Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Định hướng và những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2009 và những năm tiếp theo

Năm 2009, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những khó khăn chung của đất nước do tác động của suy thoái kinh tế, tỉnh Yên Bái còn có những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi: đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là người nghèo và đồng bào vùng cao, vùng dân tộc; thiếu lao động có trình độ tay nghề cao; hệ thống kết cầu hạ tầng yếu kém làm kìm hãm sự phát triển và thu hút đầu tư. Song với quyết tâm phấn đấu cao, Tỉnh đã đề ra những giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tạo đà để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI.  
 

Hoàng Thương Lượng Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 2009

Tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm và các công trình có khả năng đưa vào sử dụng năm 2009. Tăng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo mọi điều kiện phát triển nhanh khu vực dân doanh, thu hút mạnh đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.

Năm 2009 tỉnh Yên Bái phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 13%, Trong đó: Nông lâm nghiệp 5,5%; Công nghiệp - Xây dựng 19%; Dịch vụ 14%. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp 33,5%; Công nghiệp - Xây dựng 34%; Dịch vụ 32,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8,5 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 450 tỷ đồng.

Giải pháp cơ bản thực hiện kế hoạch 2009

Một là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững, trong đó tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế và tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Tích cực vận động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn xã hội, kích cầu đầu tư từ nguồn vốn nhà nước. Thu hút nguồn vốn vay ODA, vốn tài trợ, vốn của các tập đoàn lớn, vốn trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp, chương trình mục tiêu để phát triển hệ thống giao thông trọng điểm, có tính đến các chương trình vùng cao và vùng kém phát triển, tạo ra sự đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, phát triển du lịch và dịch vụ.

Hai là, thực hiện các giải pháp và chính sách huy động mọi nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để giữ vững sản xuất.

Có cơ chế chính sách để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả. Tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, lâm trường quốc doanh theo kế hoạch đã đề ra.

Ba là,
thực hiện các giải pháp, chính sách để tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và Đề án phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai, công khai và minh bạch các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, triển khai nghiêm túc việc chuyển các khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Bốn là, tuyên truyền sâu rộng và đẩy nhanh quá trình xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước cùng đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện và các công trình quan trọng lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Thực hiện tốt các chương trình, đề án: Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, hệ thống y tế tuyến huyện, xã, đời sống văn hoá cơ sở, trường chuẩn quốc gia, xã chuẩn quốc gia về y tế... theo đúng tiến độ đề ra.

Năm là, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề dài hạn, trong đó chú trọng đến việc đầu tư hệ thống cơ sở dạy nghề tại các huyện, thị xã, thành phố và thực hiện chính sách hỗ trợ con em các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo được học nghề miễn phí.

Sáu là, tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động thêm các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bảy là,
đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường công tác chống tham nhũng, lãng phí.

Tám là, tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch và chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ thường xuyên.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy hoạch của Tỉnh đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, gồm xây dựng mới và rà soát điều chỉnh, bổ sung: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch xây dựng. Đồng thời, có giải pháp khả thi để huy động, cân đối đủ nguồn lực cho việc thực hiện các quy hoạch.

Rà soát và đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, huyện để bố trí các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chín là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững.
 

TP Yên Bái

Nhiệm vụ những năm tiếp theo

Sản xuất nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn:
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá ở vùng thấp, đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung gắn với cơ sở chế biến và xử lý chất thải. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nhất là ở vùng cao, đồng bào dân tộc. Đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng (thuỷ lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ...). Quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn.

Sản xuất công nghiệp: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế tác, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng để xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động. Xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp mới gần đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để đón đầu, thu hút đầu tư trong các năm sau. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là các nhà máy chế biến nông lâm sản, khoáng sản.

Phát triển doanh nghiệp:
Khuyến khích thành lập các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp: về đất đai, vay vốn, về công nghệ, về thị trường, đặc biệt là chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Duy trì và tăng cường việc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâu dài, ổn định tại tỉnh. Có cơ chế chính sách phát triển các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng (hợp tác xã điện, hợp tác xã nhà ở, hợp tác xã chợ,...).

Thương mại, dịch vụ: Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại. Đối với thị trường nông thôn và miền núi, khuyến khích các doanh nghiệp cùng Nhà nước ký kết hợp đồng tiêu thụ nông lâm sản. Củng cố, xây dựng các hợp tác xã thương mại dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho sản xuất nông lâm nghiệp. Phát triển hệ thống chợ liên xã, chợ trung tâm cụm xã ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá. Đầu tư xây dựng hạ tầng cho du lịch, tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch. Duy trì, khôi phục các hoạt động du lịch, lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu du lịch Tân Hương, Suối Giàng để sớm đi vào khai thác. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Đầu tư phát triển: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ chế để thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, môi trường, xử lý chất thải, nước thải,... Bố trí vốn ngân sách hợp lý để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, cấp, thoát nước...), đồng thời huy động thêm sức dân, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát lãng phí.

