng nhân viên cho biết hàng này không được bảo hành (cửa hàng và cả công ty phân phối sản phẩm đều không bảo hành). Trên phiếu bán hàng còn ghi giá bán chưa có thuế VAT. Khách hàng trông chờ vào sự bảo vệ của các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường.
Bắt nhiều lô hàng nhập lậu |
Quản lý Thị trường (QLTT) TPHCM cho biết vừa kiểm tra nhiều vụ vi phạm buôn bán, tàng trữ hàng không có hóa đơn chứng từ; không niêm yết giá; hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt… Trong đó, đội QLTT quận Tân Phú kiểm tra Công ty TNHH TM XNK Đặng Trung Hiến (số 95 đường Độc Lập) phát hiện và tạm giữ 123 cái máy giặt, máy in, máy may, máy vắt sổ, laptop (đã qua sử dụng) và 7.998 đơn vị mỹ phẩm (kem dưỡng da, phấn nước, dầu massage, nước hoa ghi xuất xứ Anh quốc) không có hóa đơn chứng từ. Các đội khác đã kiểm tra và tạm giữ 127 chiếc ĐTDĐ không có chứng từ; nhiều cửa hàng bán đồng hồ đeo tay, khóa Solex, cơ sở sản xuất dép xốp hiệu CK, ruy băng mực in… có dấu hiệu giả nhãn hiệu. Các đội còn kiểm tra, lập biên bản 16 cửa hàng máy tính, đồng hồ, phụ tùng ô tô, thiết bị, máy móc, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm vi phạm không niêm yết giá… M.HẠNH |
(Theo NGUYỄN HOÀNG// SGGP Online)