Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần có chiến lược mới về FDI

Cam kết về chuyển giao công nghệ cần được coi trọng hơn khi thẩm định dự án FDI. Ảnh: T.H
Bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện rất hữu ích với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Chiến lược mới về FDI của Việt Nam cần được hình thành trên cơ sở khảo sát và đánh giá khách quan thực trạng tình hình thu hút FDI thời kỳ 2001 - 2010, định hướng, mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, xu thế phát triển của FDI thế giới sau khủng hoảng kinh tế với sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs).

Chiến lược này cần hình thành theo 4 định hướng lớn, gồm chất lượng và hiệu quả cao; phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế ít các - bon; có cam kết về chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, từng dự án và lao động có kỹ năng cao.

Chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI cần được xem xét dưới giác độ phù hợp với mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, vùng lãnh thổ và địa phương, phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép coi là tiêu chí hàng đầu khi thẩm định dự án đầu tư. Những vấn đề liên quan đến chất lượng và hiệu quả luôn phải được đặt ra khi thẩm định: 1) dự án FDI có phù hợp với quy hoạch ngành, định hướng phát triển của vùng lãnh thổ và của địa phương; 2) đưa lại lợi ích gì cho địa phương như thu ngân sách, chuyển giao công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng cao; 3) có làm tổn hại đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cộng đồng dân cư; và 4) có nên dành cho doanh nghiệp trong nước để hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh(?).

Phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế ít các - bon đòi hỏi khắt khe hơn đối với FDI, bởi đã có hiện tượng một số nước lớn có ý đồ và trên thực tế đang tiến hành nhiều dự án khai thác tài nguyên, di dời sang nước ta các ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường và phát thải nhiều khí các - bon. Nếu không đủ cảnh giác thì “lợi bất cập hại”, khó lường trước hậu quả tiêu cực. Vấn đề đó có liên quan đến việc chủ động lựa chọn dự án FDI của các cơ quan nhà nước địa phương, không thể dễ dãi, tùy tiện, cả tin vào “những bánh vẽ” của một số nhà đầu tư, mà phải dựa trên lợi ích căn bản, lâu dài của đất nước. Bởi vì, nếu các nhà đầu tư quốc tế có quyền lựa chọn địa điểm và nước để thực hiện dự án, thì nước chủ nhà có quyền cho phép hoặc từ chối những dự án không có lợi cho cộng đồng dân cư.

Việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường, thực hiện nguyên tắc “đối xử quốc gia - NT” trong các hiệp định quốc tế không làm mất đi chủ quyền của nước ta. Hơn nữa, từ khi hội nhập với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chịu khá nhiều thua thiệt trong đầu tư và buôn bán quốc tế, khi các nước dùng luật pháp để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp của họ.

Do đó, khi thẩm định dự án công nghiệp, cần đòi hỏi nhà đầu tư phải bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường, có đủ kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải, có công nghệ để phát thải ít khí các - bon nhất theo mức tiên tiến của thế giới.

Những số liệu sau đây cho thấy tầm quan trọng của công nghệ. Nếu ứng dụng công nghệ mới thì sản xuất thép có thể tiết kiệm được 40% năng lượng và giảm phát thải 50% khí các – bon. Những con số tương ứng với xi măng là 35% và 25%, với giấy in và bột giấy là 80% và 60%. Cam kết đó phải được thực hiện nghiêm túc và chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xác nhận đủ tiêu chuẩn thì mới được vận hành nhà máy.

Năng lượng là tác nhân chính của hiệu ứng nhà kính. Nước ta có tốc độ tăng tiêu thụ điện năng hàng năm khá cao (14 - 15%). Chương trình năng lượng của Chính phủ đề ra mục tiêu tiết kiệm 3 - 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2006 - 2010 và 5 - 8% thời kỳ 2011 - 2015. Do vậy, khi cấp phép các dự án FDI, cần đòi hỏi khắt khe công nghệ giảm thiểu phát thải khí các – bon. Đối với các nhà máy đang hoạt động cần yêu cầu họ có lịch trình cam kết ứng dụng công nghệ mới giảm thiểu phát thải khí các -bon. Các tòa nhà do nhà đầu tư nước ngoài xây dựng phải áp dụng công nghệ mới sử dụng ít năng lượng, tòa nhà xanh, thân thiện với môi trường. Cũng cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với các dự án năng lượng tái tạo, thay thế từ các nguồn rác thải, điện mặt trời, điện gió, vì suất đầu tư vào những dự án này khá cao, giá thành vượt nhiều lần giá điện thương phẩm hiện nay. Theo kinh nghiệm quốc tế, chỉ khi nào có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và bằng cơ chế cạnh tranh, thông qua đấu thầu minh bạch thì mới có thể phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới.

