Tiến sĩ NGUYỄN HỮU THỊNH, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Cần kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Theo quy hoạch của Sở Công Thương Đác Lắc trên địa bàn tỉnh Đác Lắc có hơn 100 dự án thủy điện lớn, nhỏ, tập trung chủ yếu là trên lưu vực sông Ba và sông Sêrêpôk. Trong số này đã có khoảng 27 dự án đã khảo sát và 12 dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Có thể nói các dự án thủy điện được triển khai xây dựng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, theo tôi thì không nên quá tập trung vào phát triển thủy điện mà quên mất những tác động ngược của những công trình này đến môi trường.
Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, sự kết hợp giữa cơ quan môi trường (cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường) với những người có chức năng quy hoạch các dự án thủy điện (Sở Công Thương) vẫn chưa được chặt chẽ. Cụ thể là trong số hơn 100 dự án thủy điện đã được quy hoạch nói trên, chúng tôi không hề được tham gia ý kiến về góc độ chuyên môn bảo vệ môi trường... Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi cũng chỉ có khoảng vài chục dự án trong số này có thể bảo đảm về môi trường để làm thủy điện.
Tôi cũng xin nói thêm, chỉ riêng trên bản đồ bậc thang thủy điện sông Sêrêpôk hiện đã có trên 20 dự án lớn nhỏ đã thi công và đang đăng ký. Với mạng lưới thuỷ điện chằng chịt như vậy dòng chảy của sông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và kéo theo đó là môi trường sinh thái sẽ biến đổi theo hướng suy kiệt.
Điều đáng nói là nhiều công trình thủy điện đã được quy hoạch nằm trong hoặc cạnh kề các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia. Điều này là vô cùng nguy hiểm đối với những khu vực đang cần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Đơn cử như Dự án Thủy điện Sêrêpôk 4 ( như trong kỳ 1 đã nêu) nếu triển khai xây dựng sẽ có khoảng 200 ha rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn dọc đoạn sông chết sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ cần làm một phép tính nhẩm: Một dự án thủy điện nhỏ sẽ lấy đi của chúng ta khoảng 20-30 ha rừng và đất rừng, còn nếu là thủy điện lớn thì diện tích này sẽ là hàng trăm... Nếu nhân lên với con số trên 100 dự án thủy điện đã được quy hoạch thì chúng ta (và cả tương lai) sẽ mất đi hàng nghìn héc-ta rừng và đất rừng, kèm theo đó là những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vốn dĩ phong phú, đa dạng mang tính đặc trưng của rừng Tây Nguyên.
Một khi môi trường sinh thái bị phá vỡ thì không ai và cũng không thể nào có thể tái tạo lại được như ban đầu cả. Một cái giá quá đắt!
VÕ QUANG TUYÊN, Phó Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Đác Lắc: Không nhất thiết phải làm thủy điện bằng mọi giá!
Theo tôi, không nhất thiết phải làm thủy điện bằng mọi giá. Đặc biệt là các công trình thủy điện có tác động bất lợi đến môi trường thì nên xem xét, đánh giá lại một cách thấu đáo và công tâm.
Trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện nay, có công trình nào mà không “dính” đến rừng và đất rừng? Nếu cứ nghĩ đến lợi ích của rừng và đặt yếu tố này lên hàng đầu để suy xét thì chẳng làm được một công trình thủy điện nào. Song, cũng nên cân nhắc đến lợi ích toàn cục để xây dựng, phát triển ngành điện nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp chung.
Tôi lưu ý, những công trình thủy điện có công suất nhỏ, nhưng được thiết kế xây dựng tại những khu rừng cấm thì không nên “đánh đổi” vì rừng, cũng như cảnh quan sinh thái ở đó quý giá vô cùng, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Cứ tư duy theo kiểu ở đâu thiếu điện thì phải sản xuất ra điện để phục vụ cho bà con là không ổn. Biết rằng người dân vùng sâu, vùng xa… có nhiều nơi chưa có điện để dùng, đó là điều mà cả hệ thống chính trị cùng các cấp chính quyền cần suy nghĩ, giải quyết. Nhưng giải quyết bằng nhiều cách, chứ không hẳn là làm một nhà máy thủy điện ở đó là được. Nên nhớ, rừng chỉ còn ở vùng sâu, vùng xa. Nếu rừng ở đó tiếp tục bị thu hẹp, xâm hại thì rõ ràng chủ trương trồng rừng của chúng ta đang ra sức triển khai chẳng có ý nghĩa gì. Theo tôi biết, trong mấy năm qua, Đác Lắc trồng mới rừng được khoảng 270.000 ha, trong khi đó rừng tự nhiên phải chuyển mục đích sử dụng vì nhiều lý do khác nhau, không lọai trừ cho các công trình thủy điện lớn gấp nhiều lần. Vậy thì phải đặt lợi ích nào lên hàng đầu, bền vững mới là vấn đề đáng suy nghĩ.

Đường được mở ra tại khu vực thác Dray Nur-Gia Long
(huyện Krông Ana) đã tạo cơ hội cho nhiều người phá rừng.
Ông PHẠM CHÍ TA, Thư ký Hiệp hội Du lịch Đác Lắc: Thủy điện và du lịch cần có tiếng nói chung
Vấn đề cốt lõi nhất, đó là thủy điện và du lịch cần phải có sự đồng thuận sẻ chia lợi ích từ khai thác tài nguyên. Du lịch dựa vào tài nguyên để phát triển, thu hút khách tham quan mà cụ thể ở đây là những cảnh quan thiên nhiên, những con sông, ngọn thác... Còn thủy điện, dĩ nhiên là không thể không có... nước! Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, giữa du lịch và thủy điện vẫn chưa có được tiếng nói chung. Hay nói rõ hơn là hai bên đang phát triển theo cách mà mạnh ai nấy làm. Hệ quả tất yếu là du lịch sẽ “chết khô”, bởi sông bị chặn dòng phục vụ thủy điện, thác không còn nước, cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái bị phá hủy...
Không thể phủ nhận lợi ích về kinh tế trước mắt mà các công trình thủy điện đã mang lại đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển đó đã và đang kéo theo hệ luỵ cho ngành du lịch. Theo tôi, giữa thủy điện và du lịch cần thiết phải tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác, chia sẻ lợi ích vì một mục tiêu tối thượng là phát triển vì cộng đồng.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Đác Lắc đã thành lập đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra thực tế tại bảy dự án thì tất cả bảy đơn vị đều chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các hạng mục công trình và trước khi đưa nhà máy vào vận hành chưa thực hiện báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát và nghiệm thu theo đúng quy định. Vấn đề đặc biệt quan trọng là việc điều tiết nước liên hồ chứa, bảo đảm dòng chảy tối thiểu cho những đoạn sông chết (dòng chảy môi trường) cũng không được các đơn vị quan tâm thực hiện. Một số thủy điện chưa lập các thủ tục về quy trình vận hành hồ chứa, thủ tục hồ sơ về khai thác sử dụng nước mặt để được phê duyệt, cấp phép theo quy định... Đây là những vấn đề mà tỉnh Đác Lắc cần quan tâm để bảo đảm sự phát triển bền vững giữa các ngành với nhau.