Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một số vấn đề về phát triển công nghiệp trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay, với việc hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ hội phát triển của cả hai bên, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn Việt Nam và tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Theo đó thì việc xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng cũng trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan và là tiền đề để xây dựng khu vực Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh thành khu vực kinh tế trọng điểm ở phía Đông Bắc Việt Nam.
   

Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong hai hành lang giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc phát triển hành lang kinh tế  Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ tạo ra tiền đề thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa hai nước và lôi kéo các tỉnh của Việt Nam cùng tham gia thông qua đó nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn lực như lao động, tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ; ngoài ra việc phát triển hành lang này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố hoà bình và an ninh trong khu vực; giúp giữ gìn an ninh trong nội bộ hai  quốc gia nhờ lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Với ba cực tăng trưởng có tính hạt nhân nòng cốt là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và TP. Hạ Long hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. Đóng góp một phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của hành lang đó là sự phát triển công nghiệp trên địa bàn mà nó đi qua.

Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh chạy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, TP Hà Nội và Quảng Ninh. Lãnh thổ chịu sự tác động của hành lang này có diện tích tự nhiên là 30544,6km2, dân số 12,85 triệu người (2006), chiếm 9,3% về diện tích tự nhiên và 15,3% về dân số so với cả nước. Hành lang này được coi là tuyến giao thương kinh tế giữa vùng phía Nam Trung Quốc rộng lớn với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, là cầu nối khu vực này với các khu vực khác của vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bao gồm tuyến đường sắt, đường bộ và đường thuỷ kết nối các trung tâm kinh tế như Nam Ninh (Trung Quốc) thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đến trung tâm kinh tế của Việt Nam là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng rồi đến TP Hạ Long đi các khu vực khác. Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long tạo thành một khu vực tăng trưởng kinh tế có sức lan toả tới các khu vực ở cả nội địa và tới các hải cảng. Theo tuyến hành lang kinh tế này, sự phân công ngành nghề được thuận lợi hơn, sử dụng tổng hợp các tiềm năng với hiệu suất cao hơn.

Sau hơn 20 năm đổi mới, cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, với các chính sách cải cách và mở cửa trong công cuộc cải cách kinh tế, công nghiệp trên tuyến hành lang kinh tế từng bước ổn định và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2001 - 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên hành lang đạt tốc độ tăng trưởng khoảng là 55,0%, cao hơn mức trung bình của cả nước cùng thời kỳ là 35,8%. Trong đó có nhiều địa phương có công nghiệp đạt tốc độ tăng cùng thời kỳ khá cao, như tỉnh  Hưng Yên (80,1%) Bắc Ninh (60,4%), Bắc Giang (55,8%), Hải Dương (49,3%), Quảng Ninh (41,6%).

Cơ cấu công nghiệp của hành lang cũng giống như của cả nước: công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng tuyệt đối (gần 89,0 - 90,0%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước chiếm tỷ lệ nhỏ nhất (2,0 - 3,0%); tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ lệ khá lớn (7,0 - 9,0%). Do những biến đổi về thị trường và những điều chỉnh kinh tế vĩ mô của đất nước mà công nghiệp trên hành lang đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong giai đoạn 2001 - 2008, tỷ trọng của công nghiệp khai thác giảm 2,0%; của công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước giảm 0,2%; tỷ trọng của công nghiệp chế biến tăng tương ứng là 2,2%. Xu hướng chuyển dịch này của vùng cũng phù hợp với xu hướng chuyển dịch  của cả nước.

Trong cơ cấu ngành công nghiệp trên tuyến hành lang, nhóm ngành công nghiệp khai thác phát triển mạnh, nhất là các ngành khai thác than (tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh với sản lượng khai thác chiếm 96,4% sản lượng của cả nước). Các ngành công nghiệp chế biến trên tuyến hành lang tập trung phát triển trong thời gian qua luôn được coi trọng và đẩy mạnh với các nhóm ngành nổi bật như công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin (tại các trung tâm công nghiệp Hà Nội, Hải Phòng), các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản; dệt may, da giầy; sản xuất vật liệu xây dựng ở hầu hết các địa phương trên hành lang.
 

Trong những năm gần đây, sự phân bố công nghiệp theo lãnh thổ cũng được chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh ở các vùng có lợi thế phát triển như Bắc Ninh, Bắc Giang, giãn dần công nghiệp ở các khu đô thị lớn (Hà Nội, Hải Phòng), phát triển các doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự chuyển dịch này đã tạo ra một cơ cấu mới, một bộ mặt mới cho sự phát triển kinh tế của toàn hành lang. Tuy nhiên, cơ cấu giá trị công nghiệp của Lạng Sơn và Bắc Giang còn quá nhỏ chưa tạo được vai trò hạt nhân cho phát triển kinh tế của các tỉnh này.

Trên hành lang, tính đến năm 2008, đã có 18 KCN được hình thành theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên là 2780 ha (bình quân khoảng 158ha/một khu). Trong số 18KCN, có 13 KCN đã hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đã đi vào hoạt động. Các KCN đều phân bố dọc theo hai bên tuyến đường bộ và đường sắt từ Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; do đó các KCN này có thể được coi là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng đối với các tỉnh nằm trên hành lang kinh tế. Hà Nội, tập trung nhiều KCN nhất (4 KCN: Nội Bài, Sài Đồng B, Thăng Long, Hà Nội - Đài Tư), tiếp đó đến Hải Dương (3KCN: Đại An, Phúc Điền, Nam Sách), Hưng Yên (2 KCN: Phố Nối A, Phố Nối B), Hải Phòng (2 KCN: Numura, Đình Vũ), Bắc Ninh (2 KCN: Quế Võ, Tiên Sơn)... Lạng Sơn là tỉnh duy nhất trên hành lang chưa có KCN do còn nhiều khó khăn, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Các KCN hình thành, và phát triển trên thế mạnh của từng địa phương trong tuyến hành lang, và trong mối liên kết, hỗ trợ phát triển giữa các KCN với xung quanh trong phạm vi hành lang kinh tế. Với 11KCN, các địa phương trên tuyến hành lang đã thu hút được 195 dự án đầu tư nước ngoài có số vốn đầu tư gần 1,8 tỉ USD. Mức bình quân một dự án đạt 9,2 triệu USD. Các dự án đầu tư vào các KCN thường tập trung ở Hà Nội (45,3% trong tổng số dự án FDI và 65,5% tổng số vốn đầu tư của các dự án FDI vào các khu công nghiệp trong tuyến hành lang kinh tế), sau đó đến Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương...

Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có sự tập trung cao về chất xám, tiềm lực trí tuệ và thông tin mạnh để phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá và dịch vụ có sức cạnh tranh cao ở trong nước và trên thế giới. Trong số 11 dự án công nghiệp kỹ thuật cao đầu tư vào Việt Nam, có 4 dự án đầu tư vào các KCN thuộc hành lang kinh tế KCN Hà Nội - 3 dự án (dự án đầu tư sản xuất máy in LBP của công ty TNHH Canon Việt Nam, dự án sản xuất bảng vi mạch dẻo của công ty TNHH Sumitomo Bakelit Việt Nam tại KCN Thăng Long) và KCN Hải Phòng - 1 dự án (dự án công nghệ cao của công ty Rorze International Pte.Ltd tại KCN Nomura). Các dự án công nghệ cao này có tác dụng lan toả, thu hút các dự án phụ trợ hoặc sử dụng các sản phẩm của dự án công nghệ cao này.

Ngoài các khu công nghiệp, trên hành lang còn phát triển một số cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp, điểm công nghiệp là điều kiện tốt để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tiêu biểu như cụm công nghiệp Đồng Vàng (Bắc Giang), cụm công nghiệp Châu Khê, Đồng Khê Võ Cường - Khắc Niệm (Bắc Ninh); các trung tâm công nghiệp tiêu biểu Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống cơ sở công nghiệp hình thành chủ yếu theo tuyến quốc lộ 5, 18 và quốc lộ 10.

Việc phát triển các KCN, các cụm, các điểm công nghiệp trên tuyến hành lang cũng đã thu hút được một lượng lớn lao động của các địa phương (khoảng 40 nghìn lao động trực tiếp và một số lượng lớn lao động gián tiếp). Lao động trong các KCN được đào tạo nghề, nên đã góp phần gia tăng chất lượng nguồn lao động, đây là lực lượng lao động có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế trên hành lang trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Trong những năm vừa qua, điểm nổi bật là tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có công nghiệp phát triển tương đối cao. Giá trị công nghiệp của các địa phương trên toàn hành lang không ngừng tăng lên, các khu công nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức của của cả nước và theo hướng CNH - HĐH ngày càng rõ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp ở đây còn bộc lộ nhiều hạn chế như quy mô và giá trị công nghiệp còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của toàn tuyến hành lang, các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại còn chiếm một tỷ trọng nhỏ. Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở một số lãnh thổ trọng điểm chưa tạo ra được động lực phát triển chung cho kinh tế của cả hành lang. Xuất phát từ những hạn chế trên, để có được sự phát triển vững chắc, hiệu quả và dài lâu trên hành lang, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp:

Trước hết, cần xây dựng một chiến lược tổng thể cho phát triển công nghiệp trên toàn hành lang. Phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp phải được triển khai có hiệu quả và theo quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, nâng cấp tuyến đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội - Hải Phòng theo chuẩn quốc tế; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cho khu thương mại cửa khẩu Lạng Sơn; cải tạo và nâng cấp cụm cảng Hải Phòng, Cái Lân, hệ thống các kho ngoại quan. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, KCX, xây dựng chiến lược cụ thể cho các KCN, KCX đến năm 2020.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại công nghệ. Đa dạng hoá các sản phẩm công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như như khai thác khoáng sản, luyện kim, cơ khí điện tử, đóng tàu, may mặc... Tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng của hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng với các tỉnh thuộc tuyến hành lang. Đồng thời mở rộng. hợp tác với các địa phương của Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất đường mía, sản xuất giấy, chế biến nông sản...

Thứ ba, cần tăng cường thu hút vốn, đa dạng hoá các hình thức đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, nguồn vốn của Nhà nước và tư nhân. Xây dựng cụ thể danh mục các dự án công nghiệp cần đầu tư vốn, có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển.

Thứ tư, tạo khung khổ pháp lý cho việc phát triển năng động công nghiệp trên hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định giữa hai bên Việt Nam  và Trung Quốc nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, thông thoáng cho hoạt động công nghiệp, thương mại và đầu tư. Thiết lập Uỷ ban hỗn hợp hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc hoặc Uỷ ban hỗn hợp Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đặt dưới uỷ ban hợp tác kinh tế Việt Trung để điều hành và xử lý những vấn đề có liên quan. Mặt khác cần có kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin chung phục vụ cho các doanh nghiệp và các địa phương của hai nước thuộc tuyến hành lang này./.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2007.
2. Ngô Doãn Vịnh. Bàn về phát triển kinh tế (Nghiên cứu con đường dẫn tới giàu sang), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
3. Ngô Doãn Vịnh. Nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam - Học hỏi và sáng tạo. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2003.
4. Nông Lập Phu. ý tưởng xây dựng Hàng lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Hội - Hải Phòng - Quảng Ninh, T/c Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 (60), 2005.   

(Vũ Đình Hoà - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Yên Bái: Điểm đến của các nhà đầu tư
  • Định hướng và những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2009 và những năm tiếp theo
  • Đánh giá về những tiến bộ của Khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công cuộc phát triển
  • Thành phố Vinh: Phấn đấu giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa của Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020
  • Phân tích tài chính trong ngân hàng thương mại
  • Kiểm toán nội bộ: nghề đắt giá thời hậu gia nhập WTO
  • Kế toán tăng giảm TSCĐ vô hình
  • Kế toán Mỹ: các phương pháp ước tính nợ khó đòi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi