Trước những thách thức lớn chưa từng có kể từ sau thời kỳ đổi mới, nhiều DN có nguy cơ phá sản. Song bằng nỗ lực vượt bậc cùng với sự trợ giúp của Chính phủ, các DN cố gắng thích ứng và quyết tâm vượt "bão".
Các chuyên gia nhận định, năm 2008 là năm đầy thử thách với nền kinh tế Việt Nam. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ gây ra suy thoái tài chính toàn cầu và đã ảnh hưởng đến tất cả các nước. Việt Nam cũng không miễn nhiễm với cơn "bão" ấy và trải qua thời kỳ bất ổn: giá xăng dầu, các mặt hàng lương thực, thực phẩm leo thang khiến lạm phát tăng cao, thâm hụt thương mại gia tăng.
Cuộc thanh lọc cần thiết
Trước thực trạng nền kinh tế như hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, giai đoạn đầu năm 2009, có một số DNNVV sẽ kiệt sức.
Song việc một số DN nhất định sẽ phá sản cũng là một sự sàng lọc, tuy đau đớn nhưng cần thiết. Nhà kinh tế học Hoa Kỳ gốc Áo Alois Schumpeter có đưa ra khái niệm “Sự tàn phá sáng tạo”, tức là khi phá sản thì nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đó, chỉ có người chủ kém năng lực thì phải thay đổi. Sẽ có một người chủ mới đến tiếp nhận DN đó, tái cơ cấu đầu tư hiện đại hoá hơn và xã hội được hưởng ở một DN có năng lực cao hơn, có năng lực cạnh tranh và đóng góp với xã hội nhiều hơn. "Theo tôi đấy cũng là bước đi cần thiết trong thời gian sắp tới. Song, quá trình này diễn ra lâu hay mau và ở mức độ như thế nào thì tùy thuộc rất nhiều nỗ lực của phía các cơ quan nhà nước và nỗ lực của các DN. Nhưng theo tôi điều này chắc chắn khó tránh khỏi ở một mức độ nhất định. Hiện nay số DN đang gặp khó khăn cũng không phải ít và họ đang cố gắng cầm cự để vượt lên được trong khoảng thời gian ngắn hạn và trung hạn sắp tới"- ông Doanh nói.
Con đường cải cách
Vẫn theo TS. Lê Đăng Doanh, một cơ thể mạnh mẽ có thể vượt được những cơn sốc. Do vậy chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật. Cái quan trọng là giải pháp của chúng ta như thế nào. "Hiện nay điều đầu tiên cần làm là ổn định tình hình, cứu giúp DN, người nghèo... Phải có giải pháp tình thế trong năm 2009. Đối phó với cơn bão kinh tế, chúng ta phải cải cách. Chỉ có cải cách mới phát huy được tình hình hiện nay. Cụ thể là phải cải cách luật và thủ tục hành chính" - ông Doanh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các DN cần phải có một chiến lược tích cực hơn, phải thích ứng với "bão", nếu dừng lại để chờ sẽ có nhiều nguy hiểm. PGS TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam minh chứng: "Về tham nhũng: Phát triển thị trường mạnh đến đâu thì tham nhũng sẽ lùi đến đấy. Về vốn: Trong nước không thiếu, mà ngoài nước càng thừa. Hiện nay chúng ta có khoảng 600 tấn vàng được mua và trữ trong vài năm gần đây. Người Việt Nam tích trữ vàng như vậy bởi không có nơi nào đầu tư có lợi, nên nhiều DN kinh doanh trái phiếu chính phủ. Vấn đề là cần phải tìm hướng đầu tư có lợi. Trên thế giới quá nhiều vốn, vì thế phải hạ lãi suất cho vay. Chúng ta nên lợi dụng nguồn vốn này. Các ngân hàng hiện nay rất khó cho vay. Về thể chế: đây là vấn đề rất quan trọng. Thể chế là vốn, là nguồn lực, là vấn đề quyết định cho những nước có thể chế kém. Tuy nhiên thể chế hết sức phức tạp, tùy thuộc vào tư duy kinh tế của người cầm quyền. Xin đề nghị với Bộ Tư pháp: Cân nhắc chỗ nào có thể thể chế, chỗ nào có thể chậm thể chế để kinh tế phát triển được. Hệ thống thể chế hiện nay có nhiều điều cổ hủ mà chúng ta chưa sửa đổi. Nhưng sửa đổi thể chế không chỉ bằng tiền mà phải bằng tư duy".
DN chung sức cùng Chính phủ
Tháng 12/2008 tại cuộc làm việc với lãnh đạo 104 tập đoàn, TCty nhà nước để quán triệt, triển khai gói giải pháp kiềm chế giảm phát, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo, năm 2009, tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn. Vì vậy khối DN nhà nước phải chung sức cùng Chính phủ thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách. Trong đó, về mặt vĩ mô Chính phủ tập trung làm ba việc: nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả, cụ thể là hạ lãi suất, đồng thời hỗ trợ 1 tỷ USD nhằm kích cầu đầu tư cho năm 2009 cùng các giải pháp đồng bộ khác về cơ chế, về chính sách giảm thuế, giãn nợ; khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, chú ý đến thị trường trong nước; rà soát thể chế, cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả... đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất đối với DN chính là sức cầu của thị trường. Khôi phục sức cầu thị trường, trong đó, kích cầu đầu tư là giải pháp phải được ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở nhận định này, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị 6 giải pháp chính nhằm kích cầu đầu tư. Thứ nhất, các bộ, ngành cần tập trung triển khai các biện pháp hiệu quả hỗ trợ DN. Thứ hai, kích thích đầu tư công và hỗ trợ khởi sự DN. Thứ ba, nâng cao sức cạnh tranh cho DNNVV. Thứ tư, cung cấp thông tin dự báo, không chỉ về kinh tế vĩ mô, mà còn thông tin về xu hướng thị trường giá cả đối với những ngành hàng quan trọng. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục. Thứ sáu hạn chế ở mức cao nhất nguy cơ đình công tự phát, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư.
TS Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị các DN, trong thời điểm này, đánh giá lại mình, củng cố những yếu tố nền tảng của phát triển. Các DN cần xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh bài bản, bởi thị trường sắp tới không chấp nhận "sản phẩm cũ", "lối đi cũ"; cần có sự liên kết tương hỗ để giảm chi phí kinh doanh và giữ thế chủ động, không trông chờ, ỷ lại các chính sách ưu đãi.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com