Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đào tạo nghệ nhân khó hơn giáo sư

Đó là so sánh của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tại hội thảo Mỗi làng một nghề tổ chức ngày 15/9.

Muốn tồn tại, mỗi làng nghề cần có một sản phẩm chuyên biệt - Ảnh: Phạm Anh

Làng nghề cần 4.000 tỷ đồng

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nước ta có gần 3.000 làng nghề, với hơn 1,42 triệu hộ với trên 11 triệu lao động (chiếm gần 30 phần trăm tổng số lao động tại các làng nghề) tham gia sản xuất và có nguồn thu nhập chính từ nghề thủ công. Một số làng nghề thu hút tới 60 phần trăm tổng số lao động địa phương vào các hoạt động phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, đào tạo một thợ thủ công giỏi phải mất nhiều thời gian; thậm chí có những nghề, một thầy đào tạo một trò phải mất cả chục năm mới có trò giỏi.

“Để có một giáo sư, đã mất nhiều thời gian đào tạo. Nhưng để có một thợ thành nghệ nhân thì phải công phu và tốn thời gian nhiều hơn. Nghệ nhân không chỉ là học được kiến thức mà còn phải có năng khiếu.

Đây là vấn đề còn yếu, nếu không khéo, chúng ta khó giữ được những nghệ nhân giỏi cho đất nước. Hơn nữa, bên cạnh nghệ nhân là cả một chuỗi hệ thống hỗ trợ, giống như bác sỹ, phải có y tá, hộ lý trợ giúp” - Ông Hùng nói.

Nguồn vốn lâu dài cho làng nghề là bài toán khó. Theo ông Hùng, để giải quyết vốn cho gần 3.000 làng nghề hiện nay, cần khoảng 4.000 tỷ đồng. Gói kích cầu của Chính phủ vừa rồi giải quyết cơ bản về vốn và một số chính sách cho làng nghề.

Cách đây một năm, những lo ngại việc ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã làm cho khoảng năm triệu người ở các làng nghề mất việc. Đến nay, vấn đề này phần nào được giải tỏa, nhưng về lâu dài cần được quan tâm hơn nữa. 

Chương trình Mỗi làng một nghề với mục tiêu đem lại thu nhập ổn định cho người dân, đưa mức tăng trưởng bình quân của ngành nghề nông thôn trên 15 phần trăm/năm; mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn 20-22 phần trăm/năm; thu hút trên 300.000 lao động/năm.

Một thiệt thòi khác với các làng nghề, theo ông An Văn Khánh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) là đề án phát triển Mỗi làng một sản phẩm, được xây dựng từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Tiếp đó, Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề trình Chính phủ từ 2007 cũng trong tình cảnh tương tự.

Trong Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề truyền thống đến năm 2020, kinh phí dự toán khoảng 10.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng  phải căn cứ vào điều kiện ngân sách từng năm để bố trí, ưu tiên chọn những làng nghề đã mai một, cần bảo tồn; các làng nghề phát triển cầm chừng và các làng nghề phát triển tốt để đầu tư, hỗ trợ phù hợp.

Ông Khánh cho biết thêm, làng nghề thiệt thòi vì còn chưa được đầu tư, nhiều chính sách ban hành nhưng việc tiếp cận chính sách ở các làng nghề còn rất khó khăn.

Tạo dấu ấn riêng biệt cho sản phẩm

Tại cuộc tọa đàm hôm qua, tiến sỹ Hiramatsu Morihiko - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế Mỗi làng một sản phẩm tỉnh Oita (Nhật Bản) cho rằng, mấu chốt của phong trào trên không chỉ là vấn đề nâng cao thu nhập mà còn để người dân hài lòng với thu nhập, cuộc sống tinh thần của mình.

“Sản phẩm đó không hẳn chỉ làm vật lưu niệm cho du khách mà phải dựa vào những lợi thế, điều kiện sẵn có của địa phương tạo ra sản phẩm khác biệt, mang dấu ấn của địa phương” - tiến sỹ Hiramatsu nói.

Theo ông Hiramatsu, ở tỉnh Oita, nơi ông 24 năm làm Tỉnh trưởng, đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm đặc trưng của các vùng. Nhiều sản phẩm nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, như nấm hương, chanh Kabosu, rượu Shochu...

Ông Hiramatsu cho rằng, nếu nông dân chỉ sản xuất và bán nông sản thô ngoài chợ thì thu nhập sẽ rất thấp, chỉ làm giàu cho lớp tiểu thương. Thay vào đó, nông dân có thể hợp tác với nhau, tạo ra những cơ sở chế biến để tăng giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho chính mình.

Cứ tạo ra khác biệt, có thương hiệu, sản phẩm đó sẽ tồn tại, không chỉ phổ biến trong nước mà còn thế giới. Ông TS người Nhật lấy ví dụ, gốm sứ Bát Tràng ở Việt Nam khá nổi tiếng, nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng cao nhưng chưa phải là sản phẩm toàn cầu. Nó cần phải được trưng bày ở Nhật, Pháp, Anh...

Nếu biết cách khai thác những giá trị đặc trưng, tạo thương hiệu thì gốm sứ Bát Tràng hoàn toàn có thể trở thành làng gốm sứ số một thế giới.

Theo cách làm của Nhật Bản, chính phủ sẽ không đầu tư tiền trực tiếp cho nông dân mà để chính họ tự lập, nỗ lực sáng tạo riêng rồi chính phủ chọn những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để phát triển. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ nông dân phần kỹ thuật qua các nhà khoa học; tổ chức các lớp học làm kinh tế từ kinh nghiệm của những người thành công đi trước.

TS Hiramatsu cho biết thêm, những người đứng đầu chính quyền địa phương phải đi đầu tìm kiếm, giới thiệu quảng bá sản phẩm của địa phương mình, như chính ông từng rót rượu Shochu, cắt chanh Kabosu để tiếp thị cho sản phẩm này.  

(Theo Đức Kế - Phạm Anh // Tienphong Online)

  • Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
  • “Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”
  • Lao động Việt Nam rẻ hay đắt?
  • Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt
  • “Tìm cửa” sang Angola mưu sinh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Từ 1-7: Lao động tu nghiệp tại Nhật được làm 120 loại việc
  • Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?
  • Xu hướng việc làm năm 2010: Vẫn thiếu tính bền vững
  • Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?
  • Năm 2010, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 12.500 lao động Việt Nam
  • Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • 4,3 triệu việc làm do doanh nghiệp tư nhân tạo ra
  • Lao động tại doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 20% mỗi năm
  • Thị trường lao động Canada: Cửa vào không dễ!
  • Năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho gần 2 triệu lao động
  • 1,6 triệu việc làm mới trong năm 2010
  • Xuất khẩu lao động: Tiếp tục thời của thị trường “vàng”?
  • Cung - cầu lao động đang mất cân đối nghiêm trọng
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nhân sự Việt Nam: Vừa thiếu vừa yếu