Thực tế của việc chuyển giao công nghệ trong FDI cho thấy rằng, đã có những ngành kinh tế nước ta, nhờ biết học hỏi, đào tạo đội ngũ cán bộ, nên đã tiếp thu và chuyển hóa công nghệ thích ứng với tình hình phát triển đất nước, vươn lên trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận được trình độ quốc tế. Điển hình là ngành viễn thông. Từ khi còn cấm vận quốc tế, chúng ta đã biết khai thác tốt việc hợp tác với Teltra (Australia), có cơ chế cạnh tranh với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp như Viettel và các nhà cung cấp khác nên đã tiến bộ vượt bậc về công nghệ và thị trường.

Trong tình hình mới, các cam kết về chuyển giao công nghệ cần được coi trọng hơn khi thẩm định dự án FDI, bởi mặc dù vốn đầu tư vẫn là một mục tiêu quan trọng thu hút FDI, nhưng để có chuyển biến về chất trong quá trình công nghiệp hóa thì công nghệ phải được ưu tiên.

Thông tin mới nhất cho thấy rằng, Trung Quốc đã đòi hỏi nghiêm túc việc chuyển giao bí quyết công nghệ của các nhà đầu tư từ Đức và Nhật Bản khi cho phép họ tham gia những dự án đầu tiên về đường sắt cao tốc, lập ra cơ sở sản xuất với hàng ngàn kỹ sư cao cấp để ứng dụng công nghệ mới, nên chỉ sau mấy năm hợp tác với nước ngoài, nước này đã sản xuất được trang thiết bị, làm chủ được công nghệ. Chẳng những có thể tự lực xây dựng nhiều tuyến đường sắt trong nước có vận tốc trên 300km/h, mà Trung Quốc bắt đầu chào hàng để xuất khẩu sang nước khác với giá cạnh tranh.

Việc chuyển nhanh từ lợi thế về lao động phổ thông sang lao động có kỹ năng để thích ứng với giai đoạn mới của sự phát triển đạt được đồng thời hai mục tiêu. Một là, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông dành ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là dịch vụ (là lĩnh vực đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng giải quyết được nhiều lao động). Hai là, những ngành cần lao động có kỹ năng (như công nghệ và dịch vụ cao) thì thu hút FDI với cam kết về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, để hình thành đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngang tầm khu vực và tiếp cận tầm quốc tế (như cách mà Thái Lan đã làm). Bằng cách này, với dân số chỉ bằng 3/4 nước ta, nhưng đã có những người Thái đảm nhiệm các chức vụ cao trong một số tổ chức quốc tế như Tổng giám đốc WTO.

Chính phủ đã có chỉ dẫn về FDI trong giáo dục và đào tạo, tuy vậy, cho đến nay chưa có được những trường đại học quốc tế hàng đầu thế giới hợp tác, liên doanh với đại học trong nước, xây dựng cơ sở đào tạo và cử các giáo sư giỏi đến Việt Nam. Thậm chí, đâu đó còn có sự lợi dụng để dùng danh nghĩa “đại học quốc tế” cấp bằng giả cho một số người.

Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục khác với trong công nghiệp và dịch vụ, đòi hỏi phải có chính sách ưu đãi thích ứng với đặc thù của đào tạo nguồn nhân lực, các hình thức hợp tác cũng cần được lựa chọn tùy thuộc vào đối tác bên ngoài và cơ sở đào tạo trong nước. Việc đẩy nhanh hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở nước ta đòi hỏi phải khảo sát cả mô hình thành công và thất bại, tổng kết thực tiễn nghiêm túc thì mới có thể tìm ra phương thức, cơ chế hợp tác và giải pháp thích hợp.

Khi có được chiến lược đúng đắn, thì ngoài những công việc các bộ, ngành và địa phương đang thực hiện, như tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính… cần chủ động lựa chọn dự án và nhà đầu tư.

Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều địa phương có “Danh mục các dự án kêu gọi FDI” để trình bày tại các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, nhưng  chưa có những thông tin cần thiết đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư. Hoạt động đầu tư bắt đầu từ ý tưởng của các ngành, địa phương đối với các dự án trong từng giai đoạn, từng năm, trong đó có đầu tư nước ngoài. Từ ý tưởng phải lập phương án về mục tiêu, vốn đầu tư, phương thức đầu tư, các điều kiện bảo đảm đã và sẽ có về giao thông, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước, nhân lực tại chỗ và có thể đào tạo, các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường nội địa; các tổ chức dịch vụ tư vấn về pháp lý, lập dự án, xử lý quan hệ với cơ quan nhà nước, các địa chỉ cần liên hệ để có thêm thông tin về dự án. Đó là các thông tin cần thiết để nhà đầu tư cân nhắc việc lựa chọn dự án và địa điểm. Đương nhiên, khi đã chọn được dự án thích hợp, nhà đầu tư có thể kiến nghị điều chỉnh một số nội dung của ý tưởng ban đầu. Nếu hợp lý thì được cơ quan nhà nước chấp thuận. Có như vậy, FDI mới trở thành bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân, khắc phục hiện tượng phổ biến đang tồn tại là lãnh đạo địa phương thụ động, dễ dàng chấp thuận dự án đầu tư cả trăm triệu USD, cả tỷ USD, mà không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả.

Cũng cần nghiêm khắc hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Đã có dự án FDI trên 4 tỷ USD vừa cấp phép khoảng một năm thì bị rút giấy phép, vì nhà đầu tư lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo một vài địa phương để được cấp phép hoạt động, rồi tìm cách bán lại dự án kiếm lời; khi không thể thực hiện được thì đành bỏ cuộc.

Với mạng Internet toàn cầu, không khó để có được những thông tin về ý đồ và năng lực của nhà đầu tư. Chẳng hạn khi làm tư vấn cho một tỉnh, chúng tôi đã tìm trên website của một tập đoàn lớn về thép của châu Á đang thương thảo với một tổng công ty nhà nước của ta về dự án thép và được biết, tập đoàn này chủ trương mua lại các nhà máy đang hoạt động, chứ chưa đầu tư dự án mới. Thông tin này đã được cung cấp cho lãnh đạo tỉnh và trên thực tế, sau 3 năm làm ra vẻ muốn thực hiện dự án thép lớn, nhưng họ vẫn gần như “án binh bất động”.

Cũng có trường hợp do vị Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp gia đình nước ngoài, người có tiếng nói quyết định về việc đầu tư vào Việt Nam dự án hơn 10 tỷ USD từ trần, các cổ đông chủ chốt có sự chia rẽ trong việc thực hiện ý đồ đó, làm cho việc triển khai dự gặp khó khăn.

Trong khủng hoảng kinh tế, nhiều ngân hàng không thể tiếp tục cam kết tín dụng đối với một số dự án FDI ở nước ta buộc nhà đầu tư tạm hoãn hoặc không triển khai. Sau khủng hoảng, các TNCs điều chỉnh thị trường đầu tư, có thể Việt Nam không còn được lựa chọn. Thậm chí, sự cố tràn dầu bất khả kháng của Tập đoàn dầu khí BP đã buộc họ phải bán dự án ở Việt Nam để thu hồi vốn, trang trải thiệt hại.

Đối với các TNCs, việc đọc được ý đồ của họ là rất quan trọng, muốn vậy cơ quan chức năng địa phương, nhất là sở kế hoạch và đầu tư, ban quản lý KCN, khu kinh tế, khu chế xuất phải thu thập, xử lý các thông tin có liên quan đến nhà đầu tư, kể cả việc đề nghị họ cung cấp bản quyết toán năm trước đó đã được kiểm toán độc lập. Đối với nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, muốn lợi dụng sự thông thoáng của quản lý nhà nước để trục lợi thì có thể áp dụng phương thức ký quỹ tại một tài khoản ở ngân hàng thương mại 1-2% tổng vốn đầu tư. Khi họ thực hiện dự án thì được hoàn lại số tiền đó. Làm như vậy sẽ loại trừ được những nhà đầu tư rởm.

Vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam ngày một nhiều hơn. Việt Nam cũng cần có nguồn vốn đó để bảo đảm đủ vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế. Các bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI là tài sản quý giá để người Việt Nam khôn ngoan hơn trong việc tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế sao cho hiệu quả hơn và phát triển bền vững hơn.

(Theo GS - TSKH Nguyễn Mại // Báo đầu tư)

  • Để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn tới tầm cao mới
  • Việt Nam đang là thị trường phần cứng hấp dẫn
  • Trung Quốc: Kẻ khổng lồ bên cạnh ta
  • Hội chứng “number one”
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựng kịch bản kinh tế 2011
  • Phân bổ ngân sách 2011-2015: Nước chảy chỗ trũng
  • Mong muốn và hiện thực
  • 5 thách thức với kinh tế Việt Nam cuối năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi