Hôm nay 13/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức kỷ niệm ”Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới -15/3” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa nhận thức được quyền lợi của mình - Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, với chủ đề “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta” của ngày hành động năm nay, Tổ chức người tiêu dùng quốc tế sẽ tập trung vào các vấn đề về quyền của người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi mà việc sử dụng dịch vụ tài chính đang ngày càng phổ biến, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò cực kỳ quan trọng trong quản lý, phòng chống gian lận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để các dịch vụ này thực sự đi vào thực tế không phải là chuyện đơn giản, ví dụ việc sử dụng thẻ ATM thời gian vừa qua còn nhiều trục trặc...
Còn Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng cho rằng, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải hiểu rõ những quyền cơ bản của mình, từ đó, có thể phản ánh về các sản phẩm, dịch vụ không đạt tiêu chuẩn, một cách trực tiếp hoặc qua phương tiện thông tin đại chúng, góp phần buộc nhà sản xuất phải chấm dứt những hành vi sai trái.
Đại diện Chi Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, năm 2009, thông qua việc người tiêu dùng phản ánh bằng điện thoại, gặp trực tiếp, Chi Cục đã kiểm tra 45 vụ, đã giải quyết được 42 vụ, chủ yếu bằng hòa giải, xử lý phạt vi phạm 4,1 tỷ đồng các gian lận liên quan đến số lượng, chất lượng, giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế bởi bản thân người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức quyền của mình, đồng thời, tuy là số đông, nhưng người tiêu dùng thường hành động riêng lẻ nên thường chịu thiệt thòi đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Để có thể góp phần giải quyết cơ bản vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng để thay thế Pháp lệnh Người tiêu dùng đang được gấp rút hoàn chỉnh, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 3.
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2010 và xem xét thông qua vào tháng 10/2010. Sự ra đời của Luật này sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam.
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)