Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) của một quốc gia đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Công nghiệp phụ trợ là chuyên sản xuất nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện,… cho các doanh nghiệp chế tạo hoặc lắp ráp thành một loại sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng hạn cho các doanh nghiệp may gồm sản xuất chỉ khâu, cúc áo, khoá kim loại,... cho ngành ô tô gồm sản xuất phanh, bánh xe, hộp số, tay lái...
![]() |
Công ty liên doanh Shinil Todinax |
Tình hình công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp chuyên về công nghiệp phụ trợ còn ít, trình độ chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn có thể nói là thấp và lạc hậu so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp phụ trợ đã và đang là một vấn đề rất đáng lo ngại cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Nền kinh tế phát triển, quá trình đầu tư cho sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, đặc biệt là đầu tư FDI hiện nay đang đổ mạnh vào Việt Nam. Quá trình đầu tư này không những cần thiết bị, máy móc hiện đại (hiện nay phần lớn là phải nhập từ bên ngoài), mà còn đòi hỏi nguyên liệu, các chi tiết, các phụ kiện cung ứng cho việc chế tạo ra sản phẩm của các doanh nghiệp đó ngày càng lớn. Nhưng sản phẩm phụ trợ của nước ta lại rất nghèo nàn, khiến các doanh nghiệp đầu tư vào lại rất khó tìm được đối tác hỗ trợ có hiệu quả thiết thực. Ngành dệt may hiện nay là ngành đạt kim ngạch tới 9 tỷ USD, lớn nhất ở nước ta trong năm 2007 nhưng không có công nghiệp phụ trợ thích đáng, nên đã phải nhập tới 80% tỷ lệ nguyên phụ liệu sản xuất. Ngành sản xuất ô tô đang là ngành có nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, nhưng tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt 3-7% giá thành, cung cấp được vài loại sản phẩm đơn giản, giá trị thấp như ghế ngồi, khung xe, một số chi tiết phụ bằng nhựa, kim loại…
Gần đây chi phí cho giá thành nguyên vật liệu trên thế giới tăng vọt nên các doanh nghiệp FDI đều mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh về giá. Theo điều tra của Tổ chức thương mại Nhật Bản (Jetro) thì có tới 72% các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói rằng họ có kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hoá nguyên, phụ liệu, linh kiện. Tỷ lệ nội địa hoá của các nhà sản xuất Nhật Bản vào Việt Nam mới đạt 22,6% về giá trị, thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN như Thái Lan đạt 50%; Malaisia 45% và Indonesia là 39%. Điều tra này cũng chỉ rõ rằng, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu, có quá ít doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ. Nếu có thì cũng chủ yếu là tham gia ở khâu đóng gói, bao bì, khâu cung ứng linh, phụ kiện cho việc sản xuất không có mấy. Thường các doanh nghiệp phải nhập từ nước thứ ba như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, như vậy chắc chắn giá thành sản phẩm phải bị đẩy lên cao hơn so với chính các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp cung cấp nguyên, phụ kiện. Một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho biết họ đã phải đến thăm khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam mới tìm được một nhà cung ứng linh kiện phù hợp. Công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa phát triển còn do các nhà sản xuất và lắp ráp nước ngoài thiếu thông tin về các công ty cung cấp linh kiện. Thông tin từ các danh bạ doanh nghiệp rất hạn chế, quá bao quát, không tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, những thông tin này là chưa đủ để các doanh nghiệp rút ngắn thời gian tìm kiếm đối tác cung ứng linh kiện tiềm năng.
Phương hướng phát triển
Như vậy công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam không chỉ yêu cầu phát triển về số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Các doanh nghiệp đầu tư ngày càng hiện đại hoá thì càng khắt khe với chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn gốc nguyên vật liệu. Đây là thách thức rất lớn nhưng cũng là thời cơ rất lớn để công nghiệp phụ trợ có điều kiện phát triển mạnh, cung ứng nguyên, phụ liệu linh kiện cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp dịch vụ lớn.
