Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba bài toán kinh tế 2011: Biện pháp và điều kiện

Có ba bài toán lớn đặt ra cho lộ trình chính sách của Chính phủ năm nay, đó là sự ổn định của tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong 3-6 tháng; giảm bội chi ngân sách qua cắt giảm đầu tư công và làm thế nào để phá vỡ dần tình trạng đóng băng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Từ đầu năm, các tuyên bố chính sách của Chính phủ, những nghiên cứu của giới học thuật và tiếp liền là sự quảng bá rộng rãi của giới truyền thông với nhiều đề xuất, và mới đây nhất Nghị quyết 11 đã và đang tạo một không khí tranh luận sôi nổi về kinh tế tài chính cho năm 2011.

Để trình bày một cách đơn giản các ý kiến trong bài viết này, chúng tôi tóm tắt là có ba bài toán lớn đang đặt ra cho lộ trình chính sách của Chính phủ năm nay:

- Bài toán ổn định tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong 3-6 tháng.

- Bài toán khác cùng song hành là giảm bội chi ngân sách qua cắt giảm đầu tư công - thành tố chính để giúp ổn định vĩ mô, góp phần giải bài toán ngắn hạn nêu trên. Song, về lâu dài hơn, nhằm cả vào việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế thiếu hiệu quả nghiêm trọng (biểu hiện bởi chỉ số ICOR quá cao) và thay bằng đầu tư khu vực tư nhân được chứng nhận là hiệu quả hơn nhiều.

- Bài toán tiếp theo như hậu quả thuận lợi của việc giải hai bài toán trên là giúp phá vỡ dần tình trạng đóng băng của hai thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản (BĐS), đang bị chính thức (tuy tạm thời) gọi là hai khu vực "phi sản xuất" trong phân bổ tín dụng, nhưng đích thực lại là hai kênh huy động vốn dài hạn và hiệu quả trong hoàn cảnh kinh tế.


Câu hỏi "nóng" đặt ra là lãi suất nội ngoại tệ sẽ ra sao trong quý II và cả năm 2011?

Kỳ vọng từ tăng dự trữ bắt buộc

Phần này đã được trình bày khá chi tiết trong bài  Gỡ dần bài toán tỷ giá, lãi suất và lạm phát hồi cuối tháng 3. Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong khuôn khổ Nghị quyết 11 đã tìm cách ổn định tỷ giá qua 2 gói biện pháp chính:

- Ổn định thị trường vàng và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế bằng cả biện pháp chuyên môn và hành chính (tuy vẫn tạo nghi hoặc về khả năng bền vững và hiệu quả của những biện pháp này), từ đó giảm nhu cầu gom góp USD để nhập vàng lậu.

- Giảm kỳ vọng lạm phát qua tuyên bố thắt chặt cung tiền và tín dụng, đồng thời ban hành những biện pháp cụ thể liên tiếp từ mấy tuần qua (giới hạn định lượng cho cung tiền M2 và dư nợ tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng lẫn từng ngân hàng; tăng các lãi suất can thiệp chính của NHNN 2 lần lên 12% rồi mới đây 13%, nâng điều kiện khó khăn hơn để giảm đối tượng vay ngoại tệ là nguồn vẫn khiến tín dụng tăng mạnh trong quý I năm nay,..v..v... ), từ đó hy vọng giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất.

Tiếp nữa, ngày 9/4 vừa qua, NHNN lại ban hành thêm một số biện pháp lôgic bài bản (hiếm thấy từ khá lâu) là tăng mức dự trữ bắt buộc trên tiền gửi USD ngắn và dài hạn và giảm lãi suất huy động USD xuống 3%. Việc điều chỉnh này nhằm vào hai mục tiêu chính sách ổn định tiền tệ ngắn hạn:

- Tăng sự hấp dẫn và giá trị của VND để ổn định tỷ giá, sau đó dẫn đến áp lực thị trường tiền tệ làm giảm cả lãi suất VND (do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tăng cao và ổn định tỷ giá, cư dân và các tổ chức doanh thương hay tài chính sẽ chuyển dần sang các trương mục nội tệ).

- Nỗ lực giảm đôla hóa trong lâu dài, kèm theo việc áp dụng nghị định về quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn.

Cần nói rõ thêm là điều kiện để các biện pháp trên thành công, tức là muốn giảm mặt bằng lãi suất nói chung, cần làm tăng giá trị đồng Việt Nam bằng chính sách giảm lạm phát và ổn định tỷ giá, và vấn đề là sự quyết tâm bằng hành động, cương quyết giữa nói và làm (như sẽ đề cập dưới đây về chính sách tài khóa).

