Trải qua 84 năm phát triển và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng.
![]() |
Vai trò của báo chí
Ở thời đại chúng ta ai cũng phải khẳng định rằng báo chí là một phần của cuộc sống, là cơm ăn, thức uống, môi trường trí thức của con người. Nhìn vào đời sống của báo chí, người ta có thể đoán được mức sống của người dân và sự tiến bộ của xã hội. Báo chí thực sự là sức mạnh trí thức, thông tin muôn mặt đời sống đến mọi người dân. Báo chí phản ánh mọi hoạt động của xã hội ngày càng đầy đủ, cập nhật toàn diện, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Báo chí trở thành cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, kết nối Trung ương và địa phương, giữa trong nước và quốc tế.
Những năm vừa qua, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, tích cực tham gia và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống... góp phần và việc bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Báo chí đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, càng phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân.
Báo chí được coi là công cụ tư tưởng văn hoá của Đảng, phương tiện điều hành của Chính phủ đối với quốc gia, đất nước thông qua hoạt động tuyên truyền.
Báo chí giờ đây đang là kênh giám sát mọi hoạt động xã hội, góp phần hình thành dư luận xã hội và định hướng dư luận.
Báo chí đã mở rộng và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, góp phần quan trọng giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Như vậy, Báo chí thực sự đã trở thành quyền lực, nhưng là của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sự lớn mạnh của báo chí thể hiện ở cả số lượng lẫn quy mô, tính hiệu quả và sức lan toả.
Tình hình báo chí cả nước
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình) đã phát triển nhanh về số lượng, cơ cấu, loại hình, tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị công tác quản lý báo chí mới đây ngày 4/6/2009, hiện cả nước có 687 cơ quan báo in với 896 ấn phẩm, trong đó khối cơ quan báo chí Trung ương có 1 hãng thông tấn quốc gia, 77 báo, 416 tạp chí, 105 ấn phẩm phụ. Báo chí địa phương có 103 báo, 101 tạp chí, 104 ấn phẩm phụ. Có 67 đài phát thanh - truyền hình, gồm 3 đài ở Trung ương và 64 ở các địa phương.
Cả nước có 21 tờ báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội, doanh nghiệp. Hơn 16.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhậy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, phát hiện và biểu dương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến.
Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế đất nước trong thời gian quan đã có 4 cơ quan báo chí xin ngừng hoạt động, 5 cơ quan báo chí xin giảm kỳ phát hành, 6 cơ quan báo chí xin giảm trang in.
Báo chí trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cùng với sự phát triển của báo chí trong nước, báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ngày một phát triển. Từ chỗ chỉ có tờ Tạp chí Kinh tế và Dự báo mà tiền thân là tờ Nội san công tác kế hoạch ra đời từ 1976, đến nay trong Bộ đã có 7 đơn vị báo chí, trong đó có 4 đơn vị báo chí trực thuộc Bộ và 3 đơn vị báo chí trực thuộc các đơn vị thuộc Bộ. Trong số 4 đơn vị báo chí trực thuộc Bộ có 2 đơn vị báo chí nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ là Báo Đầu tư và Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Nghị định 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ). 2 đơn vị báo chí khác trực thuộc Bộ là Báo Đấu thầu (đặt tại Cục quản lý đấu thầu) và Tạp chí Khu Công nghiệp Việt Nam (đặt tại Vụ Quản lý các khu kinh tế). Các đơn vị báo chí trực thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ có 3 tạp chí: Tạp chí Con số và Sự kiện (Tổng cục Thống kê), Tạp chí Quản lý Kinh tế (Viện Quản lý kinh tế TW), Tạp chí Thông tin và Dự báo KT-XH (Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia). Ngoài ra còn một số bản tin, phụ san trực thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ.
Bên cạnh các báo, tạp chí, bản tin trong Bộ còn có hàng chục trang TTĐT đã được hình thành và phát triển. Nổi bật nhất là cổng thông tin điện tử do Trung tâm tin học đảm trách, bên cạnh đó là các trang Web của các Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ (Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, Cục Đầu tư, Cục phát triển doanh nghiệp, Cục Quản lý đấu thầu, Vụ Kinh tế đối ngoại, Báo Đầu tư và mới đây nhất là Website của Tạo chí Kinh tế và Dự báo).
Có thể khẳng định rằng, trong những năm vừa qua hoạt động báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ được Chính phủ giao, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tình hình phát triển KT-XH của đất nước, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt các Tạp chí của Bộ là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các nhà đầu tư trong, ngoài nước trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan tới KT-XH của cả nước nói chung và các mặt, lĩnh vực hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các đơn vị báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, hoạt động tích cực, đáp ứng được các yêu cầu của công tác báo chí, yêu cầu công tác của Bộ cũng như nhu cầu của độc giả về thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế.
Điều cũng được khẳng định là hoạt động báo chí của Bộ đã tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Báo chí, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đáp ứng các yêu cầu tuyên truyền thông tin, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ được Đảng và Chính phủ giao.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên làm việc tại các cơ quan báo chí của Bộ cũng khá đông (khoảng 250 người) đa phần là cán bộ trẻ, nhiệt tình, có trình độ đại học trở lên.
Với những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan báo chí và sự chỉ đạo quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, đã có 2 cơ quan báo chí chủ chốt của Bộ là Tạp chí Kinh tế và Dự báo và Báo Đầu tư đã được Nhà nước tặng 5 Huân chương lao động các loại (Tạp chí 4, Báo Đầu tư 1).
Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị báo chí trong Bộ cũng còn gặp không ít những khó khăn, đó là sự bùng nổ của thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí trong cả nước, của hệ thống báo điện tử, tác động của khủng hoảng kinh tế sâu rộng làm cho giá giấy không ổn định, chí phí cho in ấn phát hành lớn, trong khi Bộ không có nguồn tài chính nào hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị báo chí của mình. Cơ sở vật chất của đại đa số các cơ quan báo chí trong Bộ rất nghèo nàn, phương tiện, điều kiện tác nghiệp báo chí hạn chế.
Đội ngũ cán Bộ tuy đông, trẻ nhưng kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, ít có điều kiện được bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí, chủ yếu phải tự rèn luyện và tự học tập.
Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị báo chí trong Bộ có lúc chưa ổn định, rõ ràng cũng như quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị báo chí, sự phối hợp chưa cao nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động báo chí của Bộ.
Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Ngày 29/07/1967, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực đã ký giấy phép xuất bản báo chí cho phép xuất bản Tập san công tác kế hoạch 3 tháng 1 kỳ. Người đầu tiên chịu trách nhiệm làm Chủ nhiệm là đồng chí Đặng Thí. Ba tháng sau, tháng 10/1967 Tập san ra số đầu tiên.
Ngày 13/5/1976, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phan Mỹ đã ký giấy phép số 1465/VP15 cho phép đổi tên Tập san thành Tạp chí với kỳ xuất bản là 2 tháng 1 kỳ từ 1/6/1976.
Ngày 18/1/1978 với giấy phép số 4310/VP9 Tạp chí công tác kế hoạch đổi tên thành Tạp chí Kế hoạch hoá. Tiếp sau đó gần 10 năm, 1988 Tạp chí Kinh tế vùng của Uỷ ban phân vùng kinh tế Trung ương nhập vào Tạp chí Kế hoạch hoá.
Tháng 10/1991 Tạp chí Kế hoạch hoá lại được đổi tên thành Tạp chí Kinh tế và Dự báo xuất bản hàng tháng tới tháng 12/2007.
Kể từ tháng 1/2008 Tạp chí được phép của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng trang, tăng kỳ xuất bản 2 số/tháng; có thêm phụ trương Tổng quan Kinh tế - xã hội hàng quý.
Qua nhiều lần thay đổi trong cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bằng các Quyết định 616/QĐ-BKH ngày 19/8/2003 và 466/QĐ-BKH ngày 10/4/2009 Bộ đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Tạp chí Kinh tế và Dự báo trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn lại quá trình phát triển của Tạp chí khi chúng ta biết rõ giờ đây Tạp chí Kinh tế và Dự báo là một đơn vị độc lập, chính sự chỉ đạo của Ban cán sự và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí có con dấu, tài khoản riêng, được phân cấp quản lý cán bộ và quyền tự chủ tài chính.
Tạp chí hiện nay có 26 cán bộ, tổ chức thành 5 phòng, ban (Phòng Biên tập, Phòng Xuất bản, Văn phòng, Phòng Tiếp thị, Quảng cáo và Phát hành, Đại diện phía Nam). Tạp chí có chi bộ riêng 11 đảng viên, chi đoàn 16 đoàn viên, công đoàn 26 hội viên, Chi hội nhà báo có 18 hội viên.
Đội ngũ cán bộ của Tạp chí đa phần là trẻ, bình quân tuổi đời là 33, tuổi nghề 6 năm, hiện có 6 thạc sĩ, tiến sĩ, đến năm 2010 có thêm 4 thạc sĩ sẽ bảo vệ.
Nhìn lại 42 năm qua, đặc biệt là hơn 20 năm của thời kỳ đổi mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã nỗ lực vượt bậc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của một đơn vị báo chí chủ chốt của Bộ. Sản phẩm chính của Tạp chí Kinh tế và Dự báo hiện nay là tờ Tạp chí ra 2 kỳ/tháng, Tổng quan KT-XH hàng quý, các sách tham khảo nghiệp vụ, tìm hiểu pháp luật kinh tế, trang thông tin điện tử.
Song song với việc xuất bản sách báo, Tạp chí còn phối hợp với những báo lớn như Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các Hội thảo về nâng cao chất lượng báo chí kinh tế (1992, 1997, 2002, 2007). Ngoài Hội thảo về nâng cao chất lượng báo chí, Tạp chí còn phối hợp với các Viện, Trường Đại học, cơ quan nghiên cứu, các đơn vị trong Bộ và ngoài Bộ tổ chức các cuộc Hội thảo về cải tiến công tác kế hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước, quản lý doanh nghiệp... Đồng thời cùng chủ trì một số đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia nghiên cứu các đề tài về nghiệp vụ kế hoạch và báo chí.
Mặc dù đội ngũ cán bộ ban đầu còn ít, về sau lại trẻ song Tạp chí đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết với Lãnh đạo UBND, các tỉnh, thành phố, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban quản lý các KCN, KCX, khu kinh tế.
Trong quá trình hoạt động, công tác của mình phóng viên của Tạp chí đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đã có tới 50/63 tỉnh đăng ký giới thiệu trên Tạp chí về tiềm năng cơ hội đầu tư vào các địa phương mình. Mặt khác, Tạp chí còn gửi biếu các ấn phẩm của mình tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố, các sở kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý KCN, mỗi kỳ gần 300 bản.
Với những đóng góp của mình, Tạp chí đã 4 lần được Nhà nước trao 2 Huân chương lao động hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba, Bộ trưởng hàng năm tặng Bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân, Đảng uỷ khối, Đảng uỷ cơ quan, Hội nhà báo, Tổng Liên đoàn lao động, Trung ương đoàn thanh niên tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong 5 năm trở lại đây, Chi bộ Đảng của Tạp chí có thêm 7 đảng viên mới.
Trước những khó khăn và thách thức mới đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm công tác báo chí phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chương trình công tác cụ thể để phấn đấu. Chính vì vậy, Tạp chí đã đề ra một số nhiệm vụ và phương hướng phấn đấu từ nay đến năm 2020 như sau:
Phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng sáng tạo, chủ động trong công tác, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo TW thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Cụ thể là làm tốt các công việc sau:
1. Duy trì đều đặn có chất lượng việc xuất bản Tạp chí 24 số/năm.
2. Cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng nội dung các đề mục trong Tạp chí, cập nhật, phản ánh đầy đủ và sâu sắc các vấn đề liên quan tới nhiệm vụ của Bộ, của ngành.
3. Đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ của Tạp chí. In ấn, phát hành sách, Tạp chí, phụ trương, số chuyên đề, phụ bản...
4. Xuất bản một số sách tổng kết lý luận thực tiễn công tác kế hoạch hoá và quản lý ở Việt Nam và thế giới, sách tra cứu văn bản pháp luật liên quan tới quản lý kinh tế, các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc của Bộ.
5. Tăng cường công tác tiếp thị, phát hành, mở rộng đại lý quảng cáo, tiếp thị ấn phẩm của Tạp chí để tạo thêm nguồn thu hỗ trợ hoạt động.
6. Duy trì và phát triển trang thông tin điện tử (Website) của Tạp chí. Cập nhật sống động về thời sự, kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động của Bộ, ngành, các đơn vị.
7. Tăng cường hợp tác các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ để mở rộng ảnh hưởng và đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ của Tạp chí.
8. Mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở các ngành, địa phương. Sớm nghiên cứu hình thành Hội đồng biên tập, Ban cố vấn.
9. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực để sẵn sàng đảm nhận các chức trách, công việc của Tạp chí trong tương lai (Có trí thức, kinh nghiệm nghiệp vụ, trình độ lý luận, chính trị, ngoại ngữ, tin học...).
10. Xây dựng phương án đầu tư chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác báo chí, xuất bản của đơn vị./.
( Theo Đinh Quý Xuân // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com