Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cà phê cuối tuần: Kinh tế nhà nước và bài học viễn thông

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực. Ông là một trong những người góp phần xây dựng Chỉ thị 58 - Ảnh: VNN.

Việt Nam hiện có một thị trường viễn thông được đánh giá là phát triển nhanh, có tính cạnh tranh cao. Và không ai khác, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ thị trường này chính là người dân.

Nhưng có lẽ, không nhiều người biết, sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay đã được khởi nguồn từ một chỉ thị “chống độc quyền, mở cửa thị trường”. Đó là Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về mở cửa viễn thông và Internet của Việt Nam, ra đời cách đây hơn 10 năm.

Chỉ thị 58, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần được tổng kết làm bài học kinh nghiệm, nền tảng và định hướng cho sự phát triển của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, đặc biệt là trong khối các doanh nghiệp nhà nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (bây giờ là Bộ Thông tin và Truyền thông), TS. Mai Liêm Trực, một trong những người góp phần xây dựng Chỉ thị 58, ngày ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Ông từng lên tận Ban bí thư Trung ương Đảng đề xuất, kiến nghị, thậm chí “cãi lại” để bảo vệ sự cần thiết phải mở cửa thị trường viễn thông và Internet.

Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy về Chỉ thị 58, TS. Mai Liêm Trực nói:

- Chỉ thị 58 ra đời tháng 10/2000, khi mà ngành công nghệ thông tin viễn thông của Việt Nam đang cần có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, hay nói cách khác, phải tìm những cái chốt nhất để tháo gỡ cho sự phát triển.

Trong nội dung của Chi thị 58 có nói đến 4 trụ cột cơ bản của công nghệ thông tin, viễn thông. Thứ nhất, viễn thông và Internet; thứ hai là công nghiệp về công nghệ thông tin; thứ ba là ứng dụng toàn bộ công nghệ thông tin trong đời sống xã hội..., và cuối cùng là nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ thông tin.

4 trụ cột hay 4 nội dung cơ bản trên gắn với 3 chủ thể trực tiếp là vai trò của thị trường và người tiêu dùng; vai trò của các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng; và vai trò của Nhà nước, trực tiếp là các bộ ngành.

Không thể để tồn tại độc quyền

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hoàn cảnh xây dựng và ra đời Chỉ thị 58?

Trước năm 2000, phải nói rằng, công nghệ thông tin, viễn thông có những bước phát triển nhanh, nhưng nhiều lĩnh vực còn lúng túng, nhiều vướng mắc. Trước hết là viễn thông và Internet.

Về mặt công nghệ cũng như các dịch vụ, chúng ta đã có bước phát triển khá tốt, nhưng từ năm 1995, đã bộc lộ những nhược điểm cần phải tháo gỡ. Đó là khi, sự độc quyền đã bắt đầu tạo nên những trì trệ nhất định trong bản thân hoạt động của doanh nghiệp, từ đó gây ra những bức xúc cho người tiêu dùng, như giá cước cao, cách phục vụ của doanh nghiệp...

Lúc đó, mặc dù Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng cơ chế độc quyền đã tạo điều kiện cho những khuyết tật của doanh nghệp thêm nặng nề.

Cũng từ năm 1995, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sớm có tư duy về mở cửa thị trường viễn thông, nhưng suốt mấy năm trời không triển khai được, vì những cản trở nhất định, kể cả ở cấp lãnh đạo, liên quan đến nhận thức, cách nhìn nhận, cộng với những băn khoăn, lo ngại của cấp dưới nên suốt từ năm 1995 - 1999 không mở cửa được thị trường.

Tôi khi ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thị trường viễn thông, Internet, nhưng rất khó khăn khi thực hiện mở cửa vì yếu tố chính sách. Vì thế, chúng tôi thấy cần phải có một quyết định của Đảng để từ cấp lãnh đạo cũng phải chấp hành, thì mới làm được, chứ còn cứ chỉ đạo bằng miệng, cứ họp hành rồi lại chùng xuống, thì không thể nào làm được.

Trước những “cản trở” nói trên về quan điểm, cách nhìn nhận trong việc mở cửa thị trường, vậy bằng cách nào ông và những đồng nghiệp lại thuyết phục được Đảng cho ra đời chỉ thị về mở cửa thị trường viễn thông và Internet?

