“ Dở khóc, dở cười”
Khu du lịch sinh thái thác Krông Kma (huyện Krông Bông-Đác Lắc) hơn hai năm nay vắng tanh du khách, khiến mọi hoạt động kinh doanh ở đây thật sự gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phúc Khảm, Trưởng Ban quản lý khu du lịch này than: "Có lẽ sắp tới cũng phải đóng cửa thôi bởi làm ăn ngày càng thua lỗ, thu không đủ chi". Như để chứng minh cho điều mà ông Khảm vừa trình bày, bà Phạm Thị Lan, Kế toán trưởng Công ty Lâm nghiệp Krông Bông (đơn vị được phép đầu tư khai thác và kinh doanh khu du lịch Krông Kma) đưa ra con số hạch toán cụ thể: Từ năm 2004 đến năm 2006 (thời gian chưa có công trình Thủy điện Krông Kma), bình quân mỗi năm lợi nhuận thu được ở đây xấp xỉ 40 triệu đồng. Theo đó khu du lịch sinh thái này đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Đến năm 2007-2008, khi công trình thủy điện trên ồ ạt xẻ núi, đào đất thi công thì mọi hoạt động kinh doanh du lịch của công ty bắt đầu ngưng trệ, doanh thu sụt giảm đáng kể, dẫn đến thua lỗ năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2007 phải bù lỗ hơn 124 triệu, đến năm 2008 đội lên gần 160 triệu và năm 2009 cũng suýt soát 200 triệu đồng.
Trước những khó khăn như vậy, ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, ngoài việc phải tạm ngưng mọi chi phí đầu tư cho khu du lịch, công ty còn đưa ra phương án cắt giảm, sắp xếp lại nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh tình trạng thua lỗ ngày càng nhiều và kéo dài như hiện nay. Ông cho biết thêm, nếu trong thời gian tới du khách không tiếp tục tìm đến với khu du lịch Krông Kma do nhiều lý do: cơ sở hạ tầng trên địa bàn trung tâm huyện lỵ đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện; việc xúc tiến, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch ở đây chưa thật sự được quan tâm, chú trọng; và đặc biệt là do ảnh hưởng lâu dài từ “mặt trái” của công trình thủy điện trên thì công ty cũng đành buông tay, xin trả khu du lịch sinh thái này lại cho huyện.
Chỉ tiếc trong hơn 5 năm qua nguồn lực đổ vào đây không phải là ít: gần bốn tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở lưu trú, tôn tạo, bảo vệ danh thắng… nhằm mục đích biến nơi đây thành một trong những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến Đác Lắc thăm thú; vậy mà vì một sự “đánh đổi” thiếu chia sẻ lợi ích cộng đồng (giữa thủy điện - rừng và du lịch) đã khiến đơn vị phải lao đao, vất vả. Chẳng những không thu hồi được nguồn vốn bỏ ra, mà mọi công trình được đầu tư, tôn tạo xong cũng thành ra “phế tích”, chẳng mang lại ý nghĩa gì, vì bản thân nó không sinh lợi cho xã hội và không góp phần cải thiện được cuộc sống cho người dân địa phương.
Chia sẻ lợi ích sao cho hài hòa
Tình cảnh “dở khóc, dở cười” này không chỉ xảy ra ở Khu du lịch sinh thái Krông Kma. Trước đó, cụm danh thắng bao gồm thác Dray Nur, Gia Long của Công ty Du lịch và Thương mại Đam San (Đác Lắc) bỏ vốn đầu tư làm du lịch văn hóa- sinh thái cách đây bốn, năm năm cũng phải “ngả mũ chào thua” khi công trình Thủy điện Buôn Kuôp chính thức chặn dòng. Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San lắc đầu nói: hơn ba tỷ đồng bỏ ra để đầu tư khá đồng bộ cho tour du lịch này, cuối cùng nhận về con số “không” tròn trĩnh. Ai vào thăm thú, thưởng ngoạn cụm thác Dray Nur, Dray Sáp, Gia Long làm gì khi không còn dòng nước cuồn cuộn chảy và tung khói trắng xóa giữa mênh mông rừng tự nhiên xanh mát quanh năm? Chính nguồn nước vốn có để làm nên cảnh tượng hùng vĩ tuyệt đẹp này đã bị công trình Thủy điện Buôn Kuôp lấy đi, khiến tour du lịch văn hóa - sinh thái một thời làm say lòng du khách trở thành dĩ vãng. Hay nói chính xác hơn là nó đã “chết” theo nghĩa bảo tồn sinh thái.
Nói rõ thêm về điều này, ông Lê Hoàng Cơ trình bày: "Khi đất, rừng ở đây có chủ (là Công ty Du lịch - Thương mại Đam San) thuê của Nhà nước thời hạn 50 năm để đầu tư, phát triển vốn rừng, đồng thời làm du lịch, cảnh quan, sinh thái nơi này còn được chăm sóc, bảo vệ. Vì yếu tố thiên nhiên quan trọng ấy là yếu tố sống còn để chủ rừng xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách tham quan. Đến những năm 2005-2006, Thủy điện Buôn Kuôp được xây dựng thì nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ngoài việc các đối tượng chuyên “ăn rừng” lợi dụng đường sá ở đây được mở mang phục vụ cho công trình để vào rừng chặt phá, khai thác gỗ, làm cho tài nguyên rừng không ngừng suy giảm, bên cạnh đó, các con suối, ngọn thác trong khu vực cũng cạn kiệt nhanh chóng trong những tháng mùa khô, khiến hoạt động kinh doanh du lịch ở đây vấp phải những trở ngại không lường trước được và vượt khỏi khả năng kiểm soát của công ty. Ông Lê Hoàng Cơ nhấn mạnh "trở ngại lớn nhất là sức ép lên rừng và đất rừng từ phía người dân địa phương" do thiếu đất canh tác vì nương rẫy của họ bị giải tỏa (đền bù) nhằm phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện trên. Vì thế Công ty Du lịch - Thương mại Đam San đành ngừng lại các hoạt động đầu tư, khai thác tour du lịch văn hóa - sinh thái tại cụm thác Dray Nur, Gia Long và đồng thời chấp nhận thua lỗ để cho số phận danh thắng khá nổi tiếng này cận kề sự “xóa sổ” trong nay mai…
Rõ ràng, trực tiếp hay gián tiếp, các công trình thủy điện được quy hoạch và xây dựng tại các địa điểm trên đã có những tác động bất lợi đến các hoạt động kinh doanh du lịch ở một số tour, tuyến du lịch văn hóa - sinh thái trên địa bàn tỉnh Đác Lắc.
Những nơi khác như Vườn quốc gia Yok Đôn và các khu du lịch sinh thái nằm dọc theo sông Sêrêpôk: Thanh Hà, Buôn Trí, Bản Đôn… cũng đang đứng trước mối lo ấy khi công trình thủy điện Sêrêpôk 4A được triển khai.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thanh Hà bày tỏ: khi Thủy điện Sêrêpôk 4A được xây dựng theo quy hoạch và thiết kế dẫn dòng từ ngầm Dak Ri đi qua ba xã vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn đến cầu 19 - Cư Minh để phát điện (như trong kỳ 1 đã nêu) thì chắc rằng hoạt động du lịch ở đây, cũng như cả vùng Bản Đôn đứng trước nguy cơ phá sản. Nước của đoạn sông Sêrêpôk bị lấy đi, lòng sông sẽ trơ đáy vào mùa khô, nhiều thác nước như Bảy Nhánh cùng những đảo nổi trên dòng sông được những tán cây si xanh rờn che bóng mát trở nên khô khốc…làm sao thu hút du khách đến đây thăm thú, vui chơi ?. Đến lúc đó, dù không muốn cũng phải đóng cửa khu du lịch sinh thái này vì lợi ích cục bộ khác.
Theo Hiệp hội Du lịch Đác Lắc, đã đến lúc phải đặt vấn đề chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các ngành nghề với nhau trên cùng tài nguyên, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất giàu tiềm năng này. Nếu không, mục tiêu tối thượng đặt ra là sự thụ hưởng của cộng đồng, xã hội từ tài nguyên thiên nhiên đem lại sẽ không công bằng và không bền vững trong quá trình phát triển. Đây cũng là ý kiến, đề xuất đáng lưu tâm, mong những người có trách nhiệm đánh giá xác đáng trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương một cách hài hòa, bền vững hơn.