Thực phẩm là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mọi người. Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng duy trì cuộc sống, bổ sung những tiêu hao mất đi trong sinh hoạt và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh, phát triển.
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) rất quan trọng trong những bữa ăn hàng ngày và liên quan đến sức khoẻ, đến thể chất của con người, và đến nguồn nhân lực để phát triển đất nước, đóng góp quan trọng vào việc duy trì một nòi giống dân tộc cường tráng, trí tuệ.
Nguồn lương thực hàng ngày mang đến chất bột (tinh bột, gạo, khoai, ngũ cốc...từ thực vật) , chất dầu, mỡ (các loại dầu ăn thực vật, hoặc mỡ động vật), chất đạm (protein tử động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ thực vật như các loại đậu) và các loại vitamin, muối khoáng chứa trong các nguồn thực phẩm hàng ngày.
Nguồn lương thực được sản xuất từ nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, vì vậy VSATTP phải được bắt đầu từ khâu sản xuất bao gồm không khí sạch, nguồn nước sạch, đất đai dùng cho sản xuất sạch hợp vệ sinh, và giống cây con nuôi trồng phải hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong quy trình sản xuất .
Các tác nhân ô nhiễm trong quá trình sản xuất có thể là:
1. Các hoá chất độc hại, kim loại nặng, chất phóng xạ .... hiện hữu trong không khí, đất và nước dùng trong việc sản xuất thực phẫm.
2. Các hoá chất độc hại sử dụng trong quá trình nuôi trồng thực vật, nuôi cấy thủy sản, động vật trong các trại chăn nuôi bao gồm loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, hormone, các loại thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng trong việc sản xuất lương thực.
3. Những vi sinh vật gây bệnh trong quá trình xử lý, chế biến, bao bì, đóng gói.
Để có được nguồn lương thực hợp VSATTP, nhà sản xuất và cơ quan chức năng liên quan phải nghiêm túc tuân thủ các điều kiện nêu trên.
Các tác nhân ô nhiễm có thể có sẵn trong môi trường thiên nhiên hoặc do quá trình chế biến công nghiệp sinh ra.
Đối với tác nhân 1, cơ quan chức năng cần phải xác định, khoanh vùng những nơi nào có thể dùng để sản xuất lương thực không bị ảnh hưởng ô nhiễm của các hóa chất độc hại, kim loại nặng hoặc có nồng độ phóng xạ cao... Và nhà sản xuất tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Đối với tác nhân 2, cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn và kiểm tra nhà sản xuất trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về sản xuất, nuôi trồng, và các hóa chất sử dụng.
Tác nhân 3 là sự của các vi sinh vật gây bệnh (ngộ độc), cơ quan chức năng phải hướng dẫn và kiểm tra nghiêm ngặt nhà sản xuất trong khâu xử lý rau quả, thịt, trứng, sữa, thủy sản theo đúng tiêu chuẩn xử lý, chế biến, chất phụ gia và bao bì đóng gói.
Cơ quan quản lý và nhà sản xuất làm được như vậy mới có thể sản xuất được nguồn thực phẩm đúng với VSATTP cung cấp ra thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là người tiêu thụ được yên tâm trong các bữa ăn hàng ngày.
Để phổ biến kiến thức VSATTP, cơ quan chức năng còn phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giáo dục cách sống vệ sinh an toàn trong xã hội, để từng cá nhân trong cộng đồng chú ý đến việc giữ sức sức khoẻ cho chính mình và cho những người sử dụng hàng sản xuất của mình làm ra, hay nói khác đi là người sản xuất ra hàng hóa phải có trách nhiệm VSATTP (hoặc an toàn hàng sản xuất/tiêu dùng).
Gần đây trên báo chí, bệnh cúm, sốt xuất huyết, dịch tả hoành hành. Bên cạnh đó, còn nhiều bệnh nguy hiểm khác đang "tái phát ", như bệnh lao, bệnh sốt rét. Những tin y học cảnh báo bệnh ung thư đang tăng một cách đáng sợ.
Nên chăng vấn đề VSATTP và vệ sinh an toàn môi trường sinh sống là việc làm cần giải quyết tức thời để bảo vệ sức khoẻ của người dân, chất lượng cuộc sống và giống nòi ? Việc phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nhất là khi mắc những bệnh nan y khó có thể chạy chữa dù tốn kém.
(Theo Vietnamnet)