Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400.000 DN và khoảng 400 cơ sở đào tạo nghề nằm trong các DN. Tuy nhiên DN Việt Nam hiện vẫn chưa chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề.
Tại hội thảo "Phối hợp Nhà nước và Doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao hệ thống đánh giá kỹ năng nghề có hiệu quả" do VCCI phối hợp với Hiệp hội Đào tạo nghề hải ngoại (OVTA) và Tổng cục dạy nghề được tổ chức mới đây, một số đại biểu cho rằng, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề ở Việt Nam mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Do đó, để nâng cao hệ thống đánh giá kỹ năng nghề, nên có sự bắt tay của cả ba bên: Cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Tuyển dụng lao động kiểu “đại trà”
Ông Đào Xuân Trường - Phó Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo thuộc VCCI cho biết, trên thực tế, các DN Việt Nam vẫn tuyển lao động theo kiểu “đại trà”, không đưa ra tiêu chí tuyển lao động rõ ràng cũng như chưa chú trọng xây dựng “kế hoạch đào tạo” và “cơ sở dữ liệu về đào tạo”. Các DN chỉ đánh giá kỹ năng nghề theo chủ quan của mình. Do đó, không chọn được đúng đối tượng và phải mất thời gian và chi phí cho việc đào tạo lại người lao động.
Bên cạnh đó, tại các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo trình lại không cập nhật; thiếu giảng viên có kiến thức thực tế; chưa chủ động phối hợp với các DN; chưa có cơ sở dữ liệu để phân bổ hợp lý các ngành nghề cần đào tạo; việc đánh giá và cấp chứng chỉ nghề còn nhiều bất cập (trình độ nghề, kỹ năng và thái độ) của người học chưa tương xứng; chưa có chế độ khuyến khích việc “đào tạo tại chỗ”, “học tập suốt đời”, tự nâng cao tay nghề…Đó là những nguyên nhân khiến cho việc đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề chưa hiệu quả.
Trong khi đó, người học nghề cũng chưa được sự khuyến khích của xã hội và gia đình, chưa được hướng dẫn đầy đủ; thiếu kiến thức học hành. Phần đông trong số học sinh tốt nghiệp không làm đúng nghề đã học, phải đào tạo lại hoặc mất thời gian tập sự tại DN. Trong khi đó, sự hiểu biết kỹ năng nghề và thái độ làm việc chưa đồng bộ (nhất là tác phong công nghiệp còn yếu), mức lương cho “thợ” chưa thỏa đáng, chưa khuyến khích…
Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề
Ông Đinh Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục dạy nghề cho biết, mục đích của việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là công nhận kỹ năng nghề của người lao động, khuyến khích người lao động nâng cao trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc đánh giá còn nhằm phát hiện ra những thiếu hụt về kỹ năng nghề để từ đó đưa ra biện pháp bổ sung kỹ năng nghề cho người lao động. Đây cũng là căn cứ để người sử dụng lao động tuyển dụng, phân công công việc và trả lương phù hợp cho người lao động.
Ông Nobuo Matsubara - Đại diện Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, hệ thống kiểm tra kỹ năng nghề quốc gia được bắt đầu từ năm 1959 với 137 ngành nghề khác nhau. Mục tiêu của hệ thống kiểm tra và cấp chứng nhận tại Nhật Bản nhằm đánh giá và ghi nhận kỹ năng nghề và kiến thức mà người lao động đạt được trong quá trình đào tạo cũng như khuyến khích những công nhân đạt được tay nghề cao hơn, tìm được việc làm có chuyên môn cao hơn và nâng cao đánh giá của cộng đồng về kỹ năng đạt được cũng như việc đào tạo hướng nghiệp, từ đó nâng cao cùng lúc khả năng và địa vị kinh tế xã hội của công nhân, góp phần vào sự phát triển nền công nghiệp Nhật Bản. |
Ông Đào Xuân Trường – Phó Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo cho biết, ngoài những biện pháp trên thì phía cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa. Theo ông, đối với phía cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích và đầu tư cho việc đào tạo nghề (đối với cơ sở đào tạo, với doanh nghiệp, với người học); Có hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ nghề phù hợp với thực tế; Thành lập trung tâm thông tin, dự báo chính xác nhu cầu đào tạo nghề. Với doanh nghiệp: Nên có kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề; Có tiêu chí rõ ràng đối với lao động trong từng lĩnh vực, ngành nghề, thông tin rộng rãi; Có chế độ khuyến khích, trả lương xứng đáng cho người thợ có tay nghề cao và phối hợp với nhà nước, cơ sở đào tạo cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí, nơi thực tập cho cơ sở đào tạo…
Trên cơ sở đó, với vài trò là cầu nối giữa nhà nước (cơ quan quản lý) – nhà trường (cơ sở đào tạo) – nhà doanh nghiệp (người sử dụng lao động), VCCI sẽ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị cho nhà nước về công tác đào tạo nghề, đánh giá và cấp chứng chỉ nghề cho phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.; Tham gia vào công tác đào tạo đội ngũ quản lý cho doanh nghiệp, giảng viên cho công tác đào tạo nghề…
(Theo Hồ Hường // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com