
|
Các doanh nghiệp làm hàng thủ công xuất khẩu đang nóng lòng chời gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ |
Khác với chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, sau nửa tháng triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% trong 2 năm, có rất ít thông tin được phía ngân hàng đưa ra…
Trong khi chuẩn bị thông cáo báo chí về chương trình gói kích cầu 2, Minh Anh - nhân viên PR của một ngân hàng cổ phần vẫn tỏ ra rất băn khoăn: “Liệu ngân hàng em có bị lố không vì đến nay các ngân hàng khác vẫn im hơi lặng tiếng”.
DN khấp khởi mừng…Việc Thủ tướng ký Quyết định triển khai gói kích thích kinh tế thứ hai nhằm cung cấp bù 4% lãi suất vốn trung và dài hạn với thời gian tối đa 24 tháng, giúp doanh nghiệp chuyển hướng từ dùng vốn vay để làm vốn lưu động sang đầu tư theo chiều sâu được dư luận đón nhận một cách hồ hởi, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Thực tế là ở chương trình kích cầu thông qua lãi suất đầu tiên, đã có rất nhiều ý kiến kiến nghị kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất, bởi thông thường mỗi chu kỳ kinh doanh kéo dài từ 1-2 năm, trong khi thời gian hỗ trợ chỉ là 8 tháng. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu càng khó khăn hơn khi nhiều hợp đồng cần có thời gian đàm phán, rồi thủ tục xuất khẩu, nên có khi đến lúc xuất được hàng thì cũng hết thời gian hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, giai đoạn khủng hoảng chính là thời gian để các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, máy móc. Vì thế, cần một gói kích cầu mang tính trung hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất lần 2 sẽ hỗ trợ mạnh cho gói kích cầu lần thứ nhất. Doanh nghiệp sẽ được vay vốn thấp trung và dài hạn cho việc đầu tư trang thiết bị, máy móc... khiến sức mua của thị trường tăng, giải quyết đầu ra cho cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Có dự án đã xin vay dài hạn đến trên 1.000 tỷ đồng.
… hơi sớm!Sớm công khai nguồn vốn, cơ cấu giải ngân, tháo gỡ những khúc mắc về cơ chế… của gói kích cầu này là yêu cầu bức thiết
Được mong đợi là thế, nhưng cho đến nay, sau hơn nửa tháng triển khai, gói kích cầu 2 vẫn chưa có thêm thông tin gì ngoài quyết định của Thủ tướng và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Câu hỏi đặt ra đối với nhiều người quan tâm đến chính sách này là khoản tiền dành cho hỗ trợ lãi suất là bao nhiêu. Khi có con số đó mới tính toán được lượng vốn giải ngân tương ứng. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), về nguyên tắc, số tiền hỗ trợ sẽ tăng lên, nhưng con số cụ thể hiện chưa được công bố.
Mới đây, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp trẻ ở tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có hé lộ về nguồn vốn kích cầu tăng thêm. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ quan tâm đặc biệt tới hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ trung hạn và dài hạn. Cuối năm sẽ xem lại gói ngắn hạn để có điều chỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì sự ổn định của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, khoản tiền hỗ trợ này có thể hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đây là nguồn vốn dành riêng cho kích cầu trung hạn, hay là nguồn vốn cho cả hai gói kích cầu 1 và 2?
Một thực tế cần tính đến là, dùng nguồn tiền nào để thực hiện các chương trình kích thích kinh tế này. Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm nay, thu ngân sách đã giảm khoảng trên 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đã vậy, nhiều khả năng sắp tới Chính phủ còn tiếp tục giãn, giảm một số sắc thuế để thực hiện các chương trình kích cầu. Ở gói kích cầu 1, Chính phủ đã chi ra 1 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối. Vì thế, khả năng lấy tiếp tiền từ nguồn này là khó. Tháng 5 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi ngân sách năm nay từ 4,82% lên 8% GDP, nghĩa là ngân sách sẽ chi thêm so với dự toán khoảng 57.000 tỷ đồng nữa. Việc kích cầu thông qua nguồn này sẽ gây ra rủi ro lạm phát và thâm hụt thương mại tăng cao. Cả 2 điều này đều có thể gây những tác hại lớn đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Đề nghị mở đường dây nóngNhiều người cho rằng, có sẵn kinh nghiệm từ việc triển khai hỗ trợ lãi suất lần 1, gói kích cầu trung hạn lần này sẽ trôi trảy hơn. Thế nhưng, thực tế không đơn giản như vậy. Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) phát biểu: “Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước mở một đường dây nóng cho các ngân hàng thương mại để kịp thời giải đáp thắc mắc. Đành rằng có những vấn đề đã được quy định trong văn bản, nhưng cũng còn những vấn đề nhỏ lẻ có thể gây ách tắc”.
Trong gói kích cầu thứ 2, Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước quy định, tất cả các khoản vay trung, dài hạn để thực hiện các dự án đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 1/4/2009 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2009 đến 31/12/2009, thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế được quy định tại Quyết định 477/2004/QĐ-NHNN và Quyết định số 143 TCTK/PPCĐ, miễn là làm tăng giá trị tài sản cố định) thì đều được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, khái niệm “đầu tư mới” khiến một số ngân hàng băn khoăn. Theo Thông tư 05, “mới" ở đây hiểu là mới về thời điểm giải ngân. Nhưng có những trường hợp thực tế mà Thông tư 05 chưa bao quát hết như trường hợp cho vay vốn lưu động với thời hạn trên 12 tháng.
Đặc biệt, còn có nhiều băn khoăn về tiêu chí “phù hợp với thời gian ân hạn” trong Thông tư 05. Ông Huỳnh Quang Tuấn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, tiêu chí này gây nhiều khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, ACB vừa cho vay 1 dự án thủy điện nhỏ, theo tính toán có thể có điện trong 6 tháng đầu năm. Trong thời gian thi công, lại có trục trặc kỹ thuật và thời gian phát điện kéo thêm ra 8 đến 10 tháng, thậm chí chậm cả năm. Bên chủ đầu tư có một vài nguồn vốn khác dự định đầu tư cho dự án khác, song dừng lại để trả cho kỳ hạn bị chậm, do đó không bị điều chỉnh thời gian ân hạn.
Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất lần 1 là nhằm tháo gỡ những khó khăn tức thì của nền kinh tế, còn gói kích cầu lần này là nhằm giúp doanh nghiệp củng cố nền tảng để phát triển ở giai đoạn “hậu” khủng hoảng. Khó có thể cân đong xem gói kích cầu nào quan trọng hơn, nhưng với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “chiều rộng sang chiều sâu” như lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu hồi đầu năm nay, rõ ràng gói kích cầu trung và dài hạn có tầm chiến lược hơn, và cần được quan tâm nhiều hơn.