Thực tiễn xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở nước ta trong những năm qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (dưới đây gọi tắt là “tam nông”). Những người “làm KCN” lẫn người nông dân chưa tính hết được những vấn đề phát sinh sau khi “KCN hoá”. Vậy, quá trình xây dựng và phát triển các KCN đã ảnh hưởng như thế nào đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta?
![]() |
Đồng lúa Ninh Bình |
Nông nghiệp
Đến nay, việc xây dựng và phát triển các KCN ở nước ta những năm qua đã sử dụng 43.687 ha đất nông nghiệp (chưa kể diện tích đất xây dựng các khu kinh tế mở). Nếu tính cả phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng vào việc đô thị hoá xung quanh các KCN thì con số này còn cao hơn nhiều lần. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp có giảm do phải dành một phần quỹ đất để xây dựng các KCN, song kinh tế nông nghiệp vẫn có sự phát triển liên tục với nhịp độ tăng trưởng từ 4,5%-5%. Năm 2007, sản lượng lương thực đạt 39.977 nghìn tấn, tăng 5.704 nghìn tấn so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 950 ngàn tấn. Hàng năm nước ta vẫn xuất khẩu khoảng 3,5-4 triệu tấn gạo. Nhờ đó mà an ninh lương thực ở nước ta được bảo đảm.
Đạt được kết quả đó là do những năm qua các KCN đã thu hút được hàng ngàn dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hoặc sử dụng sản phẩm nông nghiệp như công nghiệp thực phẩm, nông-lâm-thuỷ sản; sản xuất phân bón, nông dược, thức ăn gia súc… Các dự án trên không chỉ trực tiếp đưa đến cho nông nghiệp Việt Nam nguồn vốn phát triển, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý mà còn gián tiếp, thông qua các mối quan hệ sản xuất, kinh doanh tạo ra những tác động lan truyền, thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong KCN đã đem vào Việt Nam nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo ra những mô hình làm ăn mới, có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, đến nay đóng góp của các KCN vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp chưa thực sự lớn. Vai trò động lực, vai trò kích cầu của các KCN đối với ngành nông nghiệp chưa thể hiện rõ. Hầu hết các địa phương đều có những chương trình, mô hình khuyến khích sự hợp tác giữa nhà nông với doanh nghiệp trong KCN, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng trên thực tế sự hợp tác này còn lỏng lẻo và chưa có hiệu quả. Các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra không được các doanh nghiệp bao tiêu hết, thường xuyên trong tình trạng canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”; và ngược lại các sản phẩm công nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn thiếu. Một số vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc phát triển các KCN ở nước ta thời gian qua mặc dù đã sử dụng một quỹ đất khá lớn đất nông nghiệp (chủ yếu là những nơi “đắc địa”), nhưng những tác động tích cực trở lại của các KCN đối với sự phát triển nông nghiệp là chưa tương xứng. Hay nói cách khác, lợi ích do phát triển KCN đem lại đối với nông nghiệp chưa xứng với chi phí (cả trước mắt và lâu dài) mà nông nghiệp phải hy sinh để xây dựng các KCN.
Nông thôn
Một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hiện đại hoá nông thôn. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, các KCN đóng vai trò rất quan trọng. Các KCN ở nước ta đã tạo nên một diện mạo nông thôn mới, mang lại văn minh đô thị, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội cho khu vực rộng lớn được đô thị hoá.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc quy hoạch và xây dựng đồng bộ các khu dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật-xã hội gắn với các KCN chưa được chú trọng. Điều đó đã dẫn đến một hệ quả là các KCN đã góp phần đô thị hoá nông thôn nhiều hơn là hiện đại hoá nông thôn. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như trật tự, an ninh, nhà ở, đời sống văn hoá…ở các vùng nông thôn vốn không được trù tính đầy đủ khi lập quy hoạch và đánh giá các tác động của KCN. Vì vậy, sau nhiều năm đổi mới, bộ mặt nông thôn nước ta nói chung, vùng xây dựng KCN nói riêng tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn chưa mang dáng dấp của một nông thôn trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thêm vào đó, cùng với sự phát triển KCN, nông thôn nước ta bắt đầu đang phải đối mặt với vấn đề môi trường do các nhà máy thải ra. Các loại chất thải từ KCN không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN mà tác hại hơn còn ảnh hưởng tới môi trường và đời sống nhân dân ở các khu vực xung quanh KCN. Theo tính toán, dự kiến khi các KCN đã lấp đầy, các doanh nghiệp thải ra một lượng chất thải lên tới 567.131 m3/ngày đêm. Đây thực sự là một khối lượng nước thải khổng lồ và là một thách thức lớn đối với các KCN trong công tác xử lý. Đó là chưa kể đến hàng chục vạn m3/ngày đêm nước thải sinh hoạt của người lao động trong các doanh nghiệp KCN.
Việc làm và đời sống nông dân
Theo số liệu thống kê, đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đã thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp, và hàng triệu lao động gián tiếp. Tính bình quân 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê thu hút 72 lao động. Nếu so với khả năng tạo việc làm thì những con số này chưa phải là lớn, và chưa tương xứng với tiềm năng. Nhưng điều quan trọng đáng nói ở chỗ: phần lớn những lao động này là lao động trẻ ở nông thôn (có đến 90% lao động có độ tuổi từ 18 cho đến 35), có khả năng nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới.
Việc mở mang các KCN không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn góp phần đáng kể vào việc thực hiện xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động ở nông thôn nước ta.
Tuy nhiên, việc phát triển các KCN tất yếu phải đi liền với việc thu hồi đất, mà chủ yếu là đất nông nghiệp của một bộ phận nông dân. Điều này đang đẩy hàng chục vạn nông dân rơi vào cảnh mất đất, mất việc làm và chưa tìm được việc làm mới. Trong số hơn 1 triệu lao động được thu hút vào làm việc trong các KCN, liệu có bao nhiêu phần trăm trong số đó là nông dân bị thu hồi đất và con em của họ! Điều này cũng dễ hiểu vì các doanh nghiệp KCN cần tuyển dụng lao động có trình độ, đã được đào tạo theo từng nghề nhất định, trong khi đó phần đông nông dân chỉ biết nghề làm ruộng, chăn nuôi ở trình độ thấp, hoặc nghề thủ công truyền thống; chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Đây là một mâu thuẫn và là vấn đề xã hội phát sinh khá gay gắt hiện nay ở nông thôn, dẫn đến những điểm “nóng” về mặt xã hội cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Thêm vào đó, những hộ nông dân giao đất để xây dựng các KCN, sau khi nhận được tiền đền bù hay hỗ trợ sử dụng chúng theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều gia đình biết dùng số tiền đó để đào tạo lại chuyển đổi ngành nghề, nhanh chóng ổn định được cuộc sống và tạo tiềm năng để phát triển kinh tế lâu dài. Nhưng cũng có không ít gia đình sau khi nhận được tiền đền bù đã sử dụng không hiệu quả, tiêu xài hoang phí, để sau một thời gian ngắn hết tiền, mất kế sinh nhai lâu dài, cuộc sống trở nên khó khăn hơn cả khi chưa bị thu hồi đất.
Một số kiến nghị
Để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình phát triển các KCN ở nước ta thời gian tới, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, mở rộng sự liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến trong các KCN. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mọi công đoạn đều có liên kết với nhau. Kết quả của công đoạn này tuỳ thuộc vào điều kiện vận hành của một số công đoạn khác. Do đó hướng phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở nước ta là phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến trong các KCN; giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng mô hình “hệ thống toàn bộ” để đảm bảo tổ chức sản xuất liên hoàn, thực hiện sự phân công và hợp tác có hiệu quả từ sản xuất đến tiêu dùng. Nên chăng thời gian tới chúng ta cần xây dựng một số KCN chuyên về chế biến nông sản và thực phẩm tại các vùng nông thôn. Khi đó các doanh nghiệp không những sử dụng khai thác thế mạnh về nguyên liệu tại chỗ, mà còn tận dụng được lợi thế cộng hưởng của việc nằm ngay cạnh các xí nghiệp khác trong cùng một hệ thống sản xuất liên hoàn.
Thứ hai, khuyến khích, tăng cường thu hút các dự án phục vụ nông nghiệp. Thời gian qua, các KCN ở nước ta đã thu hút được một số dự án lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ nông nghiệp như sản xuất phân bón, nông dược, thức ăn gia súc… Các doanh nghiệp này đã có những đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy, các dự án trong KCN đến nay chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, điện tử, hàng tiêu dùng, giầy dép, cơ khí… Các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 12% số dự án đầu tư. Do đó, trong thời gian tới, khi xây dựng, phát triển KCN, cần phải xác định chi tiết cơ cấu ngành nghề thu hút vào các KCN. Khuyến khích, thu hút các ngành nghề phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh về nguồn lực tại chỗ của từng vùng, địa phương như vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp, thuỷ sản... từ đó có phương hướng tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương.
Thứ ba, nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN. Thời gian qua, có không ít địa phương đã triển khai phát triển KCN một cách ồ ạt, thiếu tính toán, gây ra tình trạng nhiều KCN bị quy hoạch “treo”, hoặc hoạt động không hiệu quả. Hơn nữa, cùng với các quy hoạch treo là một phần diện tích không nhỏ đất nông nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí, đời sống của nông dân bị thu hồi đất cũng bị “treo” luôn cùng với KCN. Chính vì vậy, trong thời gian tới việc quy hoạch KCN cần phải tính toán đầy đủ các yếu tố kinh tế lẫn phi kinh tế; tránh chồng chéo, trùng lắp trong quy hoạch. Trong công tác quy hoạch phải đảm bảo một liên kết giữa các KCN, giữa các địa phương và giữa các vùng kinh tế. Hơn nữa cần phải quán triệt chủ trương là quy hoạch xây dựng đến đâu xúc tiến đầu tư lấp đầy đến đấy; chỉ khi các KCN đã được thành lập có tỷ lệ lấp đầy trên 60 % thì mới xem xét thành lập tiếp các KCN mới. Có như vậy, quỹ đất nông nghiệp dành để phát triển các KCN mới được sử dụng hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh các KCN. Việc phát triển các KCN nói chung ít nhiều đều ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là các xí nghiệp có thiết bị lạc hậu. Như chúng ta đã biết, đến nay môi trường ở nông thôn xung quanh các KCN đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nhiều mảnh ruộng cây cối, hoa mầu không mọc được; nhiều đoạn sông trong xanh bị biến thành sông “chết”, không có loài sinh vật nào có thể sống được. Vì vậy, bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp không thể thiếu được khi xây dựng, phát triển KCN hiện nay. Để bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn chúng ta cần phải (1) ngay từ đầu kiên quyết không phê duyệt, hoặc hạn chế những dự án gây ô nhiễm nặng đến môi trường như các dự án sản xuất sợi, giấy…; (2) Đối với những dự án đã phê duyệt, cần tăng cường đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải chung cho cả KCN, nhất là các KCN vừa và nhỏ, tiến tới xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn tiên tiến, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Buộc các doanh nghiệp phải lắp đặt thiết bị xử lý chất thải và thực hiện chủ trương “ai gây ô nhiễm, người đó phải chi trả”. (3) Thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng môi trường tại các KCN nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố về môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các KCN; có biện pháp thưởng, phạt thích đáng những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường.
Thứ năm, ổn định đời sống và giải quyết việc làm cho nông dân và con em họ khi giao đất xây dựng KCN. Có thể nói đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Thực tế ở nhiều địa phương, nông dân không muốn giao đất để xây dựng KCN. Vì sau khi giao đất, nhận được một khoản tiền đền bù, nhưng đời sống của họ cũng không khá hơn, thậm chí về lâu về dài nhiều nơi nông dân còn gặp khó khăn hơn lúc chưa giao đất. Để giải quyết vấn đề này thiết nghĩ Nhà nước cần phải: (1) có phương án đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Phương án đào tạo phải gắn với phương án sử dụng, bố trí việc làm sau khi người nông dân được đào tạo lại; (2) Có chế tài cụ thể bắt buộc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đơn vị sử dụng đất trong việc giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất; (3) khuyến khích phát triển mạnh các nghề thủ công truyền thống, các nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. Điều này không chỉ có ý nghĩa tạo ra việc làm và thu nhập cho lao động ở những vùng bị thu hồi đất, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; (4) Đối với những lao động trên 35 tuổi, ít có khả năng chuyển đổi nghề khi bị thu hồi đất, nên chăng chính quyền địa phương cần dành một phần đất gần với KCN cấp cho họ để họ tổ chức các hoạt động dịch vụ như cho thuê nhà trọ, bán hàng tạp hoá, quán ăn… góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện cuộc sống./.
(ThS. Phan Tiến Ngọc - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com