Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hội chứng “number one”

(minh họa: Khều)

Việc giáo dục hiện nay của gia đình, nhà trường và xã hội luôn tạo ra tư tưởng phải cố gắng, phải phấn đấu, phải học tập và làm việc hết sức để trở thành người nổi tiếng, người đứng ở vị trí cao nhất (number one) và chỉ có thế mới đạt được hạnh phúc!?

Khi còn thơ ấu, từ những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, vô tư, chỉ biết vui chơi tự do, chưa biết hơn thua là gì thì người lớn đã huấn luyện cho các cháu biết cạnh tranh, ganh đua, đôi khi bằng mọi cách để trở thành người số 1.

Khi vào mẫu giáo, với trí óc non nớt và hồn nhiên như thế, các cháu bắt đầu bước vào môi trường phải cạnh tranh. Cha mẹ cho con đi học thêm, đi thi để lấy một số chứng chỉ tiếng Anh… Khi chuẩn bị vào lớp 1, cha mẹ phải chạy đôn chạy đáo tìm trường điểm, trường số 1 (ít nhất cũng là số 1 trong quận) cho con vào học. Ở cấp II, cấp III, các cháu phải học thật nhiều, học chính khóa, học ngoại khóa, học thêm tại nhà… với tham vọng luôn đứng đầu lớp. Việc được vào học trong một trường điểm với học lực được xếp hạng nhất thì chỉ có một số học sinh đạt được. Nếu không có cái nhìn thoáng hơn, cha mẹ và các em học sinh sẽ rơi vào tâm trạng buồn thảm vì không toại nguyện.

Như vậy, trong quá trình đi học, từ mẫu giáo cho đến hết bậc phổ thông, các em đã chịu không biết bao nhiêu áp lực về học hành, về trường lớp từ gia đình và người xung quanh. Do đó, trong quá trình chuẩn bị thi vào đại học, nhiều em đã bị căng thẳng quá mức. Một số em không chịu nổi áp lực nên học tập sa sút, cá biệt còn bị những triệu chứng rối loạn tâm thần...

Khi thi đại học, những học sinh đã mang tiếng là giỏi, là số 1, đặc biệt ở các tỉnh, các huyện vùng xa, được gia đình, họ hàng, làng xã đặt tất cả hy vọng, tạo nên một áp lực rất lớn đối với các em. Chính vì vậy các em phải đăng ký thi vào những trường đại học nổi tiếng. Và khi không đủ điểm vào học ở những trường đại học này, bản thân các em bị sụp đổ. Nếu không tỉnh táo, không có bản lĩnh, các em sẽ tìm đến cái chết để giải quyết nỗi đau này.

Khi đã ra trường, đối mặt với cuộc sống cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, tâm trạng muốn là số 1 trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Có người chọn cách cạnh tranh lành mạnh bằng chân tài thực học để vươn lên, đó là những gương sáng cho mọi người noi theo. Tuy nhiên, cũng có những người không có thực tài, nhưng tham vọng ăn trên ngồi trước là quá lớn, nên đôi khi họ không từ bất cứ thủ đoạn nào, dù xấu xa, độc ác, để đạt được vị trí số 1. Trong thực tế cuộc sống, vị trí đó không dành cho nhiều người. Trong một cơ quan, một công ty hay bất cứ một tổ chức nào cũng chỉ có một vài người ở vị trí cao nhất trong khi hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người rùng rùng cạnh tranh, chạy đua vào những vị trí đó và dĩ nhiên đa số không đạt được ước mơ, tham vọng của mình.

Còn những người đã đạt đến vị trí số 1 thì sao? Hãy để cho tâm mình lắng xuống, yên tĩnh một chút để thấy rằng vị trí này là vô thường, không bao giờ bền vững như ta tưởng. Dù ta có cố gắng nắm giữ bao lâu đi chăng nữa, rồi cũng đến lúc phải ra đi, vấn đề là nhanh hay chậm mà thôi! Xét cho cùng, con người dù có ở vị trí số 1, số 2, 3, 4 hay số bao nhiêu đi chăng nữa… rồi cũng trở về với cát bụi, hư không. Đây là quy luật bất biến nhưng rất nhiều người không hiểu, không tập làm quen với nó. Chính vì vậy, khi không còn ở ví trí số 1, họ sẽ rơi vào trạng thái bất an, muộn phiền, trầm cảm..., thậm chí phải chọn cái chết để chấm dứt những mặc cảm, muộn phiền, tuyệt vọng.

Ngoài ra, còn phải kể đến hội chứng “number one” ảo. Nhiều người hoàn toàn không đủ năng lực để đứng ở vị trí cao nhất, nhưng vì một lý do nào đó họ lại có được vị trí đó. Thế rồi họ vỗ ngực tự cho mình thật sự là người giỏi nhất. Họ huênh hoang, tự cao tự đại, coi trời bằng vung. Vì không có năng lực thật sự nên họ duy trì vị trí số 1 bằng mọi thủ đoạn. Những người này thường có cái tôi rất lớn. Bên ngoài họ có vẻ mạnh mẽ, hùng hổ nhưng sâu thẳm bên trong thì rất yếu đuối, mặc cảm và sợ hãi. Chính vì vậy, họ thích được nghe những lời khen, những lời xu nịnh, nhưng dễ bị tổn thương khi va chạm. Khi bị chê trách, phản đối, họ thường có khuynh hướng loại bỏ những người chống đối, những người có thể sẽ hơn mình, một cách không thương tiếc. Những người này thường cô đơn, không tin tưởng ai, không có hoặc có rất ít bạn thân. Với áp lực của công việc luôn vượt quá khả năng, họ luôn phải đối phó về mọi mặt để duy trì chức vụ của mình. Khi chức vụ không còn, họ sẽ không còn bạn bè, không còn được chúc tụng, ca ngợi. Từ đó dẫn tới sự phiền muộn. Họ sẽ bị suy sụp.

Những người đang ở vị trí số 1, dù có đủ tài năng, thường đã lớn tuổi. Họ phải tiêu phí rất nhiều năng lượng về thể chất lẫn tinh thần để duy trì vị trí này, nên cuộc sống khi nào cũng căng như dây đàn. Nếu không đủ sức khỏe, không biết cách cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, không tạo ra những khoảng lặng thật sự để thư giãn, dung dưỡng thân tâm, nạp lại năng lượng cho cơ thể thì cây đàn có thể lỡ nhịp, đứt dây ngay cả khi đang vang lên những giai điệu đẹp nhất!

Việc phấn đấu vươn lên để thành người số 1 là tốt, tuy nhiên quá trình ấy nên để một cách tự nhiên. Ta cứ làm việc hết sức, và nếu hội đủ duyên lành sẽ đạt được vị thế đó bằng chân tài thực học. Quá trình này không thể cưỡng ép. Mọi người đều tưởng rằng khi đạt đến vị trí số 1 mới hạnh phúc nhưng trên thực tế không phải như vậy. Niềm hạnh phúc, nếu có, sẽ đến rồi đi rất nhanh do đi kèm với đó là bộn bề công việc, luôn phải đương đầu với biết bao sự ganh ghét, cạnh tranh.

Khi sinh ra trong đất trời này, chỉ riêng sự hiện hữu của ta cũng đã có sẵn những giá trị tuyệt vời của nó. Ta không cần phải chứng tỏ mình là ai, mình phải hơn mọi người, phải có cái này, cái kia. Chỉ cần làm việc và rong chơi với tất cả khả năng của mình, mọi việc tự nó đến rồi đi như sương sớm, như hoàng hôn, như dòng sông, áng mây trôi. Với kinh nghiệm sống của một người đã có tuổi, chúng ta sẽ nhận thấy có những điều mình cầu mong nhưng chẳng bao giờ đến; ngược lại, có những điều ngoài sức tưởng tượng, mình không dám mơ ước nhưng nó lại đến một cách nhẹ nhàng, êm dịu.

___________________________________________________

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM

(Theo BS.Lê Hùng (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựng kịch bản kinh tế 2011
  • Phân bổ ngân sách 2011-2015: Nước chảy chỗ trũng
  • Mong muốn và hiện thực
  • 5 thách thức với kinh tế Việt Nam cuối năm
  • “Phải hỏi ý kiến dân khi bỏ hội đồng nhân dân”
  • Áp lực tăng lương kép
  • Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công
  • Xác định rõ vai trò kinh tế nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com