Nhận rõ yêu cầu đó, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020. Quy hoạch này xác định quan điểm công nghiệp phụ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH đất nước từ nay đến năm 2020. Quy hoạch cũng khẳng định phát triển công nghiệp phụ trợ phải gắn với phân công hợp tác quốc tế và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở chọn lọc tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam với công nghệ tiên tiến có tính cạnh tranh quốc tế cao, gắn liền với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong nước đối với sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền phân công lao động sản xuất quốc tế. Hiện cả nước có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật và ngành nào cũng cần thiết phải có công nghiệp phụ trợ. Do đó, theo Bộ Công thương phải chọn ngành trọng điểm để đầu tư và quy hoạch, xác định nhóm ngành ưu tiên phát triển. Đó là: ngành công nghiệp phụ trợ dệt may nhằm mục tiêu đến năm 2015 đạt khoảng 39% và đến năm 2020 là khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi. Năm 2010, tự sản xuất trong nước từ 10 - 70% tuỳ loại phụ tùng cơ khí dệt may và 40 - 100% vào năm 2020. Năm 2015 đáp ứng 50% nhu cầu nội địa về các sản phẩm xô, sợi tổng hợp. Đến năm 2020 đáp ứng 80% nhu cầu nội địa và tiến tới xuất khẩu sau năm 2020; Ngành công nghiệp phụ trợ da giầy phối hợp với ngành dệt may, đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép, đặc biệt là giầy dép vải xuất khẩu; Ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tập trung phát triển sản xuất theo cụm công nghệ gồm cabin, khung, vỏ, hệ thống treo, động cơ, hộp số, các đăng, hệ thống lái cho các loại xe tải, xe khách và xe chuyên dụng. Phát triển có chọn lựa một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu. Sau năm 2010 sẽ thu hút đầu tư liên doanh sản xuất động cơ diezen tại khu công nghiệp ô tô Củ Chi (tp. Hồ Chí Minh), tiến tới hình thành khu công nghiệp phụ trợ cho việc sản xuất động cơ và ô tô tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh; Ngành công nghiệp phụ trợ điện tử - tin học nhằm mục tiêu đến năm 2010 đạt tỷ trọng phí nguyên vật liệu nội địa trong giá thành sản phẩm đạt khoảng 22 – 25%. Sau năm 2010 sẽ phát triển sản xuất linh kiện lắp ráp đồng bộ, linh kiện dạng nguyên vật liệu và các loại linh, phụ kiện khác (đĩa CD, CD-Rom, DVD, pin mặt trời,…). Xây dựng một số nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử y tế kỹ thuật cao, thiết bị cảnh báo điện tử; Ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí chế tạo, cần tăng cường đầu tư chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy móc xây dựng, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào các quá trình sản xuất công nghệ cao, vào những khâu cơ bản mà Việt Nam còn yếu kém. Xây dựng các khu, cụm công nghiệp phụ trợ cơ khí tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.
Những giải pháp chủ yếu
Công nghiệp phụ trợ được xác định là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH; tạo hàng hoá thay thế nhập khẩu, tạo chủ động cho sản xuất hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu nên phải được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi. Quy hoạch đã đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện phục vụ yêu cầu đó:
Một là, giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Dựa trên cơ sở 5 nhóm ngành ưu tiên, xây dựng các chương trình phát triển từng nhóm sản phẩm phụ trợ thích ứng. Nhằm thực hiện được các chương trình này sẽ có các chính sách thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời có chính sách khuyến khích hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp. Trong điều kiện nền kinh tế còn kém phát triển thì cần giúp đỡ, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm phụ trợ, cung ứng linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho sản xuất phụ trợ.
Hai là, giải pháp về khoa học - công nghệ. Nhà nước cần xây dựng và ban hành một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, làm căn cứ cho định hướng phát triển. Cần nâng cấp, hoàn thiện các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm phụ trợ đạt trình độ quốc tế. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI có các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ kinh phí mua bản quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ba là, giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực. Nhân lực là khâu có ý nghĩa quyết định đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghiệp phụ trợ còn đang ở giai đoạn sơ khai. Để đảm bảo cho công nghiệp này phát triển, hoạt động, đáp ứng yêu cầu sẽ cần nhiều cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học có khả năng làm chủ các công nghệ được chuyển giao. Để vươn lên tầm cao, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, cán bộ ngành này còn phải có năng lực, trình độ nghiên cứu, thiết kế, tạo ra công nghệ nguồn và kiểu dáng sản phẩm riêng của Việt Nam. Do đó cần tích cực cải tiến, đổi mới giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng mọi hình thức thiết thực, có hiệu quả.
Bốn là, giải pháp về liên kết doanh nghiệp. Để tranh thủ bước đi nhanh, chắc, hiệu quả cần xây dựng các chương trình hợp tác dài hạn với các đối tác chiến lược, các công ty, tập đoàn đa quốc gia về phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ nói riêng. ở Việt Nam, trong giai đoạn đến 2010 tầm nhìn 2020, trước mắt cần có kế hoạch kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm phụ trợ và hợp đồng kinh tế giữa hai bên.
Năm là, giải pháp về hạ tầng cơ sở. Giao thông vận tải hiện nay ở nước ta rất yếu kém, cần phải tích cực đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện cả các mặt đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không. Các sân bay, hệ thống cảng cần được nâng cấp, đáp ứng chuyên chở hành khách và hàng hoá ngày càng tăng. Các kho hàng, các điểm tập trung hàng hoá ở các vùng kinh tế trọng điểm cần được mở rộng và xây dựng hiện đại hơn, phù hợp hơn.
Sáu là, giải pháp về tài chính. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực này nên cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ấy tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất phụ trợ cũng cần tích cực hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản để thành lập hệ thống ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện về nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Bảy là, Để bắt nhịp với làn sóng nội địa hoá, Việt Nam cần sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu hiệu quả, một doanh nghiệp nên có đủ các thông tin về chính sách, các khả năng đặc biệt và kinh nghiệm của công ty, trang thiết bị sản xuất, độ chính xác chế tạo tính bằng milimét, chứng chỉ chất lượng, các khách hàng chính, doanh số bán hàng hằng năm, tổng vốn và số lao động sử dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước, thiết lập quan hệ với các công ty sản xuất nước ngoài.
Phát triển công nghiệp phụ trợ hiện nay ở Việt Nam là hết sức bức thiết, nhưng ngoài ngành dệt may và da giầy mới chính thức khởi công xây dựng dự án trung tâm nguyên phụ liệu, thì các ngành khác vẫn còn quá thận trọng, chậm rãi. Hy vọng trong năm 2008, công nghiệp phụ trợ sẽ khởi sắc, đẩy mạnh phát triển hơn./.
(TS. Nguyễn Quốc Luật - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com