Tỉnh Yên Bái là một tỉnh miền núi thuộc trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ. Có tổng diện tích tự nhiên 6.899,5 km2, tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 180 xã, phường, thị trấn; dân số của tỉnh gần 750.000 người với 30 dân tộc anh em: Tày, Dao, Mông, Thái... Lực lượng lao động trong độ tuổi là 411.916 người, chiếm 54,9% dân số toàn tỉnh.
![]() |
Yên Bái đạt tổng sản lượng chè chế biến khoảng 21.000 tấn |
Nằm sâu trong nội địa nhưng tỉnh Yên Bái tương đối thuận lợi về giao thông, là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà Nội nối thông với các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cao, Lai Châu. Yên Bái nằm trên tuyến cao tốc và đường sắt xuyên Á Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc rất thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hoá giữa Yên Bái và các tỉnh Lao Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Trong những năm qua kinh tế xã hội của tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt 12,5%, Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 35,05%; công nghiệp và xây dựng chiếm 31,93%, ngành dịch vụ chiếm 33,02%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng, tương đương 441 USD; Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 17.500 lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.783,4 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 3.439,5 tỷ đồng; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 3.250 tỷ đồng ...
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như vùng chè trên 12.600 ha, tổng sản lượng chè chế biến đạt khoảng 21.000 tấn, đứng thứ hai toàn quốc với hai loại sản phẩm chè xanh và chè đen; Cây quế có 30.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trung bình 2.500 tấn quế vỏ và 100 - 200 tấn tinh dầu làm nguyên liệu phụ gia cho các sản phẩm công nghiệp, dược liệu; Cây ăn quả có trên 8.500 ha; Cây sắn có 15.700 ha, sản lượng đạt 250.500 tấn, sản lượng tinh bột sắn đạt 13.600 tấn/năm dùng làm nguyên liệu trong ngành công nghệ thực phẩm; Măng tre Bát Độ có 963 ha, sản lượng trung bình 30 tấn/ha. Sản phẩm chủ yếu là măng khô xuất khẩu. Ngoài ra với tiềm năng rất lớn về phát triển nông lâm nghiệp với diện tích rừng tự nhiên có 229.430 ha, rừng trồng 165.630 ha, sản lượng có thể khai thác trên 200.000 m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn... và trên 120.000 tấn tre, vầu, nứa. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm..
Về khoáng sản tỉnh Yên Bái có đá vôi trắng với độ trắng cao trên 90%, trữ lượng khoảng 1 tỷ m3. Chủ yếu làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ và chế biến làm đá hạt, đá bột siêu mịn (CaCO3), làm nguyên liệu phụ gia cho các ngành sản xuất xà phòng, hoá mỹ phẩm, thuốc đánh răng, cao su, nhựa, giấy...; Cao lanh có trữ lượng 1,5 triệu tấn, sản lượng khai thác từ 18.000 - 20.000 tấn/năm, làm nguyên liệu cho chế biến sản phẩm sứ cách điện, sứ dân dụng...; Quặng Feldspar có trữ lượng trên 2 triệu tấn, dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp gốm sứ và thuỷ tinh...; Quặng sắt có 29 điểm mỏ, trong đó 15 điểm mỏ đã được đánh giá trữ lượng cấp C1+C2+P là 188,8 triệu tấn; Đá quý, đá bán quý ruby, saphia tại huyện Lục Yên, Yên Bình để phát triển công nghệ chế tác đá quý và nghề làm tranh đá quý.
Tỉnh Yên Bái có Hồ Thác Bà với diện tích 19.000 ha, với trên 1300 đảo lớn, nhỏ. Hiện nay tỉnh Yên Bái đã quy hoạch xây dựng hồ Thác Bà thành khu du lịch quốc gia. Du lịch sinh thái vùng Suối Giàng có độ cao gần 1.400m, với những cây chè đặc sản cổ thụ từ 300 - 400 năm tuổi và nhiều khu rừng nguyên sinh. Khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiệt độ trung bình 200C - 230C. Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch sinh thái tại các huyện Văn Chấn (nước khoáng nóng Bản Hốc, Bản Bon), huyện Trấn Yên (Đầm Hậu)...
![]() |
Hồ Thác Bà |
Nhật Bản là nước nằm trong số những nhà đầu tư lớn hàng đầu vào Việt Nam. Cho đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao, như Honda, Toyota, Canon... trong đó, có nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia tích cực vào xuất khẩu. Đến nay đã có 28 tập đoàn xếp hạng “Global 500” của Nhật Bản đầu tư trên 110 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD, trong đó, giải ngân được khoảng 2,3 tỷ USD.
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp đột phá như ban hành chính sách thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... Kết quả đã có một số nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ấn Độ, Nhật Bản đến tìm hiểu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản Kobelco thuộc Tập đoàn Kobe Steel, Tập đoàn Sojitz...
Trong những năm tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư vào một số nhóm dự án thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng như Các dự án phát triển du lịch như xây dựng và phát triển khu du lịch Hồ Thác Bà, khu du lịch sinh thái Suối Giàng, đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ...; Các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến như dự án trồng rừng - chế biến giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế; trồng và chế biến chè; trồng và chế biến sắn; trồng và chế biến hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, gia súc...; Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội như xây dựng trường đại học tư thục, đầu tư xây dựng các trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao... tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới, Tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước từ tỉnh đến huyện và xã theo hướng đề cao trách nhiệm cán bộ công chức và người đứng đầu, sửa đổi, bãi bỏ những quy định, thủ tục không cần thiết, phấn đấu giảm thời gian chờ giải quyết các thủ tục đầu tư. Làm tốt dịch vụ trước và sau đầu tư thông qua cơ chế “một cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Khu công nghiệp; Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp phía Nam, các cụm công nghiệp thuộc các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân về nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cho nhà đầu tư đầu tư vào địa bàn; Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư cả ở nước ngoài và các tỉnh, thành phố trong nước. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư có trọng tâm trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành và lĩnh vực, đảm bảo giữ gìn môi trường...
Trong giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Yên Bái xác định các nhà đầu tư tiềm năng là Nhật Bản, với những tiềm năng thế mạnh và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, tỉnh Yên Bái đang mở rộng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Yên Bái cùng hợp tác và cùng phát triển./.
Một số chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Yên Bái
1. Hỗ trợ bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng: Đối với dự án trong Khu công nghiệp phía Nam và các Khu công nghiệp của tỉnh, tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng.
Đối với dự án trong khu du lịch, mức hỗ trợ một dự án tối đa là 3 tỷ đồng; Đối với dự án đầu tư xây dựng trường học, trường dạy nghề, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, khu công viên văn hóa vui chơi, giải trí, trung tâm hội chợ, triển lãm, thương mại dịch vụ tập trung ngoài công lập được mức hỗ trợ một dự án tối đa là 2 tỷ đồng.
2. Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng: Tỉnh cân đối bố trí ngân sách hàng năm để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cho các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, xã hội; kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp; Đối với các dự án trong cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý, tỉnh hỗ trợ tối đa là 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong và ngoài cụm công nghiệp.
3. Hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện đào tạo nghề cho lao động: Tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện đào tạo nghề cho lao động là người Yên Bái để làm việc tại dự án theo phương thức cấp kinh phí hỗ trợ một lần. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khoá đào tạo trung cấp nghề; 3 triệu đồng/người/khoá đào tạo cao đẳng nghề.
4. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư: Hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư khi vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện dự án. Mức hỗ trợ bằng 20% mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư do Ngân hàng phát triển Việt Nam quy định, kinh phí hỗ trợ cho một dự án tối đa là 2 tỷ đồng.
5. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại: Hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
6. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư: Hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân kêu gọi dự án đầu tư có mức vốn trên 1 triệu USD vào tỉnh Yên Bái.
7. Thủ tục hành chính: Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, thời gian thực hiện ngắn hơn so với quy định của nhà nước.
(Nguyễn Ngọc Hân - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com