Văn hoá xã hội:

Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, kế hoạch hoá gia đình, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp và sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đối với công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, từng bước phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng khó khăn, nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động trí tuệ, vật chất trong xã hội để phát triển giáo dục. Nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề cung cấp cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Tổ chức dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nông dân.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tăng cường giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, phòng chống có hiệu quả đại dịch HIV/AIDS... Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế, khuyến khích các loại hình liên doanh hợp tác đầu tư trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện các chương trình quốc gia về giảm nghèo và việc làm. Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo và tạo việc làm. Bồi dưỡng kiến thức về sản xuất cho người dân, tập trung ở vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tăng cường xã hội hoá công tác xoá đói giảm nghèo, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Khuyến khích mọi người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hoá. Phát triển mô hình làng bản văn hoá, khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân, tăng cường thông tin lưu động xuống cơ sở. Thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng gia đình, làng bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị văn hoá. Từng bước thực hiện xã hội hoá lĩnh vực văn hoá thông tin, chuyển các cơ sở công lập sang cung cấp dịch vụ, hoạt động theo cơ chế tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức, biên chế, tài chính.

Lồng ghép các phong trào thể thao cơ sở như “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các phong trào thể thao của các ngành, đoàn thể, nhằm thực hiện tốt tiêu chí về rèn luyện sức khoẻ trong các tầng lớp dân cư. Tiếp tục bồi dưỡng các vận động viên năng khiếu làm nòng cốt tham gia vào lực lượng vận động viên quốc gia.

Khoa học công nghệ: Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh. Xây dựng mô hình cụ thể, tiến tới áp dụng rộng rãi. Tăng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; ưu tiên các ngành nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.  Đổi mới cơ chế quản lý các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.

Xây dựng chính sách đào tạo và phát triển nguồn cán bộ đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ của tỉnh. Đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

Tài nguyên môi trường: Quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng đầu tư cho lĩnh vực môi trường nhất là các hoạt động thu gom, tái chế và xử lý chất thải; tiếp tục phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, để mọi người dân đều có ý thức và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy chế biến khoáng sản, nông lâm sản. Đối với các khu, cụm công nghiệp cần hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Quốc phòng an ninh, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng:

Tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng an ninh, xoá đói giảm nghèo. Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống ma tuý, tội phạm, giảm thiểu tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác. Giải quyết tốt khiếu nại tố cáo của công dân tại cơ sở.

Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giảm các thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ công chức, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, thanh tra trong xây dựng cơ bản, quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai.
 

Thị trấn Mù Cang Chải


Giải pháp chủ yếu

Thứ nhất, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu

Về cơ chế chính sách: Cần thực hiện tốt các chính sách hiện có, điều chỉnh, bổ sung chính sách mới phù hợp, thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, cải cách mạnh thủ tục hành chính, gắn với phân cấp trong quyết định và quản lý đầu tư (như việc: Xây dựng dự án, cấp phép dự án, phê duyệt thẩm định dự án, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán, nghiệm thu quyết toán dự án, công trình...).

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trong năm 2009:


Với các công trình chuyển tiếp của năm 2008, kết thúc trong năm 2009, thúc đẩy thi công hoàn thành cơ bản trước mùa mưa năm 2009, ưu tiên vốn thanh toán với khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.

Với các dự án, công trình khởi công mới năm 2009, khẩn trương tổ chức thực hiện đảm bảo rút ngắn thời gian thiết kế, lập dự toán, thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán; đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu, thẩm quyền quyết định nhà thầu theo pháp luật về xây dựng cơ bản và phân cấp quy định của Chính phủ.

Tập trung chỉ đạo triển khai các công trình dự án về giáo dục, y tế sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là chương trình kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn II (2008-2012). Cần tập trung các điều kiện tiến hành khẩn trương thiết kế dự toán, thẩm định về phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, khởi công ứng vốn, thanh toán khối lượng nghiệm thu hoàn thành, chủ động nguồn cấp phát, thanh toán.

Ban hành quy định về chỉ định thầu, chọn thầu đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho giáo dục, y tế; dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có tổng mức vốn dưới 5 tỷ đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Tăng trách nhiệm năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát; các nhà đầu tư, nhà thầu cần tuân thủ các quy định của Nhà nước về thực hiện dự án, chú trọng về năng lực tài chính, về chất lượng và tiến độ thi công, tiết kiệm chống thất thoát.

Sản xuất công nghiệp:

Chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tăng đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm xuất khẩu như: Đá vôi, quặng sắt, chè, quế, tinh bột sắn, giấy đế... Đẩy nhanh tiến độ, đi vào hoạt động của các dự án thuỷ điện như: Thuỷ điện Nậm Đông 3,4. Thuỷ điện Hồ Bốn, Mường Kim, Ngòi Hút 1; Nhà máy luyện gang thép Cửu Long - Vinashin.

Duy trì phát huy tối đa công suất 2 nhà máy cổ phần xi măng Yên Bái và Yên Bình, đồng thời có giải pháp về tiêu thụ sản phẩm xi măng địa phương.

Sản xuất nông nghiệp:

Cùng với hỗ trợ của Chính phủ, Tỉnh tiếp tục ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ tiền giống lúa, hoa màu, gia súc, thuỷ sản... cho nông dân để khôi phục sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Tăng cường hỗ trợ khôi phục đồng ruộng hiện còn bị vùi lấp cát, do ngập úng, bảo đảm tăng tối đa diện tích sản xuất vụ đông xuân; Đồng thời chuẩn bị tốt về giống, vật tư, phân bón, thuỷ lợi, vốn cho vụ đông xuân 2008-2009. Chú trọng chỉ đạo đúng khung thời vụ, chủ động trong phòng chống dịch bệnh và thiên tai.

Tăng cường bảo vệ, phòng chống cháy rừng; chuẩn bị tốt kế hoạch, điều kiện trồng rừng vụ xuân năm 2009.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa liên thông

Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính, đặc biệt cải cách về thủ tục hành chính, làm cho công tác này có bước tiến mới về chất; Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; Đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính phù hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, giảm hội họp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước; Tăng cường quản lý cán bộ, tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức.

Xây dựng, ban hành bổ sung cơ chế một cửa liên thông; thực hiện đổi mới chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa liên thông của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư vào tỉnh của các thành phần kinh tế; loại bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm; có cơ chế tăng thẩm quyền quyết định trực tiếp của cán bộ tiếp nhận giải quyết một số khâu công việc tại bộ phận một cửa liên thông.

Thứ ba, về tài chính

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh như: Về vốn cho các dự án, yêu cầu các ngân hàng cần linh hoạt, thông thoáng tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ (Chi nhánh Ngân hàng phát triển Yên Bái tiếp cận, tăng nguồn vốn hỗ trợ từ 40 - 50 tỷ đồng).

Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh, tích cực trong việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển của ngành ở Tỉnh, tạo điều kiện phối hợp giữa Tỉnh với ngành dọc Trung ương, quan tâm hỗ trợ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 2009 - 2010.

Thực hiện giảm, giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào năm 2009 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cải cách mạnh thủ tục xác định số thuế và nộp thuế, thực hiện thuế đồng hành cùng doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiết kiệm; bảo đảm cơ cấu chi, đáp ứng nhu cầu chi theo dự toán; Tăng cường kiểm soát chi, tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát. Ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố chủ động nguồn ngân sách cấp mình trong giải quyết các nhiệm vụ đột xuất (an sinh xã hội, ứng phó thiên tai, dịch bệnh...).

Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội

- Chú trọng biện pháp, chất lượng giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh (đặc biệt nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội).

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Chủ động kế hoạch biện pháp về giải quyết hỗ trợ lương thực cho hộ thiếu đói; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xoá nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố thực hiện tích cực việc huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp cùng nguồn lực ngân sách nhà nước chăm lo tốt hơn đối tượng nghèo và đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

- Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao, phát thanh, truyền hình... theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và đề án, chương trình của UBND tỉnh.

Thứ năm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra trên địa bàn để ngăn ngừa, xử lý kiên quyết dứt điểm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tạo lập môi trường thuận lợi cho dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài, hiệu quả và an toàn.

Tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tập trung cao vào nhiệm vụ phòng chống, đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn, tăng cường phòng chống ma tuý, giảm thiểu tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác./.
 

(Hoàng Thương Lượng - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Yên Bái: Điểm đến của các nhà đầu tư
  • Một số vấn đề về phát triển công nghiệp trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
  • Đánh giá về những tiến bộ của Khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công cuộc phát triển
  • Thành phố Vinh: Phấn đấu giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa của Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020
  • Phân tích tài chính trong ngân hàng thương mại
  • Kiểm toán nội bộ: nghề đắt giá thời hậu gia nhập WTO
  • Kế toán tăng giảm TSCĐ vô hình
  • Kế toán Mỹ: các phương pháp ước tính nợ khó đòi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi