Hàn Quốc có chính sách buộc doanh nghiệp góp khoảng 1% quỹ tiền lương để hỗ trợ phát triển dạy nghề cho lao động. Thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ áp dụng chính sách này - Ông Lê Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý, Tổng Cục dạy nghề, Bộ LĐ, TB& XH, cho biết.
Theo đánh giá Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực rẻ nhưng phần lớn vẫn chưa được đào tạo nghề một cách bài bản |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Vinh cho hay, việc đóng góp này được xem như một nguồn thuế cho nhà nước. Ở Hàn Quốc, học phí đại học rất cao, trong khi học nghề gần như miễn phí. Thậm chí, họ còn cấp học bổng cho học sinh nghề giỏi. Việt Nam chưa làm được như vậy.
“Chúng tôi đã đưa vào chương trình xây dựng văn bản và khởi động với việc ra đời quỹ học nghề. Nhưng vì còn vướng một số quy định của pháp luật nên đến nay việc đưa vào luật quy định cưỡng chế đóng góp cho đào tạo nghề với các doanh nghiệp vẫn ở giai đoạn khởi động” - Ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, chính sách kích cầu của Chính phủ rất tốt nhưng việc thực hiện còn nhiều khía cạnh khác nhau. Ở Việt Nam, do thiếu việc làm nên người lao động phải tìm đến doanh nghiệp để xin, kiếm việc. Những người này thường tự trang bị kiến thức đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, người lao động gần như phải tự bỏ các chi phí cho đào tạo, trong khi doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí đó. Do đó, đến nay, chưa có số liệu cho thấy người lao động được hưởng gì từ gói hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông Vinh, đã xác định kích cầu cho phát triển doanh nghiệp thì cũng cần phải tính cả việc kích cầu cho phát triển nguồn nhân lực, trong đó dành ưu tiên cho đào tạo. Việc kích cầu của Chính phủ vừa qua mới chỉ là đưa tiền cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn nhưng chưa có các quy định cụ thể dùng tiền này ra sao, phải chi, trích tiền vay kích cầu thế nào cho việc đào tạo nâng cao tay nghề người lao động.
“Nếu thực hiện theo cách của Hàn Quốc thì phải có sự cưỡng chế, phải dành một tỉ lệ nhất định trong quỹ tiền lương cho dạy nghề” - Ông Vinh nêu quan điểm.
Không nên đầu tư dàn trải
Tiến sĩ Young Real Choi, Viện Phát triển Nhân lực Hàn Quốc cho rằng, sau nhiều năm phát triển, Việt Nam chưa có thay đổi về cấu trúc, chưa chuyển dịch từ công nghiệp nhẹ tập trung nhiều lao động sang các lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao.
Theo đánh giá, dù có lượng trung tâm đào tạo nghề nhiều gấp 10 lần so với Hàn Quốc nhưng các trung tâm dạy nghề của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện, hơn một nửa số lao động được đào tạo nghề ở mức thấp. Tỉ lệ người lao động tay nghề cao cũng thấp. Lợi thế lao động giá rẻ chủ yếu là lao động phổ thông.
“Có thực tế, ngành nông nghiệp đang là thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam nhưng số lượng kỹ sư nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,2% trong toàn ngành. Số lượng kỹ sư như vậy có đáp ứng được nhu cầu không? Tôi cho rằng, số trường đào tạo ít sẽ giúp tập trung nguồn lực hơn là đầu tư dàn trải cho việc đào tạo nghề như hiện nay” - Tiến sĩ Young Real Choi nhấn mạnh.
Ông Choi cũng cho biết, theo ước tính, với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, tốc độ xuất khẩu đến 2015, thì yêu cầu về số người lao động có việc làm ở Việt Nam sẽ là 51 triệu chứ ko phải 46 triệu như hiện nay.
Việc thành thị hóa nông thôn cũng kéo theo nhu cầu tăng cao về đào tạo nghề. Đây sẽ là những bài toán đòi hỏi các nhà quản lý Việt Nam phải rất quan tâm trong thời gian tới.
(Theo TienphongOnline)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com