Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển sang tình trạng thừa điện…

Chỉ với một điều kiện duy nhất là giá bán điện hợp lý cho quá trình vận hành các nhà máy là đã có thể dễ dàng huy động nguồn vốn khổng lồ để xây dựng các nhà máy điện mới từ dân cư, từ các thành phần kinh tế trong nước và từ đầu tư nước ngoài.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã nhận định như vậy khi kiến nghị các giải pháp cơ bản giúp nhanh chóng cải thiện việc tăng nguồn cung điện phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa nước nhà.

Theo giải pháp mà VAFI kiến nghị, Nhà nước hay thậm chí là EVN, không cần phải bỏ vốn để đầu tư xây dựng các loại hình nhà máy điện, cũng như không cần bao cấp giá bán điện. Theo đó, Bộ Công Thương và EVN cần có chiến lược mới trong việc cung ứng nguồn điện là phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, chuyển từ tình trạng thiếu điện sang thừa điện một cách hợp lý để gia tăng việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan chức năng không nên có quan điểm hạn chế việc thu hút những dự án FDI tiêu tốn nhiều năng lượng, chẳng hạn như các dự án sản xuất thép với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Cần nhanh chóng xây dựng giá bán điện theo cơ chế giá hợp lý thì không có gì phải lo thiếu điện.

VAFI cũng kiến nghị thực hiện các biện pháp cơ bản và biện pháp kỹ thuật để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn.

Theo nghiên cứu của VAFI: Nếu xét về “độ mở ” của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước trên thế giới thì nước ta rất hẹp. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết và trong ngành ngân hàng; Cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài thành lập các quỹ đầu tư theo pháp luật trong nước nhưng huy động vốn trên thị trường quốc tế và coi các quỹ này là nhà đầu tư trong nước.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần nghiên cứu một công cụ huy động vốn mà nhiều nước áp dụng rất hiệu quả để tăng cường thu hút dòng vốn FII, ví dụ như cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết. Thông lệ thế giới đã chỉ ra rằng, có nhiều loại hình quỹ đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư nước ngoài không cần sở hữu cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, họ cũng không có nhu cầu đi dự đại hội cổ đông.

VAFI cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có qui mô vốn lớn của Nhà nước:

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm như hiện nay, việc bán cổ phần một cách rộng rãi cho công chúng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, bán cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp qui mô vốn lớn, kinh doanh hiệu quả cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (với giá quốc tế), cao hơn nhiều giá bán cho nhà đầu tư trong nước lại không gặp mấy khó khăn. Thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp lớn như: Mobifone, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk…đều có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi mua với giá cao.

Do đó, VAFI gợi ý, bên cạnh việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn, Nhà nước cũng nên có chủ trương bán bớt cổ phần Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn cho các nhà đầu tư chiến lược để tạo điều kiện cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Nếu Nhà nước thực hiện nhanh giải pháp trên thì chỉ trong vòng 7 năm nữa, Việt Nam có thể dễ dàng thu hút được khoảng 15 tỷ USD.

VAFI cũng kiến nghị,  đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong mấy năm gần đây dòng vốn FDI vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy làm hàng xuất khẩu đang gia tăng và có nhiều tiềm năng lớn, theo kinh nghiệm nhiều nước thì dòng vốn FDI này góp phần đáng kể đưa đất nước ta trở thành quốc gia xuất siêu. Nếu các bộ ngành, địa phương tăng cường cải thiện hoạt động thu hút FDI thì hàng năm sẽ duy trì đều đặn trên 10 tỷ USD vốn FDI được giải ngân.

Ngoài ra cũng cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa để giảm thiểu đáng kể tình trạng nhập siêu, giảm nhập những hàng tiêu dùng xa xỉ, giảm nhập khẩu những mặt hàng trong danh mục không khuyến khích.

Ngoài thuế, Bộ Tài chính cần bổ sung thêm các loại phí cao để ngăn chặn theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn nghiên cứu ban hành loại phí mua xe mới (theo giá trị của xe ô tô); dùng công cụ phí với mức từ (100% - 300%) giá trị xe có thể giảm 50% - 60% kim ngạch nhập khẩu xe ô tô. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc ban hành giấy phép mua ngoại tệ hoặc hình thức tương tự (căn cứ theo Luật Ngân hàng). Ví dụ như: Doanh nghiệp nhập khẩu muốn nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng không thuộc danh mục khuyến khích nhập khẩu cần phải xin giấy phép tại ngân hàng nhà nước; hoặc hàng tháng Ngân hàng nhà nước xét duyệt kế hoạch bán ngoại tệ cho việc nhập khẩu những mặt hàng nhạy cảm từ hệ thống các ngân hàng thương mại.

“Nếu tích cực vận dụng các biện pháp hành chính, hoặc các rào cản hợp pháp thì hàng năm có thể giảm nhập siêu với những nhóm hàng trên ở mức từ 3 - 5 tỷ USD. Còn nếu thực hiện gần như tất cả các giải pháp trên, cộng với chính sách tài khóa hợp lý, chính sách tỷ giá và lãi suất thông minh, VAFI tin rằng, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất siêu”.

Theo VAFI  chính phủ cần nhanh chóng xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng tự do nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tăng giá trị VND, đồng thời là tiền đề để tăng dự trữ ngoại hối.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp chỉ dẫn chính sách là không để tồn tại thị trường kinh doanh vàng miếng tự do, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước sẽ thu mua vàng khi người dân cần bán theo giá quốc tế thông qua hệ thống các công ty kinh doanh vàng được cấp phép. Theo VAFI, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành chính sách quản lý vàng miếng theo chỉ dẫn chính sách như trên, kèm theo một số ý kiến đề xuất như: chỉ cho một số tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng…

Nếu thực hiện nhanh chính sách này, trong vòng khoảng 7 năm nữa, Nhà nước có thể tạo ra một nguồn cung ngoại tệ khoảng 15 tỷ USD, đồng thời giải phóng được một nguồn vốn “chết “ khổng lồ để hướng luồng vốn tích trữ này đi vào sản xuất kinh doanh.

(Tamnhin)

  • Ba bài toán kinh tế 2011: Biện pháp và điều kiện
  • 'Ấn tượng kinh tế VN là nông nghiệp'
  • FDI cả nước 4 tháng giảm gần 50% cùng kỳ
  • 10 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh!
  • Đổ bể dự báo CPI tháng 4: Tiếp tục thắt chặt tiền tệ?
  • Cảnh báo 'tiêu cực kinh tế VN' của Moody’s không đáng lo?
  • Nghịch lý lạm phát tháng 4
  • Dấu hiệu tích cực đằng sau CPI
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi