Vậy thì các bà nội trợ, các tín đồ mua sắm, các khách hàng thân thiết đã biến đi đâu? Thật ra họ đang phải tìm đủ mọi cách để thích nghi với một cụm từ khá vĩ mô nhưng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian này: suy giảm kinh tế!
Nhà hàng tại gia
Mới hơn 9 giờ 30 sáng, gian hàng bán hủ tiếu, bánh canh vốn đắt khách nhất trong chợ Vườn Chuối của dì cháu chị Oanh đã bán hết. Tương tự, nguyên dãy hàng ăn trong hẻm cặp bên chợ cũng lật đật dọn hàng, xếp ghế chuẩn bị về nghỉ. Tưởng tình hình mua bán khả quan, tôi hỏi thăm thì nhận được câu trả lời: "Lúc này người ra chợ ăn sáng ngày càng ít. Nấu nhiều chỉ tổ ế. Nấu ít vậy mà bán còn chậm, trầy trật tới giờ mới hết đó".
Chị Huỳnh Thị Liên, nhà gần chợ cho hay: "Hồi trước tui hay ra đây ăn. Nhưng giờ buổi sáng tui dậy sớm ra lò bánh mì mua bánh mì không về chiên trứng làm món ốp-la cho cả nhà. Lâu lâu đổi món thì chạy ra chợ mua ít rau giá về nấu mì tôm trứng. Hôm nào bữa tối còn dư cơm nhiều thì làm món cơm chiên dương châu cho bữa sáng hôm sau. Chịu khó dậy sớm một chút mà tiết kiệm được tiền ăn sáng. Cứ tính một tô hủ tiếu giá 25.000 đồng, cả nhà 4 người ăn cũng mất đứt cả trăm ngàn đồng rồi".
Cũng như chị Liên, từ ngày giá cả tăng cao, bếp lửa nhà chị Nguyễn Phương Oanh, ngụ đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 cũng thường xuyên đỏ lửa. Hai vợ chồng mới cưới nên trước đây chị thường làm biếng nấu nướng. Đi làm về mệt, Oanh đòi chồng dắt đi ăn nhà hàng: bữa thì dùng lẩu băng chuyền, bữa ăn bò bít tết, bữa khác lại bánh xèo, lẩu hải sản... Vị chi mỗi bữa ăn tốn của chồng cô khoảng 300.000 - 400.000 đồng.
Bão giá thổi tới, dù có tổng thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, vợ chồng cô cũng bắt đầu chùn tay trong chi tiêu. Cuối tuần, Oanh chịu khó cùng chồng đi siêu thị mua thực phẩm về để trong tủ lạnh. Đi làm về, vợ chồng lại nấu ăn với nhau. Chồng Oanh cười: "Nhờ bão giá mà vợ tôi biết nấu ăn. Bữa cơm gia đình dù gì cũng ấm cúng hơn bữa cơm ăn ở nhà hàng máy lạnh!".
Ngắt tiền chợ, cắt giải trí
"Mỗi lần đi chợ là phải nhức đầu giải bài toán khó: ăn gì vừa không đắt vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai", vừa từ trong chợ ở gần nhà trọ ra, chị Lê Thị Thoan (công nhân KCN Tân Bình, tạm trú ở đường Nguyễn Duy Cung, phường 12 quận Gò Vấp) kể. Hai vợ chồng cùng đi làm, mỗi tháng thu nhập được khoảng 7 - 8 triệu đồng, nhưng vừa có thai thì chị bị ốm nghén không đi làm nổi, phải xin nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng và mới đi làm lại chưa được 1 tuần nên điều kiện kinh tế khá eo hẹp. Muốn có chút tiền để dành tiêu xài trong thời gian nghỉ hậu sản, chị chỉ còn cách cố nhín tiền chợ trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/ngày. Bữa ăn không thể cắt được nên phải chi như vậy, còn những khoản chi tiêu khác đều được cắt giảm tối đa.
Chị Thoan nói: "Khi nào thời tiết oi bức quá, nóng chịu không nổi thì vợ chồng tôi mới bật quạt, chiều tối chờ đến lúc nhìn không rõ mới bật đèn, muốn giải trí thì đọc sách báo chứ không xem ti vi mà cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi chơi như lúc mới quen nhau".
Vật giá leo thang chóng mặt cũng khiến chị Nguyễn Thị Hương (ngụ 11/4 Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh quận Tân Phú) cân đong đo đếm kỹ mỗi khi đi chợ. Trước đây giá cả còn rẻ, có hai con ăn cơm chung thì mỗi ngày trên mâm cơm có 6, 7 lạng thịt; bây giờ con gái lấy chồng ra riêng, con trai đi làm từ sáng đến tối, hầu như không ăn cơm nhà nên khẩu phần thịt cắt giảm hơn phân nửa và chỉ ăn thịt heo chứ không dám ăn thịt bò, rau chủ yếu là cải, rau muống chứ không mua rau củ; cá điêu hồng và cá nục đã thay thế cho các loại "cá nhà giàu" khác (cá thu, cá bốp...). Chỉ khi nào con cháu về chơi, chị mới dám mua một chút thức ăn ngon để cho cả nhà ngon miệng.
Không chỉ học sinh, sinh viên, công nhân mà những gia đình thuộc diện trung lưu cũng tính toán tiết kiệm. Một trong những cách tiết kiệm là mua hàng giảm giá qua mạng. Trước đây, mỗi khi đi du lịch, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám quận 10) đến các công ty du lịch đăng ký trực tiếp, nhưng nay chị vào các trang web như Mua chung, Cùng mua, Nhóm mua, Hot deal xem có công ty du lịch nào bán voucher giảm giá chương trình du lịch phù hợp nhu cầu, túi tiền mới chọn mua.
Tương tự, chị Trần Ngọc Ánh (nhân viên văn phòng của một công ty có trụ sở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3) đăng ký nhận thông tin khi có sản phẩm mới được bán từ các trang web trên và mỗi ngày đều dành thời gian vào nghiên cứu, chọn lựa. Áo đầm cho con gái, giày đi mưa, dây nịt, phiếu ăn buffet... đều được chị mua bằng voucher với giá thấp hơn giá bán ở các cửa hàng.
Tiền điện thoại cũng là một chi phí khá tốn kém. Để tiết kiệm, nhiều người đã chuyển sang đăng ký dịch vụ gọi 10 phút miễn phí của các nhà mạng, đổi sang dùng điện thoại 2 sim 2 sóng, chịu khó mua sim khuyến mãi. Đặc biệt, những cặp tình nhân có nhu cầu trò chuyện, nhắn tin thường xuyên mỗi ngày thì mua thêm loại sim có thể nói chuyện với nhau cả ngày mà không tốn tiền, nhắn tin cho nhau mỏi tay với giá chỉ 1.000 đồng/ngày.
(Theo SGGP)