Số lượng cửa hàng tiện ích của Hà Nội bị thu hẹp đáng kể so với những năm trước |
Hàng loạt cửa hàng tiện ích với quy mô nhỏ nhưng hội tụ khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu mang thương hiệu G7 Mart, 24/7, Hapro Mart... đã lần lượt được rầm rộ khai trương. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, một số hệ thống đã phải lặng lẽ đóng cửa.
Ra quân tưng bừng nhất phải kể đến hệ thống cửa hàng tiện ích mang thương hiệu G7 Mart của Cty CP thương mại dịch vụ G7. Với tiềm lực kinh tế tốt, chỉ sau vài tháng khai trương, hàng chục cửa hàng có hình thức sạch đẹp, biển hiệu bắt mắt với hai màu xanh trắng gắn chữ G7 Mart đã xuất hiện len lỏi khắp các khu dân cư, đặc biệt chiếm lĩnh nhiều mặt tiền đẹp, tại các phố lớn, đông người qua lại như Đê La Thành, Giáp Bát, Bà Triệu...
Với hình thức nhượng quyền thương hiệu nên về thực chất, các cửa hàng G7 Mart chính là sự nâng cấp của các cửa hàng tạp hóa - một kênh phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu và quá quen thuộc với người VN trong suốt mấy chục năm qua. Có sẵn mặt bằng, chủ cửa hàng giờ đây không phải lo tìm nguồn hàng hay đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại, đồng bộ mà công việc này sẽ được G7 đảm nhiệm. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn cầm cự, đồng loạt các cửa hàng mang thương hiệu G7 Mart lâm vào tình trạng “chết yểu”.
Chậm hơn một thời gian ngắn là cửa hàng tiện ích 24h. Chọn các khu chung cư và nhà cao tầng - nơi hệ thống chợ và hệ thống phân phối khác chưa phát triển - là “đại bản doanh”, 24h phục vụ cả ngày, không có thời gian nghỉ, bất cứ lúc nào khách có nhu cầu cũng được phục vụ. So với G7 Mart, chủng loại mặt hàng tại đây có phần phong phú hơn. Thế nhưng, 24h cũng không tránh được “vết xe đổ”.
Sự gục ngã của các “anh lớn” khiến số lượng cửa hàng tiện ích của Hà Nội bị thu hẹp đáng kể so với những năm trước và hiện chỉ dừng lại ở hơn 20 cửa hàng – một con số khá khiêm tốn. “Đất” của lãnh địa này thuộc về TCty Thương mại Hà Nội, Cty phân phối VN (VNF1) và Cty Shop&Go. Tuy nhiên, ngoại trừ TCty thương mại Hà Nội áp đảo về số lượng, hai đơn vị còn lại hiện chỉ có từ 2-3 cửa hàng. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy VNF1 sẽ mở rộng, phát triển cửa hàng tiện ích mà chỉ là cuộc tập dượt để Cty tiến đến đích xa hơn. Tương tự, hệ thống cửa hàng Shop&Go có tới 40 cửa hàng nhưng cũng chỉ đặt 2 cửa hàng tiện ích của mình tại Hà Nội.
Không tiết lộ cụ thể doanh thu nhưng các cửa hàng tiện ích của Cty Hà Nội đều khẳng định hiện không lỗ song lợi nhuận chưa đạt được như kỳ vọng. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, khách hàng chưa sẵn sàng chấp nhận trả tiền cho sự tiện lợi bởi thuyết phục người tiêu dùng đi thêm 50 m nữa để mua hàng là cả vấn đề, trừ khi cửa hàng đó phải có gì thật khác biệt chứ một lọ dầu gội đầu, một gói mỳ tôm thì mua đâu cũng được...
Điều đáng buồn là điều khác biệt này chưa nổi bật tại các cửa hàng tiện ích, ngay cả lợi thế về giá. “Hệ thống phân phối này phải có giá thấp hơn từ 5-10% so với mặt bằng chung. Thế nhưng, hiện tại ở Hà Nội, điều này đang ngược lại”.
Bên cạnh các yếu tố về nguồn hàng, vốn đầu tư, địa điểm... rào cản lớn nhất vẫn là ý thức mua sắm của người tiêu dùng, mức độ chi tiêu. Cửa hàng tiện ích là một kênh phân phối hiện đại mà với người tiêu dùng Hà Nội, việc đi chợ và đi mua sắm ở mô hình hiện đại là hai điều khác biệt cơ bản.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)