Ngày 8/4, NHNN cũng tăng tỷ giá liên ngân hàng lên mức cao nhất là 20.723 VND/USD, do đó ngân hàng thương mại có thể áp dụng tỷ giá là 20.930 với biên độ cho phép hiện hành là 1%, gần với tỷ giá trên thị trường tự do hơn.

Đây cũng là dịp hiếm hoi để chấm dứt hai tỷ giá. Do chênh lệch giữa tỷ giá chính thức áp dụng tại các ngân hàng hiện nay là 20.900 VND/USD và tỷ giá tự do là 21.100-21.200 cho các giao dịch nhỏ và 21.400-21.500 cho các giao dịch lớn, NHNN có thể cho phép các ngân hàng  áp dụng trở lại biên độ cũ là 3% trên tỷ giá liên ngân hàng.

Áp dụng biên độ 3% sẽ cho tỷ giá giao dịch lên tới 21.344, như vậy, sẽ đem hai tỷ giá làm một và chấm dứt tình trạng thị trường chợ đen. Cư dân và các tổ chức doanh nghiệp sẽ đem đổi ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại nhiều hơn và trong vài tháng có thể đem tỷ giá trở lại mức 21.000 do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Từ đó, giúp các ngân hàng thương mại thật sự chuyển hoạt động từ huy động - cho vay USD sang mua - bán USD. Và xa hơn nữa, lúc NHNN đã chuẩn bị xong kế hoạch quản lý thị trường vàng, các ngân hàng thương mại cũng có thể tham dự vào các hoạt động mua - bán vàng miếng.

Về lãi suất, câu hỏi "nóng" đặt ra là lãi suất nội ngoại tệ sẽ ra sao trong quý II và cả năm 2011?

Câu trả lời dự báo sẽ không đơn giản và nhiều rủi ro, bởi chính sách thắt chặt cung tiền tệ còn tiếp tục diễn ra ít nhất trong quý II. Hơn nữa, một phần lớn dân cư đã chuyển hầu hết tiền "nhàn rỗi" (hay đúng hơn là dòng tiền thông minh) từ VND sang vàng và USD nên lãi suất VND sẽ tiếp tục cao trong quý II do thiếu thanh khoản (lãi suất huy động thực vẫn là 17-18%, vượt xa trần lãi suất và lãi suất cho vay 20-23%).

Tuy nhiên, nhờ các biện pháp mới của NHNN để giảm sự hấp dẫn của cho vay và huy động ngoại tệ, có thể hy vọng lãi suất VND bắt đầu giảm xuống từ quý III, nhất là khi cơ quan này tiếp tục ban hành thêm một vài biện pháp mới như  (i) giảm trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại từ 30% xuống còn 20%; và (ii) biện pháp hành chính giảm tỷ lệ cho vay bằng USD.

Một lý do chính khiến NHNN đã do dự khá lâu trong việc giảm lãi suất USD  là vì không muốn giảm mạnh lượng kiều hối 8 tỷ USD/năm. Nhưng do đã phân tích kỹ nguồn kiều hối này, không phải hoàn toàn do lượng tiền làm ăn gửi về giúp thân nhân mà phần quan trọng là dòng tiền nóng đầu cơ hưởng lãi suất USD cao ở Việt Nam, có thể ra khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào. Việc giảm bớt lãi suất USD xuống 1-2% trong tương lai có thể làm nguồn tiền nóng này rời Việt Nam.

Cùng với việc cư dân trong nước chuyển dần tiền nhàn rỗi từ USD về trở lại VND do hiệu quả chính sách trên, NHNN cũng nên trù liệu dần các biện pháp trung hòa khối tiền VND phải phát hành để mua USD trong khung cảnh thắt chặt tiền tệ. Tóm lại, từ quý III, các lãi suất nội và ngoại tệ có thể xuống nếu Chính phủ thành công trong việc giảm lạm phát từ quý III do mức cung tiền đã giảm từ tháng 1/2011.

ngoai te usd
Một lý do chính khiến NHNN đã do dự khá lâu trong việc giảm lãi suất USD  là vì không muốn giảm mạnh lượng kiều hối 8 tỷ USD/năm (ảnh NLD).

Hóc búa giảm bội chi ngân sách và đầu tư công

Đây là bài toán phức tạp nhất vì câu hỏi lớn nhất của thị trường tài chính cũng như giới nghiên cứu, quan sát chính sách là: liệu Chính phủ có chuyển hướng chính sách ngay sang nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng khi lạm phát bắt đầu giảm hay sẽ kiên trì thắt chặt tiền tệ, tài khóa?

Dự đoán thành thực của người viết cũng là rất khó do áp lực chính trị lên Chính phủ và Quốc hội mới từ tháng 5-6, nếu có suy yếu về sản xuất do thắt chặt tín dụng trong những tháng đầu năm. Nhất là đã hơn một tháng sau Nghị quyết 11 ban hành ngày 24/2, phản ánh của TTCK vẫn là sự do dự khi chưa thấy có hành động cụ thể hay tuyên bố định lượng rõ ràng từ chính sách tài khóa.

Tuyên bố sơ khởi là cắt đầu tư công khoảng 3.400 tỷ VND không thật sự thuyết phục vì quá nhỏ nhoi so với mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP cho năm nay. Ngoài ra và quan trọng nhất, nếu qua các lời tuyên bố mới đây của Ủy ban Ngân sách QH chưa thấy nhu cầu cần duyệt lại các nguồn thu chi của ngân sách 2011, thì rõ ràng việc điều chỉnh chính sách tài khóa và chi tiêu công chưa đi vào cụ thể mặc dù chúng ta đã đi dần vào giữa tháng 4.

Bài toán TTCK đóng băng và bong bóng BĐS

Để giải đoán bài toán này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ phải nghĩ về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và câu hỏi tất yếu là các bất cân đối vĩ mô hiện nay có thể khắc phục tận gốc được không?

Dự đoán lạc quan là các mất cân đối sẽ được chữa dần trong ngắn hạn (6 tháng) qua ổn định tương đối của giảm lạm phát từ quý III và ổn định của tỷ giá như nêu trên, nhưng muốn khắc phục hoàn toàn các bất cân đối vĩ mô sẽ cần các biện pháp khắc phục trong 3 năm kể từ 2011, tức là tới năm 2014.

Nếu NHNN thật sự giảm được lãi suất USD như dự báo trên đây để làm giảm bớt tình trạng đôla hóa nền kinh tế, dòng vốn nóng qua kiều hối sẽ giảm bớt, nhưng dòng vốn nóng vào TTCK sẽ tăng do sự phục hồi của TTCK với VN-Index có thể lên trên 500.

Còn bong bóng BĐS sẽ ra sao? Liệu có tiếp tục căng lên và vỡ ?

Thị trường BĐS Việt Nam phức tạp và còn tùy thuộc hình thức đất hay nhà cùng yếu tố quan trọng nhất là địa điểm từng vùng. Tuy nhiên, một phân khúc của bong bóng BĐS đang "xì hơi" qua giá các căn hộ cao cấp xuống 20-30% trong năm nay 2011 và được dự báo sẽ còn giảm độ 10-20% nữa trong năm 2012, nhưng khó nổ tung do các tài sản BĐS qua cư dân ở Việt Nam phần lớn được trả bằng tiền mặt chứ không phải do tín dụng ngân hàng như nhiều nước khác.

Tuy nhiên sẽ có khó khăn thanh khoản lớn cho các ngân hàng thương mại với số nợ 350.000 tỷ VND qua tín dụng thương mại. Nợ xấu sẽ tăng nhiều. Nếu chính sách thắt chặt được NHNN tiếp tục áp dụng, không loại trừ khó khăn phá sản phải sáp nhập cho vài ngân hàng nhỏ.

Hai kịch bản và sự kiên trì trong chính sách

Các bài toán trên đây khó có lời giải chắc chằn, kết quả mong đợi sẽ tùy thuộc vào sự kiên trì của chính sách CP trong ba năm tới để tái lập các cân đối vĩ mô đã mất trong những năm 2007-2010. Tóm lại, có lẽ sẽ chỉ có 2 hai kịch bản kinh tế vĩ mô như sau:

Kịch bản lạc quan trung hạn: Chính phủ thành công với Nghị quyết 11 được áp dụng cương quyết với các biện pháp tiếp theo thích ứng; hay Kịch bản bi quan: diễn tiến tiếp tục khó khăn trong hai quý II và III, do thiếu sự đồng bộ của chính sách như chính sách tài khóa không hỗ trợ chính sách tiền tệ, hay chính sách tiền tệ được nới lỏng giữa đường vào quý III gây ra tình hình kinh tế tài chính chung khó khăn gấp bội từ quý III năm nay đến giữa năm 2012.
--------------------------
Tác giả: TS. PHẠM ĐỖ CHÍ
Nguồn: VEF

  • 'Ấn tượng kinh tế VN là nông nghiệp'
  • FDI cả nước 4 tháng giảm gần 50% cùng kỳ
  • 10 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh!
  • Đổ bể dự báo CPI tháng 4: Tiếp tục thắt chặt tiền tệ?
  • Cảnh báo 'tiêu cực kinh tế VN' của Moody’s không đáng lo?
  • Nghịch lý lạm phát tháng 4
  • Dấu hiệu tích cực đằng sau CPI
  • Giảm chi phí để tự cứu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi