Một khi, đối với nhà tư bản “lợi nhuận tới 300%, thắt cổ, họ cũng sẵn sàng (Karl Marx)”, trong khi tham nhũng không hề “mất vốn tốn lãi”, nghĩa là tỷ suất lợi nhuận vô cùng lớn, do vậy các quan tham càng sẵn sàng thắt cổ; mọi giá trị tư tưởng, đạo lý, chính trị đưa ra đối với họ chẳng nghĩa lý gì so với ham muốn tài sản tham nhũng dễ dàng có được. |
Thiết chế nhà nước, vì vậy, đóng vai trò điều kiện đủ đẻ ra vấn nạn tham nhũng; sở hữu tài sản tư nhân chỉ mới điều kiện cần tạo ra khả năng, chưa trực tiếp gây nên vấn nạn tham nhũng. |
Cải cách thiết chế như thế nào ?
Một khi thủ phạm là thiết chế nhà nước, dù đó là nhà nước gì, ý thức hệ ra sao, thì không một lực lượng nào, biện pháp gì có thể diệt trừ được nạn tham nhũng, ngoại trừ cải cách chính thiết chế đó. Kiểm điểm phê và tự phê cũng có thể coi là một bộ phận của cải cách, nhằm giải quyết về mặt tư tưởng, dựa trên kinh điển chủ nghĩa Marx: “Tư tưởng một khi thấm sâu vào quần chúng cũng có tác dụng như một lực lượng vật chất", chứ không thể xoay chuyển được toàn bộ thiết chế, bởi “chỉ lực lượng vật chất mới đánh bại được lực lượng vật chất" (Karl Marx). Tư tưởng chỉ được coi “như" lực lượng vật chất, nghĩa là đóng vai trò mở đường, hoặc trong những tình huống nhất định, chứ không thể thay thế được hoàn toàn lực lượng vật chất. Thành lập các cơ quan phòng chống tham nhũng cũng vậy, nó chỉ là một bộ phận nằm trong thiết chế, không phải toàn bộ thiết chế, nên chỉ mỗi nó không chống được tham nhũng.
Mô hình thiết chế nhà nước miễn dịch tham nhũng không có sẵn, và tham nhũng luôn sẵn điều kiện cần, tức khả năng sinh sôi nảy nở, nên nếu có cũng không thể bất biến. Vậy thiết chế các nước có chỉ số trong sạch cao nhất được hình thành như thế nào và vận hành ra sao?
Thiết chế nhà nước họ vận hành bảo đảm nguyên lý, luật pháp dứt khoát phải xuất phát từ thực tế và trở lại giải quyết thực tế, một khi thực tế đó đặt ra đòi hỏi, chứ không phải từ một bộ óc thần thánh cao siêu nào. Nhờ đó thiết chế luôn được cải cách tự động. Ở họ không có khái niệm “nhạy cảm“ để né tránh mà chỉ có khái niệm điểm nóng phải giải quyết. Khi đã phát hiện tham nhũng do thiếu minh bạch thì phải minh bạch hoá bằng chế tài, không được phép chần chừ, nếu không nhà nước đó bị coi bất lực, người dân không thể tín nhiệm. |
Chính trường Đức từ tháng qua bùng lên tranh cãi về luật làm thêm của nghị sỹ. Như bất cứ công dân nào, nghị sỹ Đức có quyền làm thêm không hạn chế, để tăng thu nhập, miễn không ảnh hưởng tới công việc chính Nghị sỹ (Luật Đức không có nghị sỹ bán chuyên nghiệp). Tuy nhiên, câu hỏi liệu điều đó có tác động tới vai trò độc lập của nghị sỹ hay không, nghĩa là nghị sỹ có dựa vào vai trò chức năng của mình để mưu lợi hay không, một dạng tham nhũng, luôn gây tranh cãi chính trường Đức. Bởi theo điều §38 Hiến pháp Đức, nghị sỹ thay mặt toàn dân, không bị ràng buộc bởi bất kỳ ủy quyền, hợp đồng hay chỉ thị nào, chỉ dựa trên nhận thức của mình. Nguyên tắc không bị ràng buộc trên, cũng được tòa án Hiến pháp Đức, ngày 4/6/2007 ra án quyết giải thích nhằm bảo đảm nghị sỹ độc lập với mọi nhóm lợi ích, nhất là khi họ định thông qua trả thu nhập thêm để chi phối (một dạng hối lộ chính sách). Vấn đề tưởng chỉ dừng trên lý thuyết, tranh cãi, không ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới", nhưng năm 2005, hàng loạt vụ bê bối thu nhập thêm của nghị sỹ với số tiền khủng do các hãng nổi tiếng Siemens, RWE, VW chi trả trong hai năm 2004-2005, được công luận phát hiện, buộc Quốc hội Đức ngay năm đó phải bổ sung luật nghị sỹ và ban hành nghị quyết quy định minh bạch hoá thu nhập thêm. Kết qủa đó do thiết chế nhà nước họ vận hành bảo đảm nguyên lý, luật pháp dứt khoát phải xuất phát từ thực tế và trở lại giải quyết thực tế, một khi thực tế đó đặt ra đòi hỏi, chứ không phải từ một bộ óc thần thánh cao siêu nào. Nhờ đó thiết chế luôn được cải cách tự động. Ở họ không có khái niệm “nhạy cảm" để né tránh mà chỉ có khái niệm điểm nóng phải giải quyết. Khi đã phát hiện tham nhũng do thiếu minh bạch thì phải minh bạch hoá bằng chế tài, không được phép chần chừ, nếu không nhà nước đó bị coi bất lực, người dân không thể tín nhiệm.
Luật nghị sỹ Đức cho phép bên cạnh công việc chính, nghị sỹ được tiếp tục hành nghề của mình (làm thêm), nhưng phải trình báo với Đoàn Chủ tịch Quốc hội. Với mức thu nhập từ 1.000 Euro/năm trở lên phải kê khai vào sổ công báo và công khai trên trang web Quốc hội về thu nhập của mình nằm trong hạng bậc thu nhập nào trong ba hạng bậc quy định: bậc 1: từ 1.000-3.500 Euro, bậc 2: từ 3.50 -7.000 Euro, bậc 3: trên 7.000 Euro (sở dĩ không công bố con số chính xác, bởi phải bảo đảm nguyên tắc bí mật thu nhập cá nhân). Nếu nghị sỹ vi phạm quy định trên, có thể bị Đoàn Chủ tịch Quốc hội phạt tiền vi phạm hành chính.
Luật trên vẫn không ngớt tranh cãi. Một cuộc điều tra của LobbyControl năm 2009 cho thấy nhiều lỗ hổng trong minh bạch thu nhập thêm, nhiều nghị sỹ không khai các thu nhập khi tham gia hội đồng của các tổ chức, nhóm lợi ích. Nhiều vi phạm không được Đoàn Chủ tịch Quốc hội xử lý. Vì vậy, tới tháng 4.2011, Ủy ban Luật pháp Quốc hội Đức lại phải đệ trình Quốc hội quy định mới, chi tiết hoá kê khai đối với những nghị sỹ thu nhập thêm trên 10.000 Euro/năm, nhưng lại tạo lỗ hổng thiếu minh bạch, khi kèm theo đó, cho phép những nghị sỹ thu nhập dưới 10.000 Euro/năm được miễn công bố. Dự thảo trên lập tức gặp phải phản ứng quyết liệt của các tổ chức minh bạch LobbyControl, Transparency International, Campact và Mehr Demokratie, buộc phải hủy bỏ. Ở đây vai trò tổ chức quần chúng cực kỳ quan trọng, bởi chính họ là những nhóm nhân dân, luật pháp vì lợi ích mọi người dân, họ được quyền và có trách nhiệm lên tiếng muốn hay không.
Tới đầu tháng 10/2012, khi cựu Bộ trưởng Tài chính, nghị sỹ Peer Steinbrück, người được mệnh danh ông vua thu nhập thêm, được đảng SPD tín nhiệm tranh cử Thủ tướng kỳ bầu cử 2013, thì chủ đề minh bạch hoá thu nhập thêm của nghị sỹ, một lần nữa bị kích hoạt, sôi sục chính trường, trong đó, Steinbrück trở thành tâm điểm mổ xẻ, bởi ông có thể trở thành thủ tướng tương lai, rủi ro bậc nhất cho quốc gia nếu ông không minh bạch. Con số thống kê tại thời điểm tháng 10.2012, cho thấy, trong tổng số 620 nghị sỹ Đức có 193 người làm thêm, trong đó có 126 người nhận thù lao bậc 3, tức trên 7.000 Euro/năm. Riêng Steinbrück nhận hợp đồng diễn thuyết cho ngân hàng, hãng bảo hiểm, doanh nghiệp, dư luận ước tính được trả thù lao vô địch tới 700.000 Euro trong 3 năm qua, với đơn giá có thể tới 20.000 Euro / 1 lần, so với nghị sỹ thông thường chỉ 1.500 Euro, với các tài tử MC từ 5000 -10.000 Euro, dù so với quốc tế cũng chẳng thấm vào đâu khi Bill Clinton thu 230.000 Euro, hay Tony Blair 216.000 Euro cho 1 lần diễn thuyết (tuy nhiên họ đã hết nhiệm kỳ).
Đảng Liên minh cầm quyền CDU/CSU yêu cầu ứng viên thủ tướng Steinbrück cần hành xử phù hợp với vai trò mới đặc biệt của mình, nên tự nguyện công khai minh bạch khoản thu nhập thêm vô địch. Điều đó lại liên quan tới luật nghị sỹ phải cải cách. Kết qủa chỉ từ một trường hợp Steinbrück, các khoản thu nhập thêm của nghị sỹ được đưa ra tranh cãi tại 2 phiên họp Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong tháng 10, tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhóm nghị sỹ Liên minh cầm quyền đề xuất giữ nguyên 2 cấp độ minh bạch trước đây 1.000-3500 Euro, 3.500-7000 Euro; còn cấp độ trên 7.000 Euro trước đây được chia tiếp thành 8 cấp độ mới, gồm 7.000-15.000 Euro, 15.000-30.000 Euro, 30.000-50.000 Euro, 50.000-75.000 Euro, 75.000-100.000 Euro, 100.000-150.000 Euro, 150.000-250.000 Euro và trên 250.000 Euro. Nhóm này cho rằng họ đã đột phá trong vấn đề minh bạch hoá thu nhập thêm. Nhưng nhóm nghị sỹ đảng SPD, Grüne và Linke vẫn bác bỏ, cho rằng Liên minh cầm quyền dưới sức ép của họ đã có chuyển biến, nhưng chưa sẵn sàng minh bạch hoá thực chất. SPD trước đây cầm quyền từng bị CDU/CSU hồi đó với vai trò đối lập, chỉ trích ngăn cản cải cách minh bạch hoá, nay để chứng minh điều ngược lại, liền đề xuất đã minh bạch hoá thì minh bạch hoá tới cùng, nghị sỹ phải công bố thu nhập thêm tới từng Cent. Nhóm nghị sỹ Liên minh cầm quyền chống đỡ bằng lập luận, làm vậy không còn nghĩa minh bạch nữa. Vấn đề đặt ra nhằm phát hiện sự phụ thuộc có thể có giữa vai trò độc lập của nghị sỹ với thu nhập thêm, tức tham nhũng, chứ không phải ngược lại hạn chế quyền tự do, riêng tư của nghị sỹ.
Tới ngày cuối cùng tháng 10, đảng SPD tiến thêm 1 bước nữa qua hành động, bằng cách thoả mãn ngay đòi hỏi của CDU/CSU, Steinbrück ủy quyền cho chuyên gia kiểm toán, kiểm tra và công bố thu nhập thêm của ông. Kết qủa cho thấy, trong vòng ba năm qua, Steinbrück diễn thuyết tổng cộng 326 buổi cho rất nhiều tổ chức cơ quan, bình quân 3 ngày có 1 ngày. Chỉ 89 buổi trong đó, ông nhận thù lao, thấp nhất 1000 Euro và nhiều nhất 25.000 Euro, bình quân 14.000 Euro. Các buổi còn lại dành cho các hiệp hội, qũy từ thiện, trường học, ông không nhận hoặc yêu cầu chuyển thù lao trực tiếp cho các cơ sở xã hội bất vụ lợi. Tổng thu nhập thêm 3 năm qua của ông lên tới 1,25 triệu Euro, và đóng thuế thu nhập tới 48,5%. Sau khi Steinbrück công khai thu nhập, Chủ tịch SPD tuyên bố với các đảng Liên minh cầm quyền: “Steinbrück đã hoàn toàn tự nguyện công khai thu nhập thêm tới từng Cent. Minh bạch như vậy phải được đưa vào luật nghị sỹ. Vấn đề đặt ra không phải thu nhập lớn bao nhiêu mà làm thêm có đúng luật hay không, thì phải minh bạch“. Tuy nhiên, minh bạch là một phần của thiết chế chống tham nhũng, không phải minh bạch để mà minh bạch. Oái oăm cho Steinbrück, sau khi công khai bị phát hiện món tiền kỷ lục 25.000 Euro thù lao cho Steinbrück diễn thuyết 1 buổi trong tháng 11.2011, được chi trả bởi công ty điện lực nhà nước do thành phố Bochum quản lý thuộc tiểu bang trước đây Steinbrück làm thủ hiến, trong lúc tài chính thành phố này đang khốn đốn; lập tức báo giới đồng loạt lên tiếng chỉ trích vô cảm và ngờ vực có mối quan hệ chức danh thủ hiến trước đây với món thù lao, đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn các bên liên quan, tới mức công ty điện lực phải ra tuyên bố, “chúng tôi không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa".
Chính những tranh cãi công khai giữa các nghị sỹ, đảng phái, và tiếng nói của người dân đã giúp họ thấy rõ thực chất vấn đề cần giải quyết, có thể coi như định hướng dư luận từ chính bản chất sự việc, và qua đó người dân đánh giá được chắc chắn, độ trong sạch, năng lực giải quyết mọi vấn đề của bộ máy nhà nước, đến từng chính khách, quan chức.
Chống tham nhũng ở Đức bắt đầu đầu từ chế tài đối với dân biểu như vậy! Chỉ khi đó, họ mới có đủ bản lĩnh của một người trong sạch để ban hành Luật chế tài tham nhũng đối với toàn bộ bộ máy nhà nước.
Tác giả: Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức)
Nguồn: Tia Sáng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com