Kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh và sự cộng tác, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành Tỉnh, các đơn vị, địa phương trong và ngoài Tỉnh; đặc biệt sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thành phố, sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của chính quyền các cấp; kinh tế - xã hội của thành phố Điện Biên Phủ qua 3 năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010 đã đạt được những kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Thành phố đều tăng. Năm 2006 đạt 15,7%, năm 2007 đạt 16%, năm 2008 đạt 19,1%. GDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2006 đạt 790 USD, đến năm 2008 thì GDP bình quân đầu người của Thành phố đã đạt 1.389 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước. Lực lượng sản xuất không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thương mại - dịch vụ - du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nên Thành phố đã xây dựng và ban hành Đề án phát triển giai đoạn 2006-2010. Trong những năm qua, Thành phố đã thực hiện khá tốt việc thu hút vốn đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại - du lịch - dịch vụ. Đến hết năm 2008, toàn Thành phố có 13 DNNN, 89 DNTN, 2.510 hộ cá thể kinh doanh trên địa bàn. Tổng giá trị lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ năm 2008 đạt 993 tỷ đồng, chiếm 56,3% tỷ trong GDP. Dịch vụ phát triển đa dạng, quy mô được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 18%. Một số loại hình dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng tốt hơn như: Dịch vụ bưu điện, viễn thông; ăn uống; dịch vụ vận tải; dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm... được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân và khách du lịch. Hoạt động du lịch chuyển biến tích cực, lượng khách đến tham quan du lịch hàng năm đều tăng, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2008 có 148,5 ngàn lượt khách đến địa bàn tham quan du lịch, tăng 7,5 ngàn lượt so với năm 2007. Doanh thu từ du lịch và dịch vụ năm 2008 ước đạt 81,5 tỷ đồng. Sản xuất CN-TTCN và Xây dựng trên địa bàn phát triển ổn định, năm sau luôn cao hơn năm trước; giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2006 đạt 247 tỷ đồng, năm 2007 đạt 282 tỷ đồng, năm 2008 đạt 327,5 tỷ đồng ; giải quyết việc làm cho gần 3000 lao động. Tổng giá trị xây dựng trên địa bàn năm 2008 đạt 387 tỷ đồng. Cùng với Tỉnh, thành phố đang triển khai nhiều công trình quan trọng như: Tái đinh cư Thủy điện Sơn la; Trùng tu di tích ; các công trình giao thông,thoát nước nội ngoại thành, hệ thống trường học, bệnh viện, thể thao... Đặc biệt đã huy đông sức dân tập trung bê tông hóa, điện chiếu sáng đường ngõ, hẻm... theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Về sản xuất nông - lâm nghiệp, do đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bằng các giải pháp tích cực như đầu tư hệ thống kênh mương thuỷ lợi, triển khai dự án khai hoang ruộng nước và nương cố định, xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, khắc phục kịp thời và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, đã tiến hành khảo sát lập quy hoạch trồng rừng kinh tế với các dự án trồng tre lấy măng và mô hình vườn rừng trồng cây ăn quả, mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất nông - lâm kết hợp. Về quản lý thu - chi ngân sách, thực hiện các biện pháp tăng thu, thu đúng, thu đủ, hàng năm công tác thu trên địa bàn đều vượt kế hoạch Tỉnh giao, thu năm sau cao hơn năm trước (năm 2006 đạt 44,46 tỷ đồng, đạt 109,3% KH; năm 2007 đạt 55,68 tỷ đồng, đạt 114,3% KH; năm 2008 đạt 68 tỷ đồng, đạt 112,93% KH tỉnh giao). Chi ngân sách thực hiện việc phân bổ ngân sách theo quy định, cân đối bố trí đủ nguồn chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra đảm bảo đảm bảo việc quản lý chi tiêu đúng mục đích, đúng chế độ và tiết kiệm. Về công tác quản lý đô thị, Thành uỷ, HĐND-UBND Thành phố đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý đô thị trên các lĩnh vực, đã ban hành Đề án xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn 2006-2010 và tập trung triển khai thực hiện do vậy công tác quản lý đô thị đã có chuyển biến tích cực, cơ bản đã hạn chế được tình trạng vi phạm quy chế quản lý đô thị, xây dựng được nếp sống văn minh đô thị. Thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thực thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể, phục vụ nhiệm vụ nâng cấp lên đô thị loại II, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 14/TTg của Chính phủ về tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị. Công tác quản lý đất đai đã thực hiện lập quy hoạch chung giai đoạn 2006-2015 và quy hoạch chi tiết 7/8 phường xó, 8/8 phường xã đã lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010. Tập trung đẩy mạnh công tác GPMB, phục vụ cho đầu tư xây dựng và thực hiện quy hoạch trên địa bàn. Hàng năm tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác môi trường như: hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tết trồng cây hàng năm, công tác chăm sóc, trồng mới cây xanh, cây cảnh, thu gom xử lý rác thải... Về văn hoá xã hội, UBND Thành phố đã ban hành Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và đang tích cực để triển khai thực hiện. Sự nghiệp giáo dục của Thành phố phát triển, quy mô giáo dục dần đi vào ổn định, giữ vững được kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, hiện nay đang thực hiện phổ cập bậc trung học. Tính đến hết 2008 ,thành phố đã xây dưng được 14 trường đạt chuẩn Quốc gia. Văn hoá - thông tin - TDTT có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Thành phố, của Tỉnh và các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, kỷ niệm 15 năm thành lập thị xã nay là thành phố, 60 ngày Thương binh, liệt sĩ... Công tác thông tin tuyên truyền, truyền thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ. Việc phát triển và quản lý hệ thống thông tin đại chúng được chú trọng: Hiện nay 100% phường, xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 95% dân số được xem truyền hình, nghe đài truyền thanh. Phong trào TDTT phát triển mạnh, hiện nay trên địa bàn có 8.300 người huyện tập TDTT thường xuyên; 26 câu lạc bộ thể thao, 9 câu lạc bộ dưỡng sinh hoạt động thường xuyên. Thành phố triển khai thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chương trình phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đã thanh toán xong bệnh phong, bại liệt, phòng chống sốt rét, loại trừ uốn ván sơ sinh. 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được tăng cường. Việc giải quyết các vấn đề xã hội, công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm: Năm 2005 là 3,88, năm 2006 giảm xuống còn 1,79%, năm 2007 còn 147 hộ nghèo, chiếm 1,25%, năm 2008 chỉ còn 118 hộ chiếm 0,99%. Thực hiện chế độ chính sách đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, đúng, đủ, kịp thời, đến tận tay đối tượng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn”, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, trợ cấp nuôi dưỡng... đạt hiệu quả thiết thực. Đến năm 2008 có 4/8 xã phường xóa xong nhà tạm. Nhiệm vụ và giải pháp đến 2010 Để hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 thì nhiệm vụ của Thành phố trong những năm tiếp theo là: Phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Tập trung quy hoạch, sắp xếp, xây dựng Trung tâm thương mại, hệ thống chợ; tiếp tục phối hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp trùng tu tôn tạo các khu di tích lịch sử, các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng như: Công viên đa chức năng ven sông Nậm Rốm, khu du lịch hồ Huổi Phạ, bến xe khách thuộc xã Thanh Minh, phường Thanh Trường và các dự án khác. Duy trì và phát triển các ngành dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội. Nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động du lịch, tập trung thu hút đầu tư cho việc xây dựng các khách sạn, nhà hàng cao cấp. Phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở các tuyến du lịch trong Tỉnh và các Tỉnh Luông pa băng, U đom xay, Phoong xa ly (Lào), tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Trong sản xuất công nghiệp - TTCN, xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp, đồng thời bố trí di chuyển và sắp xếp các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN vào nơi tập trung theo quy hoạch, đẩy mạnh tiến độ xây dựng làng nghề truyền thống bản Him Lam II để phục vụ du lịch. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển các cơ sở công nghiệp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đạt từ 460 đến 480 tỷ đồng. Huy động các nguồn vốn: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn của các nhà đầu tư, vốn tài trợ, ủng hộ, vốn huy động từ nội lực... Tập trung đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng các khu đô thị mới: Nam thanh, dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La tại Noog Bua, xây dựng y tế xã, phường, các trường hợp đạt chuẩn Quốc gia. Chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng: Cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông đô thị, trùng tu di tích lịch sử, nâng cấp đường quốc lộ 279, hệ thống điện, cấp thoát nước, kè sông Nậm rốm ,công trình xử lý rác thải và một số công trình văn hoá thể thao khác... Sản xuất nông - lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, hoàn thành các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng theo kế hoạch. Chuyển dịch về cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Đầu tư xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh: Trồng rau sạch, chăn nuôi đại gia súc... Phát triển kế hoạch trồng rừng, thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các vụ vi phạm luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Công tác quản lý đô thị, tăng cường quản lý đô thị ở các lĩnh vực chủ yếu: Quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng, quản lý đất đai, hạ tầng đô thị, môi trường đô thị, công tác giải phóng mặt bằng... Phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh để tăng cường về quản lý đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong công tác thu - chi ngân sách địa phương, đầu tư phát triển kinh tế để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định, lâu dài. Khai thác triệt để các nguồn thu, thực hiện cơ chế đấu giá đất để tăng nguồn thu ngân sách. Thực hiện thu đúng, đủ, phấn đấu vượt chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm. Quản lý chi tiêu đúng Luật ngân sách. Thực hiện tiết kiệm chi, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển kinh tế và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Về văn hoá, xã hội. Tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo theo hướng đa dạng hoá và chuẩn hoá các loại hình, các cơ sở giáo dục - đào tạo. Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện, phổ cập THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, kiến thức y tế dự phòng tới cộng đồng. Đầu tư xây dựng, nâng cao cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân; tăng cường cán bộ có trình độ bác sỹ cho các trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo nhằm đạt mục tiêu đề ra. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ , chính sách đối với người có công và đối tượng hưởng chính sách xã hội. Tăng cường sự phối hợp với các chương trình dự án, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn để mở ngành nghề, quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Để đạt được hoàn thành tốt nhiệm vụ và những mục tiêu thì những giải pháp chủ yếu sau cần thiết phải thực hiện: Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập quán triệt các Nghị quyết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai: Nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của TW, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh và của Thành uỷ; đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ngành Tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ chung. Thứ ba: Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng kế hoạch, xây dựng và chỉ rõ các dự án kêu gọi đầu tư, khai thác các nguồn vốn đầu tư (vốn trong và ngoài nước, vốn hỗ trợ, tài trợ, vốn do nhân dân đóng góp). Tích cực khai thác các tiềm năng thế mạnh, nhất là về vị trí địa lý, lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, đất đai; phát huy nội lực trong nhân dân và các doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thứ tư: Đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; tập trung cải cách thủ tục hành chính vận hành theo cơ chế “Một cửa”; kiện toàn bộ máy và cán bộ, công chức các đơn vị theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp; tích cực cải cách tài chính công, thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo điều hành; Thực hiện phân cấp gắn với tăng cường vai trò, trách nhiệm cá nhân; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời; khắc phục tình trạng trông chờ và đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc. Thứ năm: Mở rộng quan hệ đối ngoại với các đô thị trong và ngoài nước nhằm tăng cường hiểu biết, kêu gọi hợp tác, thu hút đầu tư để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thứ sáu, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao chất lượng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn. Thứ bảy: Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và UBMTTQ Thành phố để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc vận động toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thứ tám: Phát động phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra./. |