Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa được công bố mới đây đã gây “ngỡ ngàng” cho nhiều người khi bất ngờ lập đỉnh mới, tăng 3,32%, lập kỷ lục trong khoảng ba năm trở lại đây. So với tháng 4 các năm kể từ 1995, CPI tháng này là quán quân, cao hơn tới 1,12 điểm phần trăm so với tháng về nhì (tháng 4/2008). Từ tốc độ tăng giá tiêu dùng này, nhiều người lo ngại tốc độ tăng CPI trong tháng 5 vẫn tiếp tục cao.
Song mới đây, Tổ điều hành thị trường (Bộ Công thương) lại đưa ra dự báo, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 chỉ ở mức 1,8 – 2%, thấp hơn nhiều so với tháng 4. Tuy nhiên, dự đoán này bị rất nhiều chuyên gia bác lại.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cấp cao, Tổ điều hành thị trường đưa ra dự báo này e là hơi vội và không khả quan. Bà Lan cho rằng, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 sẽ cao hơn mức dự đoán trên, bởi các yếu tố khiến giá cả hàng hóa tăng vẫn còn đó, thậm chí sang tháng 5 mới xuất hiện. Chẳng hạn, lương cơ bản chính thức được nâng lên từ tháng 5, còn giá điện mới đây được duyệt theo phương án điều chỉnh theo cơ chế thị trường, với chu kỳ thay đổi giá là tối thiểu 3 tháng. Như vậy, rất có thể giá điện sẽ tăng vào cuối tháng 5, khi ngành điện liên tục than lỗ như hiện nay. Còn giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn đang trong tình trạng căng thẳng, có thể tăng bất cứ lúc nào, khi đó giá xăng trong nước khó mà giữ được mức cũ.
Nhiều yếu tố vẫn đang "đe dọa" giá cả trong tháng 5. |
“Theo tôi, mức tăng lạm phát trong tháng 5 có thể không cao như tháng 4 song tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cũng không nhanh chóng xuống thấp như dự báo của Bộ Công thương, kể cả sang các tháng sau đó. Thông thường, giá cả tăng mạnh hơn sau khi giá các nguyên liệu đầu vào chính thức được điều chỉnh tăng. Nhưng năm nay, CPI tháng 4 lên quá cao nên chắc chắn Chính phủ sẽ phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để kiềm giá. Do đó, tôi hy vọng mức tăng lạm phát trong tháng 5 sẽ thấp hơn so với tháng trước đó”, bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, với tốc độ tăng CPI 4 tháng đầu năm như vừa qua, nếu Chính phủ thực hiện nghiêm túc hơn nữa việc kiềm chế lạm phát với quyết tâm cao, thì lạm phát tính theo năm trong cả năm 2011 sẽ ở mức 13 – 14%. "Lạm phát khó mà giảm nhiệt trong tháng 5 này như công bố của Tổ điều hành thị trường. Muốn kiềm chế lạm phát triệt để thì phải mất trên dưới 2 quý, nên chỉ còn hy vọng vào đà giảm của CPI ở các tháng cuối năm nay", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, thực ra, không nên so sánh CPI của tháng này với tháng trước đó, mà cần so sánh với cùng kỳ năm ngoái để có cái nhìn chính xác về đà tăng của giá cả. CPI tháng 4 năm nay tăng 3,32%, so với tháng 4/2010, CPI tháng này tăng 17,51%, trôi khỏi mốc dự báo đỉnh lạm phát 16% trong năm nay của Ngân hàng Phát triển châu Á được công bố mới đây. Còn so với tháng 12/2010, CPI tháng 4 đã tăng 9,64%, vượt xa mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm nay. CPI bình quân bốn tháng đầu năm cũng đã tăng 13,95% so với cùng kỳ 2010. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng này đều đã vượt lên trên các mốc dự báo trước đó của Chính phủ.
Tiến sĩ Thành cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát thời điểm này thì Chính phủ cần chú trọng vào việc thắt chặt chi tiêu và đầu tư công hơn nữa. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy công bố nào về kết quả rà soát đầu tư công. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mới nhận được báo cáo của 34 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tập đoàn, tổng công ty và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề này. Nếu thực hiện quyết liệt hơn thì cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ này đã phải có báo cáo rà soát đầu tư trình Thủ tướng. “Cho đến lúc này, hiệu quả kiếm soát lạm phát có lẽ quan trọng ở quyết tâm thực thi cắt giảm đầu tư công của cấp dưới và các bộ, ngành, địa phương. Nhưng việc này cũng rất khó kiểm soát, bởi chỉ cần những động thái đẩy mạnh các nguồn thu không phải điều tiết về ngân sách, nhiều địa phương sẽ không phải dừng dự án nào”, ông Thành nói.
Nhìn từ thực tế thị trường mấy tháng nay, giá cả tăng liên tục tạo khác biệt hoàn toàn với quy luật giảm sau Tết nguyên đán của những năm trước đây, kể cả những năm kinh tế đột biến mạnh như 2008 và 2010. Một điều đáng chú ý nữa là mức tăng càng về sau lại lớn hơn trước đó, đặc biệt năm nay sang đến quý II, giá cả vẫn tăng cao hơn đỉnh của quý I. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định, việc các nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu… được áp dụng cơ chế điều chỉnh giá bán theo thị trường cũng là nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất tăng lên, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. "Thậm chí, tôi còn thấy một số doanh nghiệp có khuynh hướng thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, đồng thời vẫn tăng giá bán”.
Bên cạnh đó, việc các nguyên nhiên liệu đầu vào hay các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng giá thời gian qua cũng tác động tới giá cả hàng hóa trong nước. Đồng thời, giá thế giới đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm tăng cũng tạo sức ép khiến giá các mặt hàng này trong nước đội giá.
Cũng theo ông Dương, cứ liên quan đến giá tăng giảm là có yếu tố tâm lý trong đó. Có những mặt hàng đáng ra mức tăng không cao như vậy, song vẫn “té nước theo mưa”, nhân cơ hội để đua tăng. Kiểm soát và quản lý được việc này mới là một điều cực kỳ khó.
-----------------------------------------
Thu Hạ //Theo Báo Đất Việt
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com