Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều hành chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế ở Việt Nam năm 2009

Bức tranh kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2009 nhìn chung có dấu hiệu sa sút hơn so với những tháng cuối năm ngoái, với những biểu hiện điển hình là: kinh tế tiếp tục suy giảm ở nhiều nước, tình hình thất nghiệp gia tăng trên phạm vi toàn cầu (theo dự báo ngày 31/3/2009 của WB, triển vọng kinh tế thế giới năm 2009 giảm 1,7%, còn theo IMF thì kinh tế thế giới suy giảm từ 1% đến 0,5); Lạm phát có xu hướng tăng tại hầu hết các nước do giá một số mặt hàng phục hồi và chính sách kích cầu được thực hiện ở nhiều quốc gia; Thương mại toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 1982 trở lại đây (theo IMF, thương mại toàn cầu năm 2009 giảm 2,9%); Thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục sụt giảm; giá vàng, đồng USD và lãi suất trên thị trường quốc tế tiếp tục biến động phức tạp...

Điều hành chính sách tiền tệ và kết quả đạt được

Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp không ít khó khăn, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện sự chỉ đạo chung của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... Những tháng gần đây, NHNN đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ thận trọng với những biện pháp chủ đạo sau:

Một là, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với mục tiêu kích cầu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống.

5 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành: Lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam giảm từ 13%/năm xuống 7%/năm, đưa lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng từ 19,5%/năm xuống 10,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm xuống 8%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 6%/năm.

5 lần điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng từ 11%-10%-8%-6%-5%-3%, kỳ hạn 12 tháng trở lên điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1%; 2 lần điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ từ 11%-9%-7%.

Điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng từ 16.494 VND/USD (24/12/2008) lên 16.989 VND/USD (25/12/2008); nới rộng biên độ tỷ giá giữa VND với USD từ +/-2% -> +/3% -> +/-5% áp dụng từ ngày 24/3/2009 nhằm giúp tỷ giá biến động hai chiều linh hoạt hơn, bám sát cung-cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh trong năm 2009. Chấn chỉnh các Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối không được sử dụng kết hợp các công cụ phái sinh nhằm mục đích mua bán đôla Mỹ giao ngay với tỷ giá cao hơn trần biên độ do NHNN quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp, đảm bảo việc chu chuyển ngoại tệ lành mạnh trong nền kinh tế; yêu cầu các NHTM đã được NHNN cho phép thực hiện thí điểm nghiệp vụ quyền chọn giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ chấm dứt thực hiện nghiệp vụ này kể từ ngày 23/3/2009.

Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, chủ yếu là chào mua giấy tờ có giá (đưa tiền ra lưu thông) để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn thanh toán với kỳ hạn và lãi suất hợp lý.

Hai là, chỉ đạo các NHTM thực hiện các biện pháp về tín dụng, lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hoá, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, nhiều NHTM đã thực hiện việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng được ký kết tại thời điểm lãi suất cao xuống theo mức lãi suất hiện hành.

Ba là, xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động về các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP. Theo đó, NHNN thực hiện: (i) Mở rộng tín dụng có hiệu quả và xử lý việc cơ cấu lại nợ, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; (ii) Tiếp tục đổi mới chính sách và mở rộng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; (iii) Tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất và huy động nguồn vốn cho các dự án kích cầu đầu tư; (iv) Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với mục tiêu kích cầu; (v) Nâng cao chất lượng công tác thống kê phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ; (vi) Tăng cường thanh tra giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống; (vii) Nâng cao chất lượng và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; (viii) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; (ix) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin trong hệ thống ngân hàng. 

Bốn là, ban hành Chỉ thị số 06/2008/CT-NHNN ngày 31/12/2008 về thực hiện các biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội;  phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để chỉ đạo, khuyến khích các NHTM thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và không phạt quá hạn theo cơ chế hiện hành.

Năm là, tích cực triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 và Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 10/3/2009 về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh.

Sáu là, tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hàng ngày diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và dự báo về tình hình cung - cầu vốn, lãi suất và tỷ giá để thực hiện các giải pháp can thiệp để ổn định thị trường như đưa tiền ra thông qua nghiệp vụ thị trường mở, điều chỉnh biên độ tỷ giá, bán ngoại tệ với liều lượng và thời điểm thích hợp. Tăng cường giám sát từ xa và kết hợp với nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của từng NHTM để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Sự điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, kết hợp với triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ đã có tác động tích cực góp phần giữ cho thị trường tiền tệ, ngoại hối tiếp tục ổn định, lãi suất, tỷ giá biến động phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được mở rộng và an toàn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và người dân đối với hệ thống ngân hàng và các giải pháp kích cầu của Chính phủ... Cụ thể:

Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng ở mức độ phù hợp với xu hướng nới lỏng tiền tệ theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, các NHTM đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn thanh toán.

Lãi suất thị trường có xu hướng giảm từ đầu tháng 1/2009 đến giữa tháng 2/2009 với mức giảm từ 0,7-2,5%/năm, từ nửa cuối tháng 2/2009 đến nay, các NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND với mức tăng khoảng từ 0,5-1,5%/năm. Tính đến cuối tháng 3/2009, mặt bằng lãi suất thấp hơn so với cuối năm 2008 và tháng 3/2008 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì sản xuất- kinh doanh, tạo việc làm. Lãi suất huy động VND có kỳ hạn ở mức 6-8%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 4-6%/năm đối với các khoản vay được hỗ trợ lãi suất, đối tượng không được hỗ trợ lãi suất khoảng 8%-10%/năm, thấp hơn so với lãi suất cùng kỳ năm 2008 (14,6- 18,4%/năm); lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định ở mức 7-7,6%/năm. Lãi suất USD có xu hướng giảm, lãi suất huy động khoảng 2-3,5%/năm, lãi suất cho vay khoảng 6-7%/năm.

Tỷ giá USD/VND tương đối ổn định ngoại trừ trong tháng 3 có sức ép tăng tỷ giá chủ yếu do tác động của yếu tố tâm lý. Tính đến ngày 31/03/2009, tỷ giá bán của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam giao dịch ở mức 17.802 VND/USD tăng 1,8% so với cuối năm 2008. Hiện tỷ giá giao dịch của các TCTD luôn bám sát tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và ở biên độ cho phép. Với xu hướng tăng tỷ giá, tốc độ tăng lạm phát chậm lại, tỷ giá thực của VND so với USD được tính trên cơ sở kim ngạch xuất - nhập khẩu và lạm phát của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có xu hướng giảm, khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam được cải thiện.

Các NHTM đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả ngắn hạn lớn hơn 100%; vốn khả dụng được duy trì ở mức cao; các NHTM trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chấp hành các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn kinh doanh của NHNN, không có NHTM nào gặp khó khăn về khả năng thanh toán.

Định hướng chính sách tiền tệ năm 2009

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, năm 2009, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng sau:

Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ và các mục tiêu về tiền tệ năm 2009 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp đồng bộ với các chính sách tài khoá, chính sách thương mại để ổn định thị trường tiền tệ, tăng thanh khoản cho các TCTD và nền kinh tế, lãi suất và tỷ giá biến động phù hợp với điều kiện thực tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng với hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, khẩn trương và đúng pháp luật cơ chế hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để xử lý và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền của NHNN.

Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tăng cung và kiểm soát cầu ngoại tệ thị trường để phấn đấu điều hành cán cân thanh toán theo hướng không để thâm hụt.

Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các cơ chế cấp tín dụng thông thường; đổi mới chính sách và mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các NHTM tăng cường huy động vốn để mở rộng tín dụng có hiệu quả, bố trí vốn cho các dự án, chương trình tín dụng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Làm tốt công tác thông tin truyền thông cho doanh nghiệp và người dân, tổ chức quốc tế để hiểu đúng về tình hình hoạt động ngân hàng, hạn chế tác động xấu do yếu tố tâm lý...

Với những kinh nghiệm và thành công đã thu nhận được, tin rằng sự điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2009 sẽ góp phần đắc lực vào thực hiện thành công những nhiệm vụ vĩ mô chung của đất nước...

(Theo tapchikinhtedubao)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Định hướng công nghiệp Hà Giang theo con đường phát triển nhanh và bền vững
  • Hà Giang quyết tâm vượt khó thực hiện vượt mức mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông di động Việt Nam
  • Tỉnh Điện Biên phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch ngày một vững chắc
  • Thành phố Điện Biên Phủ phát huy vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của Tỉnh
  • Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2009: Tiếp tục chuyển biến tích cực
  • Những kỷ lục báo chí Việt Nam
  • Báo chí với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi