Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảnh giác với việc tăng giá và nguy cơ tái lạm phát

tinkinhte.com
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trần Việt/TTXVN).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao ở các thành phố lớn, giá các mặt hàng đầu vào thiết yếu của sản xuất và đời sống như xăng dầu, điện, than... cũng chịu áp lực tăng giá.

Do đó, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 ở mức 7% như Quốc hội đề ra, Chính phủ sẽ phải có các giải pháp chủ động để ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao.

Các bộ, ngành cũng cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, điều hòa cung cầu, tài chính tiền tệ, xuất nhập khẩu, kiểm tra kiểm soát thị trường...

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng như điện, nước, xăng dầu, than... là bước tất yếu để nền kinh tế vận hành minh bạch hơn nhưng lại tạo ra những áp lực nhất định đối với lạm phát.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại thị trường sẽ không chỉ tăng giá bởi những nguyên nhân đầu vào mà còn tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.

Áp lực tăng cao

Mặc dù có rất nhiều biện pháp kiềm chế giá cả nhưng giá cả dịp Tết vẫn tăng rất mạnh. Sức tiêu dùng tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,68%, còn Hà Nội "leo thang” tới 2,61% so với tháng trước.

Nhiều ý kiến lo ngại, áp lực tới giá cả sẽ còn mạnh hơn trong các tháng tới, nhất là khi thực hiện lộ trình tăng giá điện.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định việc tăng giá một loạt các mặt hàng như điện, nước sạch, than, các mặt hàng thiết yếu của đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến chỉ số giá.

"Mức tăng của một loạt các mặt hàng thiết yếu khiến mớ rau, quả trứng cũng tăng giá theo. Đơn cử, khi giá xăng tăng thì phí vận chuyển taxi tăng, hay tăng giá điện sẽ đẩy giá thép, ximăng... cũng tăng và khi giá thép tăng thì đương nhiên chi phí xây dựng, rồi thuê nhà, giá bán nhà sẽ không thể đứng yên... Đầu vào sản xuất tăng thì chắc chắn giá bán sản phẩm cũng phải được đẩy lên. Cứ mỗi lần tăng giá như vậy, quay vòng khoảng 2-3 tháng, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Điều này gây áp lực lớn cho nền kinh tế trong năm nay”, ông Đăng Doanh nói.

Các doanh nghiệp cũng đặc biệt lo ngại mỗi khi giá các mặt hàng đầu vào tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường bày tỏ: "Giá điện dự kiến tăng từ tháng 3 sẽ tác động khá mạnh tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tới các doanh nghiệp sản xuất phôi thép vì giá điện chiếm tới 10% giá thành."

Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như da giày, hóa chất, ximăng, giấy... cũng lo ngại việc tăng giá điện sẽ đẩy doanh nghiệp đến chỗ phải tăng giá sản phẩm.

Chưa hết, theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát của năm 2010 này còn chịu hệ lụy bởi chính sách điều hành tiền tệ của năm 2009. Câu chuyện tăng giá trong quý I và đầu quý II năm nay có liên quan mật thiết đến mức tăng trưởng tín dụng 38% của năm 2009.

Bởi độ trễ của tăng trưởng tín dụng thường tác động sau đó 4-6 tháng nên tác động đến lạm phát năm 2010 là khó tránh khỏi. Do đó, chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra là kiềm chế lạm phát ở mức 7% sẽ rất khó thực hiện được.

Chủ động đối phó

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, để đối phó với việc tăng giá than, điện, xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đã phải tính tới tiết giảm tiêu hao năng lượng thông qua việc đổi mới công nghệ.

Chẳng hạn, để sản xuất 1 tấn phôi thép cần tới 600 kWh điện, nhưng nếu dùng máy móc công nghệ mới thì sẽ giảm, chỉ cần 400-500 kWh điện. Chính vì thế, tìm ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng là giải pháp sống còn với doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo thì kiến nghị về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chủ trương đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng.

Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cảnh báo: “Có khi, giá điện, giá xăng tăng một nhưng giá hàng hóa lại tăng hai. Có hiện tượng này là do giới kinh doanh có tâm lý ăn theo giá xăng, giá điện, khiến mặt bằng giá cả càng bị đẩy lên cao. Đây là kiểu kinh doanh chộp giật, a dua, vào hùa, thiếu văn minh nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả.”

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu thì càng cần quan tâm đến việc kiểm soát giá cả.

Chuyên gia giá cả Ngô Trí Long lưu ý: "Cần phải kiểm soát việc tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất tới doanh nghiệp lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường. Chẳng hạn, doanh nghiệp xăng dầu được tự định giá bán nhưng các cơ quan chức năng cũng phải xem mức tăng giá đưa ra có phù hợp không. Ngành điện tăng giá điện nhưng trước tiên cần phải có giải pháp giảm tổn thất điện năng ở khâu phân phối, truyền tải, tiêu thụ… Nếu để người dân gánh cả chi phí tổn thất điện năng mà mức tổn thất này ở mức cao hơn rất nhiều so với các nước thì không hợp lý.”

Bộ Công Thương khẳng định việc tăng giá điện sẽ được tính toán ở mức phù hợp, không gây sốc gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng sẽ tính toán và có các giải pháp để mức tăng giá điện không “phá vỡ” mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7%.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng "việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than, nước sinh hoạt... cần phải thận trọng khi quyết định mức độ và thời điểm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2010."

Theo ông Ánh, từ tháng 12/2009, CPI lại tăng 1,38% - mức tăng cao nhất trong cả năm 2009 - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng lạm phát cao có thể quay trở lại vào năm 2010.

Tuy nhiên, nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý thì CPI cả năm có thể ở mức một con số.

Để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, trọng tâm trong ngắn hạn của chính sách tài khóa là giữ vững mức động viên vào ngân sách Nhà nước khoảng một phần tư GDP - không giảm nhưng cũng không được tăng để không tăng thêm gánh nặng huy động vào ngân sách Nhà nước cho nền kinh tế.

Ưu tiên thứ hai là giảm mức độ thâm hụt ngân sách Nhà nước trong lộ trình tiến tới cân bằng cán cân ngân sách Nhà nước trong dài hạn.

Ngoài ra, theo ông Ánh, chính sách lãi suất cũng cần được áp dụng linh hoạt và theo cơ chế thị trường. Lãi suất cơ bản, tái chiết khấu và tái cấp vốn được điều chỉnh linh hoạt kết hợp với nghiệp vụ thị trường mở để giải quyết đồng thời hai bài toán, đảm bảo nguồn vốn có “giá cả” hợp lý để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng nóng và kiểm soát được lạm phát./.

Thu Hường-Minh Phương (Báo Tin Tức/Vietnam+)

  • ‘GDP quý I tăng 6% không có gì là bất ngờ’
  • “Tam nông” đói vốn!
  • Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%
  • Kinh tế Việt NamThấp thổm
  • “Hậu tăng giá”: Nỗi lo ghìm cương
  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: CPI tháng 3 có thể tăng 0,5%
  • Đưa kinh tế nước ta vươn lên tầm vóc mới
  • Lạm phát cuối năm 2010 có thể là 2 con số
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi