Trong bối cảnh đồng tiền ngày càng mất giá, người tiêu dùng buộc phải thay đổi cách thức sinh hoạt, phải thắt lưng buộc bụng hơn...
Hạn chế chi tiêu
Chị Nguyễn Thuỳ (nhân viên hành chính) chia sẻ: Đối với những người có tổng thu nhập 6 triệu đồng/tháng như chị, từ lâu chị đã không dám nghĩ tới việc ăn sáng bát phở 30.000 đồng nữa. Chị cho biết, chia đủ tiền cho đi chợ hai bữa mỗi ngày đã hết nửa tháng lương.
"Vợ chồng tôi có 2 con, đứa lớn đang học lớp 5, còn đứa bé mới lên 3 tuổi. Tiền để lo sữa cho các cháu cũng rất tốn kém, thế nên tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó. Thậm chí đứa bé trước kia uống sữa Meiji của Nhật nay cũng chuyển về sữa bột Dielac của Vinamilk cho rẻ" - chị nói
Cũng giống chị Thùy, chị Thu Hà (trưởng phòng quan hệ khách hàng của một công ty lớn) chia sẻ: "Trước đây mỗi lần đi siêu thị, tôi mua cả thùng sữa tươi về để tủ lạnh cho con uống. Nhưng giờ tôi thấy không nhất thiết phải mua cả thùng nữa, chỉ cần mua vài ba dây là đủ. Bia để cho ông xã tiếp bạn bè lúc cần thiết thì chạy ra ngõ để mua. Giờ phải biết cân nhắc mua vừa đủ, không mua tràn lan như trước. Phần lớn, các bà nội trợ đều khẳng định, mua bó rau mặc cả được 500 đồng cũng quý.
Chị Nguyễn Thị Hải (chủ một siêu thị tư nhân ở Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: "Trước đây cứ vào hè, tôi dành 30 triệu đồng tiền hàng nhập bia, nước giải khát, dự trữ đầy kho. Nhưng năm nay chỉ dám nhập phân nửa. Giờ không thể để dư tiền vào hàng nữa".
Chưa hết, chị Hải còn than thở: Cửa hàng trước đây bày nhiều hãng sữa ngoại của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ. Nhiều khách quen còn đặt mua sữa xách tay đến cả triệu đồng/hộp nhưng giờ chuyển hướng sang bình dân hơn, mình cũng phải nhập hàng bình dân để giữ khách. Giá hàng giờ không những dán trên sản phẩm mà còn viết to, rõ ràng và hướng ra phía đường để từ xa khách hàng đã thấy "yên tâm" khi bước vào, vừa đỡ mất công xem rồi lại áy náy vì giá cả".
"Chê" khuyến mãi
Chủ các siêu thị tổng hợp lớn cũng liên tiếp tiến hành các chương trình khuyến mãi. Siêu thị lớn như Big C, Fivimart còn có gian hàng bình ổn giá để khách hàng yên tâm mua sắm. Bên cạnh việc giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, hình thức khuyến mãi gián tiếp, như tặng kèm quà theo sản phẩm, tổ chức bốc thăm trúng thưởng hay các hoạt động hoạt náo khác cũng được các siêu thị áp dụng.
"Các siêu thị đang rơi vào cảnh khó nghĩ. Bên cung cấp thì vẫn gửi báo giá mới, nhưng siêu thị không dám tăng, vì nếu tăng giá thời điểm này sẽ không bán được hàng".
"Tuy nhiên, lượng khách hàng đến mua sắm không sôi động, khác hẳn các lần giảm giá, kích cầu được tung ra trước đây" - bà Nguyễn Huyền, Trưởng Bộ phận Marketing siêu thị Big C nhận xét.
Theo đánh giá từ phòng kinh doanh của các hệ thống siêu thị, từ đầu tháng 4 đến nay sức mua trên thị trường đã giảm mạnh, bất chấp các chương trình khuyến mãi.
Các tháng trước cứ 10 người vào khu vực điện máy thì có đến 6-7 người hỏi giá, hỏi có khuyến mãi hay không. Nhưng nay khi có các chương trình thì lại không có khách quan tâm chứ chưa nói đến quyết định mua sắm.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, giai đoạn này "người khôn, của khó" dù siêu thị tung khuyến mãi thì khách hàng vẫn lần lữa mãi mới mua hàng.