Phải nói, với 4 trụ cột công nghệ thông tin lúc bấy giờ, chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà khoa học và chuyên gia.

Lúc đó, Internet tại Việt Nam qua ba năm phát triển, tuy tốc độ còn chậm nhưng cái lợi đứng về xu thế hội nhập quốc tế của chúng ta bắt đầu. Chúng ta vào ASEAN, vừa ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi chúng ta bắt đầu đàm phán để gia nhập WTO, bắt đầu dự các hội nghị của APEC.

Khi đó, người ta cũng bắt đầu nói ASEAN điện tử, APEC điện tử, nhưng Việt Nam mình không thể là ốc đảo được, chúng tôi phải dùng những lý lẽ đó, tức là không làm không được, chứ còn nói lợi hại thì còn ngồi nói mệt.

Tôi và một số anh như anh Đặng Hữu (GS.TS Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) và anh Chu Hảo (GS.TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường) cứ suốt ngày lo đi thuyết trình, đi “cãi” với cấp lãnh đạo về việc cần thiết phải mở cửa thị trường viễn thông. Thực ra mình làm vì công việc chứ có làm vì gì đâu mà phải sợ. Chức vụ mình không xin, chẳng có gì mà phải lo lắng về chuyện đó cả.

Tôi nhớ, sau khi chúng tôi báo cáo đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu xong rồi, sang báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng còn vỗ vai bảo: “Trực ơi, Trực cố quản lý cho tốt, chứ mở ra rồi phải đóng lại thì không biết ăn nói thế nào với thế giới”. Và cuối cùng Chỉ thị 58 về mở cửa thị trường viễn thông và Internet cũng được ra đời.

“Tắc” là do ý chí lãnh đạo

Thực ra, không chỉ có viễn thông và Internet, nhiều lĩnh vực kinh tế, thành phần kinh tế nhà nước khác cũng có chủ trương mở cửa, nhưng do yếu tố “nhạy cảm” nên chưa mở được hoặc mở rất chậm?

Mỗi ngành đều có những đặc thù khác nhau, nhưng định hướng chung là phải mở cửa thị trường, phải cạnh tranh, vấn để ở chỗ đã khẳng định xu hướng rồi thì đừng có chần chừ.

Không ít lĩnh vực, thành phần kinh tế cứ đóng khư khư. Anh đừng cho là nhạy cảm, để rồi làm hạn chế, làm chậm lại sự phát triển. Theo tôi, những cái mình xác định làm thì phải làm, rồi từ đó bàn tính bước đi, bàn tính giải pháp, chứ đừng làm méo mó thị trường. Anh xác định điểm đến thì anh phải đi. Trên đường đi, có lúc đi nhanh, có lúc đi chậm, nhưng đừng làm lệch, đừng "stop" nó lại.

Lĩnh vực nào cũng phải mở cửa, đứng về ý chí và mục tiêu thì dứt khoát hướng đi phải rõ ràng như vậy.

Lấy ví dụ như thị trường điện, thị trường nước hay xăng dầu…, mỗi thị trường có những đặc thù riêng nhưng định hướng mở cửa là phải kiên định chung, còn giải pháp, vấn đề nghiệp vụ thì phải học hết chỗ này đến chỗ kia, xem thế giới người ta làm thế nào, mình không bắt chước nhưng mình phải xem lộ trình làm của người ta.

Điện đâu có nhạy cảm hơn viễn thông? Nước đâu có nhạy cảm hơn viễn thông? Xăng dầu cũng đâu có nhạy cảm hơn viễn thông?... Vấn đề ở chỗ là định hướng của ta phải rõ ràng. Nhà nước phải kiên quyết quyết mở ra và phải có những lộ trình, có điều tiết.

Như trước đây, viễn thông được coi là cơ sở hạ tầng, độ nhạy cảm của an ninh thông tin quốc gia còn nặng hơn rất nhiều, mà ta vẫn làm chủ thị trường của ta. Mở cửa thị trường viễn thông, Internet, giá cước dịch vụ đã giảm đi mấy lần, người dân được hưởng lợi, bản thân doanh nghiệp cũng phát triển mạnh lên, giàu lên, cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý ngày càng hiện đại, doanh nghiệp nộp thuế cho nhà nước tăng lên, đặc biệt một số doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển ra các thị trường quốc tế.

Vậy theo ông, “điểm tắc” của sự trì trệ trong việc mở cửa thị trường đối khối doanh nghiệp nhà nước là gì?

Tôi cho rằng là do ý chí của những người trực tiếp quản lý, trực tiếp lãnh đạo thôi. Ý chí tôi nói ở đây là ý chí vì đất nước, vì người tiêu dùng, và vì sự phát triển của quốc gia, chứ ý chí vì lợi ích nhóm, vì cục bộ thì không nói làm gì.

Anh (người trực tiếp lãnh đạo - PV) phải cương quyết, phải làm mạnh mẽ, thuyết phục lên các lãnh đạo cấp cao hơn để có những giải pháp cụ thể. Tất nhiên không phải giải pháp lúc nào cũng có hiệu quả ngay theo ý muốn, nhưng mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, và phải làm mạnh mẽ.

Đứng yên là chết

Là người xây dựng chỉ thị “chống độc quyền” để tạo ra một thị trường viễn thông phát triển, cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng, ông nhìn nhận như thế nào về một số lĩnh vực còn độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay?

Nhìn chung nền kinh tế chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế rất tốt, nhưng có hai yếu tố là ý chí của Nhà nước, chính sách của Nhà nước thì phải mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ nhất là, cái gì mà các doanh nghiệp tư nhân làm được, xã hội làm được thì cứ để cho người ta làm, Nhà nước không nên "ôm" quá nặng nề.

Cụ thể hơn, ở đây là quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của ta còn quá chậm và tư duy doanh nghiệp nhà nước còn rất nặng nề. Chính vì cổ phần hóa quá chậm và sức nặng của doanh nghiệp Nhà nước nên rất dễ tạo ra sự trì trệ, cản trở sự phát triển kinh tế.

Thứ hai là một số lĩnh vực của ta còn độc quyền, nên bàn tay Nhà nước phải mạnh hơn, dứt khoát phải tạo môi trường cạnh tranh, hạn chế lợi ích nhóm làm méo mó thị trường, làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng và sự phát triển đất nước.

Hai yếu tố đó là quan trọng nhất, nếu Nhà nước không có bàn tay vững vì lợi ích chung của xã hội, thì không chỉ là mảnh đất trì trệ hạn chế sự phát triển mà còn là mảnh đất của tham nhũng.

Từ Chỉ thị 58, theo cá nhân của ông, bài học cũng như kinh nghiệm đặt ra đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng hiện nay là như thế nào?

Đầu tiên là phải chấp nhận đổi mới, phải luôn luôn đổi mới, nhất là trong điều kiện khoa học kĩ thuật tiến rất nhanh, khi mà thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế trí thức, vì thế, tất cả nền kinh tế, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải luôn luôn đổi mới.

Bản thân một doanh nghiệp mới ra đời như Viettel cũng phải thay đổi hình thức quản lý liên tục và chấp nhận sự đổi mới. Đứng yên là chết. Trên cơ sở đấy, Nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện cho những cái mới phát triển.

Thứ hai là những người lãnh đạo phải tạo một nhóm chủ chốt để phân tích xu hướng đổi mới, trong nước, quốc tế, phải đi học hỏi, nghiên cứu để tìm ra sự đổi mới cho mình.

Và cuối cùng là ý chí của tập thể, tức là chấp nhận đổi mới, cương quyết đổi mới, biến nó thành một khát vọng, từ đó sẽ có tính xả thân, mới ra được cái nọ, ra được cái kia.

(Theo Vneconomy)

  • Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu: Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai
  • 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế: Kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn
  • “Báo động đỏ” về tình trạng tàn phá môi trường
  • Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu: Khi nông dân bỏ xứ ra đi
  • Năm vấn đề ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam
  • Thu qua xăng dầu: Càng nhiều khoản thu, càng lo thiếu minh bạch
  • Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu: Nằm trên cánh đồng vàng mà vẫn nghèo
  • “Giật mình” với số liệu thu, chi ngân sách
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi