Theo các chuyên gia, thương hiệu cũng như các doanh nghiệp trong nước muốn có thương hiệu tốt, phải có chiến lược dài hơi, mà sự khác biệt cần rõ nét.
Trong điều kiện của Việt Nam, nông nghiệp cần được đặt ở vị trí chủ đạo của mũi nhọn kinh tế.
Trung tâm nông sản thế giới?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng, nền kinh tế nước ta cần tư duy lại về chiến lược phát triển. Tại sao một đất nước mà gần 80% dân số sống bằng nông nghiệp mà nền kinh tế lại đeo đuổi những mục đích xa vời, chẳng khác nào việc bỏ “sở trường” lấy “sở đoản”. Nhìn lại hàng loạt những cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới từ trước đến nay thì nông nghiệp luôn là lĩnh vực cứu cánh. Vậy một đất nước có thế mạnh nông nghiệp tại sao không nghĩ đến xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản? Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể trở thành quốc gia tiên phong về nền kinh tế xanh, một nhà lãnh đạo trong công cuộc giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực. Việc biến Việt Nam thành một trung tâm nông sản toàn cầu không hề viển vông mà hoàn toàn có cơ sở.
Còn theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, đến nay chiến lược thương hiệu quốc gia còn rối. Việt Nam chưa đưa ra được một luận điểm nghiêm túc rằng mình ở đâu trong chuỗi giá trị thế giới, hàng hóa chưa tìm thấy vị thế của mình. Những năm gần đây, Việt Nam cổ xúy phát triển công nghiệp xe hơi, phát triển công nghệ phần mềm, trong khi chính nông nghiệp mới đóng vai trò chủ đạo cho tăng trưởng GDP của quốc gia. Thế nhưng, nông nghiệp vẫn bị coi như “con rơi”. “Chúng ta nói nhiều đến công cuộc “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” nhưng đó là cái nhìn hướng nội, tức nhìn vào cá nhân. Cái nhìn đó không phù hợp để làm dấu hiệu nhận diện, khi chúng ta tham gia vào “sân chơi” thế giới”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đòn bẩy cho nhạc trưởng
Chuyên gia Đoàn Đình Hoàng lập luận, giải pháp cho “ấn tượng kinh tế Việt Nam” không gì khác là ưu tiên phát triển nông nghiệp. Một nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới tại sao không đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp… Việt Nam cũng có lợi thế đặc biệt về biển. Các ngành nghề kinh tế biển khác như cơ khí, dịch vụ hậu cần, khai thác dầu khí, khoáng sản, du lịch biển cần thoát khỏi tình trạng tự phát, manh mún như hiện nay.
Để làm được điều này, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra 5 giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ cần tái định vị vai trò chủ đạo củanông nghiệp, nông sản trong chiến lược phát triển đất nước, từ đó có chiến lược đầu tư dài hơi. Thứ hai, xác lập tầm nhìn toàn cầu về vị thế xứng đáng của Việt Nam nhờ lợi thế an ninh lương thực. Tối ưu hóa chuỗi giá trị gia tăng ngành nông sản Việt Nam. Thứ ba, tham gia tích cực vào hệ thống quản trị nông sản với hệ thống tài chính quốc tế. Và cuối cùng là tạo dựng được mô hình mẫu cho ngành nông sản.
Cũng theo ông Vũ, ngành hàng cà phê đang tiên phong, hướng đến mô hình “nhà lãnh đạo cà phê thế giới”, với mục tiêu biến giá trị từ hai tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD sau 15 năm nữa, để cà phê trở thành thương hiệu quốc gia với những mô hình như nghỉ dưỡng cà phê, du lịch cà phê… Tuy nhiên, rất cần hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần đẩy mạnh ký kết các hiệp định song phương, đa biên về nông sản, để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, tăng lượng hàng xuất khẩu trực tiếp, xây dựng các rào cản kỹ thuật bảo vệ quyền lợi cho hàng Việt Nam.
Phía doanh nghiệp phải tổ chức được chuỗi giá trị, có thông tin thị trường, đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do nông nghiệp là ngành đầu tư dài hơi và rủi ro cao về giá, thiên tai dịch bệnh, doanh nghiệp cần nhắm tới hướng đầu tư dài hạn hơn là chỉ nhắm vào lợi ích ngắn hạn, tranh nhau ăn chênh lệch giá như hiện nay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần liên kết với các đối tác nước ngoài, để tận dụng các thế mạnh mà doanh nghiệp trong nước không có.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com