Tỷ lệ bé trai đang tăng cao so với bé gái (Trẻ em ở Bản Xà Quế, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) . Ảnh: T.Hà |
Chất lượng dân số Việt Nam tuy đạt mục tiêu Chiến lược dân số Việt Nam đề ra nhưng nền tảng dân số còn thấp về cả vật chất, trí tuệ và tinh thần, các tố chất về tầm vóc thể lực còn nhiều hạn chế. Tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch ngày càng lớn và tiếp tục kéo dài.
PGS.TS Đỗ Ngọc Tấn, Vụ trưởng Vụ Dân số - KHHGĐ (Tổng Cục Dân số - KHHGĐ), cho biết tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số, trong đó số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 1,5-3% và xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu. Nếu không có biện pháp trong việc dự phòng và điều trị sớm một số bệnh thì tỷ lệ này có khả năng tăng cao tới 8%.
Theo điều tra của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, nhiều thanh niên, vị thành niên còn thiếu hiểu biết về hôn nhân, sức khỏe sinh sản, trong khi tình trạng tảo hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng.
Việc sử dụng chất gây nghiện, lối sống ích kỷ, buông thả và các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng; môi trường sống và áp lực của cuộc sống dẫn tới tình trạng hạn chế về sức khoẻ thể chất trong một bộ phận thanh niên, vị thành niên.
Ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn xảy ra thường xuyên, nam thậm chí có thể kết hôn ngay từ 12 - 13 tuổi, nữ kết hôn từ lúc 15 - 16 tuổi.
20 năm nữa, 3 triệu nam giới Việt Nam khó lấy vợ
TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số – KHHGĐ cho biết, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng nhanh. Từ 107 bé trai/100 bé gái năm 1999, đến năm 2009, tỷ số này đã tăng lên 111 bé trai/100 bé gái. Trong đó, có 33 tỉnh, thành phố thuộc 5/6 vùng kinh tế xã hội có tỷ số bằng hoặc cao hơn mức bình quân cả nước; Đặc biệt, có 9 tỉnh đã tăng rất cao, tới 115-130.
PGS.TS Đỗ Ngọc Tấn dự báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay sẽ còn kéo dài khoảng 10 năm nữa.
Đáng báo động hơn khi tỷ lệ gia tăng giới tính khi sinh ở 6 vùng địa lý trên toàn quốc có tới 5 vùng tỷ số giới tính chênh lệch quá cao. Theo đó, lượng bé trai khi sinh đã vượt số lượng bé gái từ 20%-25% chỉ sau vòng 10 năm.
Nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính bắt nguồn từ tâm lý ưa thích con trai từ các quy tắc của chế độ phụ hệ và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, muốn có con trai để nối dõi tông đường của người Việt Nam.
Ngoài ra, áp lực có ít con nhưng phải có con trai dẫn đến lựa chọn giới tính khi sinh cộng hưởng tiến bộ công nghệ y học và khoa học có thể lựa chọn giới tính và việc kiểm soát nạo phá thai. Đến nay trên cả nước mới chỉ có hai cơ sở y tế tại tỉnh Hải Dương bị đình chỉ hoạt động khi tiết lộ giới tính thai nhi với sản phụ.
TS Trọng nhận định, nếu mức chênh lệch giới tính hiện tại không thay đổi, sẽ có tác động nặng nề tới thế hệ nam thanh niên được sinh sau năm 2005. Đến năm 2025, số nam giới trưởng thành có thể nhiều hơn số phụ nữ cùng thế hệ ít nhất là 10%. Sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam khó lấy vợ sau 20 năm nữa.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com