Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội
Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và đối thoại với
lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Ảnh: Quốc Minh
- Việt Nam bắt đầu đưa tu nghiệp sinh (TNS) sang Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật từ năm 1992. Ðến nay, đã có hơn 40.000 TNS được đưa sang tu nghiệp tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Hiện nay, số TNS đang tu nghiệp tại Nhật Bản là gần 10.000 người, số thực tập sinh là 6.740 người. TNS Việt Nam tại Nhật Bản tu nghiệp, làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực dệt, may, điện tử, cơ khí, chế biến, xây dựng, thủy sản.

Số lượng TNS Việt Nam tăng qua các năm, nhưng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng vì 40% GDP của Nhật Bản phụ thuộc vào xuất khẩu, do vậy số lượng TNS sang Nhật năm 2008 chỉ tăng 5% và sáu tháng đầu năm 2009 giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

TNS Việt Nam tu nghiệp chủ yếu ở các vùng Gifu, Kanto, Kansai, Aichi và Hiroshima . TNS Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao về tay nghề, tính cần cù, chịu khó và khả năng tiếp thu nhanh về kỹ năng, kỹ thuật. Thu nhập bình quân của TNS Việt Nam khoảng từ 700 đến 1.100 USD/tháng. Cá biệt, có trường hợp thu nhập đến hơn 1.700 USD/tháng.

Ngoài chương trình tu nghiệp nói trên, chúng ta cũng đã bắt đầu đưa kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ mới, kỹ thuật viên tin học sang làm việc tại Nhật Bản. Ðến nay, đã có gần 1.000 lượt kỹ sư và kỹ thuật viên sang Nhật Bản làm việc. Số này phần lớn đi theo hợp đồng cá nhân, một số ít đi qua các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động.

Hiện có 99 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được đưa TNS và lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hàng chục công ty, xí nghiệp tại Việt Nam là các công ty con, công ty liên doanh, công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản trực tiếp cử người lao động sang Nhật Bản tu nghiệp và thực tập kỹ thuật với thời gian từ sáu đến chín tháng.

Qua hơn 15 năm thực hiện chương trình, số lượng TNS Việt Nam sang Nhật Bản có tăng dần nhưng chưa tương xứng với khả năng đáp ứng của ta và nhu cầu tiếp nhận thực tế của phía Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ TNS Việt Nam bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp còn cao (năm 2003 là hơn 30%), khiến nhiều xí nghiệp, nghiệp đoàn không muốn tiếp nhận TNS Việt Nam; mặt khác cơ quan chức năng (cơ quan quản lý xuất nhập cảnh) của Nhật Bản theo dõi, quản lý chặt, thậm chí không cấp visa cho TNS Việt Nam và tu nghiệp tại những xí nghiệp, nghiệp đoàn đã có nhiều TNS Việt Nam bỏ trốn. Những năm gần đây, tỷ lệ TNS Việt Nam bỏ trốn có giảm (hiện nay khoảng 2%) nhưng tỷ lệ còn khá cao so với các nước khác cùng đưa TNS vào Nhật Bản. Ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ pháp luật, tuân thủ nội quy, quy định của xí nghiệp tiếp nhận, việc hiểu và tôn trọng phong tục tập quán nước sở tại của TNS ta còn hạn chế dù đã được phổ biến và nhắc nhở rất kỹ nhưng vẫn vi phạm. Một số TNS bị các tổ chức, liên đoàn lao động địa phương lôi kéo, kích động tham gia các phong trào, các hoạt động phản đối, khiếu kiện xí nghiệp, nghiệp đoàn. Chất lượng lao động, TNS đưa sang Nhật Bản còn hạn chế, nhất là về mặt ngôn ngữ.

Trước tình hình nói trên, công tác quản lý lao động tại Nhật Bản trong thời gian qua đã được củng cố, kiện toàn và đi vào ổn định, đạt hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, xử lý kịp thời nhiều phát sinh, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hình ảnh tốt đẹp của lao động Việt Nam góp phần phát triển thị trường lao động của Việt Nam tại Nhật Bản.

Ðể đẩy mạnh công tác đưa người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau đây:

Trước hết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện nay là đối tác chiến lược, nên khi xây dựng nội dung cụ thể cần đưa nội dung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, trong đó phải nêu rõ việc Nhật Bản cam kết tăng cường tiếp nhận và đào tạo TNS và thực tập sinh cho Việt Nam. Trong các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước cũng cần đưa vấn đề này vào nội dung hội đàm, tạo sự thống nhất để các cơ quan chức năng hai nước thực hiện. Tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng đối với việc đưa lao động, TNS sang Nhật Bản làm việc nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các quy định về phái cử và tiếp nhận lao động, TNS Việt Nam. Xây dựng hệ thống đào tạo, kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện và thống nhất chất lượng lao động TNS trước khi sang Nhật Bản nhằm đưa đi được những lao động có chất lượng, có tay nghề theo yêu cầu của phía tiếp nhận. Quan tâm và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về việc đi tu nghiệp, làm việc tại Nhật Bản và các vấn đề liên quan để người lao động biết, chủ động học ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng, kỹ thuật cần thiết; hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Việt Nam và Nhật Bản về đưa và tiếp nhận lao động, TNS... Có hình thức khen thưởng tuyên dương những lao động, TNS hoàn thành xuất sắc chương trình tu nghiệp, có đóng góp lớn trong việc giữ gìn và nâng cao hình ảnh lao động, TNS Việt Nam tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét và có hình thức khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân Nhật Bản có đóng góp lớn cho việc tiếp nhận lao động, TNS Việt Nam. Xử lý nghiêm theo quy định đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm hợp đồng tu nghiệp, vi phạm pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động, TNS Việt Nam tại Nhật Bản. Sớm thành lập Tiểu ban theo thỏa thuận của EPA trong đó có tiểu ban tiếp tục đàm phán về vấn đề di chuyển thể nhân (theo EPA thì các tiểu ban này phải được thành lập trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và thời gian hoạt động tối đa là hai năm). Theo EPA mà Việt Nam và Nhật Bản đã ký thì chỉ những y tá, nhân viên chăm sóc được phía Nhật Bản đào tạo hoặc có các tiêu chuẩn phù hợp với luật pháp Nhật Bản mới được nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc. Còn những y tá và nhân viên chăm sóc do Việt Nam đào tạo hiện nay vẫn chưa được chấp nhận vào Nhật Bản làm việc. Do vậy cần tiếp tục đàm phán và thống nhất để y tá và nhân viên chăm sóc do Việt Nam đào tạo được vào Nhật Bản làm việc như Nhật Bản đã thỏa thuận với Indonesia và Philippines.

Hai là, về phía doanh nghiệp, chủ động tiếp cận và nắm vững chương trình tiếp nhận TNS và thực tập sinh nước ngoài của Nhật Bản. Chủ động thâm nhập, củng cố và mở rộng thị trường phái cử TNS Việt Nam sang Nhật Bản. Thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức tiếp nhận, tham gia các hội thảo, hội nghị về chương trình việc làm, TNS và thực tập sinh nước ngoài... Xây dựng và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp đến các cơ quan và tổ chức tiếp nhận Nhật Bản. Chủ động tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức tiếp nhận Nhật Bản. Chú trọng đào tạo tiếng Nhật, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp và phong tục tập quán Nhật Bản. Chú trọng công tác quản lý TNS. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tiếp nhận Nhật Bản trong việc xử lý các phát sinh liên quan đến TNS, bảo đảm uy tín của doanh nghiệp và TNS Việt Nam. Cần minh bạch trong tuyển chọn, thu phí của TNS. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Việt Nam và Nhật Bản về đưa TNS Việt Nam sang Nhật Bản. Liên hệ và hợp tác chặt chẽ với cơ quan đại diện và Ban quản lý lao động trong việc phát triển thị trường và quản lý TNS.

Ba là, đối với TNS cần xác định rõ mục đích, nội dung và các điều kiện của chương trình tiếp nhận TNS nước ngoài của Nhật Bản. Chủ động trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết trước khi tham gia chương trình tiếp nhận TNS của Nhật Bản. Tập trung học tập và chấp hành nghiêm túc chương trình đào tạo và các quy định của cơ sở đào tạo trước khi đi làm việc tại Nhật Bản. Chấp hành nghiêm túc luật pháp Việt Nam, Nhật Bản và các quy định của tổ chức tiếp nhận đối với TNS trong quá trình làm việc tại Nhật Bản.

(Theo Lê Văn Thanh Tham tán - Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản // Báo Nhân dân điện tử)

  • Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
  • “Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”
  • Lao động Việt Nam rẻ hay đắt?
  • Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt
  • “Tìm cửa” sang Angola mưu sinh
  • Lao động mắc bệnh nghề nghiệp: Thiệt đơn, thiệt kép
  • Thuê nhân sự cao cấp người nước ngoài : Bước đệm cần thiết
  • 7 DN được đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng
  • Đầu tư gần 26 nghìn tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
  • Chung sức hỗ trợ khởi nghiệp
  • An toàn vệ sinh lao động: Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn
  • Chính sách tài chính ảnh hưởng quản lý nhân lực
  • Kiểm soát lao động nước ngoài: Bài toán khó giải
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Từ 1-7: Lao động tu nghiệp tại Nhật được làm 120 loại việc
  • Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?
  • Xu hướng việc làm năm 2010: Vẫn thiếu tính bền vững
  • Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?
  • Năm 2010, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 12.500 lao động Việt Nam
  • Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • 4,3 triệu việc làm do doanh nghiệp tư nhân tạo ra
  • Lao động tại doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 20% mỗi năm
  • Thị trường lao động Canada: Cửa vào không dễ!
  • Năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho gần 2 triệu lao động
  • 1,6 triệu việc làm mới trong năm 2010
  • Xuất khẩu lao động: Tiếp tục thời của thị trường “vàng”?
  • Cung - cầu lao động đang mất cân đối nghiêm trọng
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nhân sự Việt Nam: Vừa thiếu vừa yếu