Tại buổi tọa đàm Thực trạng chất lượng sữa tươi do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức ngày 9-7, TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, đã chứng minh các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi ở Việt Nam đang móc túi người tiêu dùng.
Chất lượng sữa đang bị thả nổi .Ảnh:Huyền Linh
Theo bà Nga, có sự vênh rất lớn giữa lượng sữa thực do đàn bò trong nước sản xuất và lượng sữa tươi được doanh nghiệp đưa ra thị trường. Năm 2008, lượng sữa tươi của đàn bò chỉ ở mức hơn 262 triệu lít trong khi lượng "sữa tươi" đưa ra thị trường lên tới hơn 439 triệu lít. Năm 2009, tổng lượng sữa tươi cả nước chỉ ở mức 270 triệu lít, trong khi lượng "sữa tươi" được các doanh nghiệp đẩy ra thị trường lên tới 452,8 triệu lít.
Đàn bò hiện có ở Việt Nam chỉ đáp ứng hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường. Hơn 60% lượng "sữa tươi" còn lại là được làm từ sữa bột, hay còn gọi là sữa hoàn nguyên. Tuy nhiên, tất cả các loại sữa nước có mặt trên thị trường, không có loại sữa nào ghi sữa hoàn nguyên tiệt trùng, mà chỉ ghi sữa tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa thanh trùng. Đây là hành vi lừa dối, móc túi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ - Vinastas cũng bày tỏ bức xúc trước việc doanh nghiệp nào trên bao bì của mình cũng quảng cáo “sữa bò tươi nguyên chất”, “tinh khiết từ thiên nhiên”, “sữa tươi 100%”, “sữa tươi tiệt trùng”.
"Sữa tươi hiện nay trên thị trường chủ yếu được làm từ bột sữa gầy nhập khẩu, và hầu hết các nhà sản xuất trong nước sử dụng dầu thực vật, chủ yếu là dầu cọ vì giá rẻ (khoảng 8.000 đồng/kg) để thay cho chất béo từ sữa bò nguyên chất (giá nhập khẩu khoảng 50.000 đồng/kg). Với tỷ lệ dầu thực vật, mà chủ yếu là dầu cọ trong sản phẩm, ai sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều “sữa tươi” này?"- Bà Chi đặt vấn đề.
Bà Chi cũng cho rằng các văn bản pháp quy không quy định tỷ lệ phần trăm thành phần, nên nhà sản xuất dễ lách luật. Có doanh nghiệp biện minh không thể ghi rõ ràng tỷ lệ sữa bột, sữa tươi, vì sản lượng sữa tươi thu mua thay đổi theo mùa, theo ngày… Còn người tiêu dùng thì rõ ràng bị "đánh lừa", bị "móc túi", ảnh hưởng đến sức khỏe khi không biết đâu là sữa tươi thật sự và đâu là sữa bột hoàn nguyên.
Theo bà Nga, việc quản lý chất lượng sữa nước được giao cho Cục ATVSTP Bộ Y tế. Song thực tế, chất lượng sữa nước gần như đang bị thả nổi, chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sữa thiếu hướng dẫn cũng như kiểm tra quá trình vận chuyển, bảo quản sữa trước khi bán đến tay người tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng rất khó tự nhận biết, phân biệt được chất lượng sữa.
"Khảo sát thực tế cho thấy nhiều người tiêu dùng, thậm chí người bán hàng ở cả các đại lý sữa, không phân biệt được đâu là sữa hoàn nguyên tiệt trùng, đâu là sữa tươi nguyên chất. Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với các Cty sản xuất sữa gian dối"- Bà Nga đề xuất.
(Theo Tienphong)