Kinh tế Việt Nam hiện xuất hiện khá nhiều vấn đề cần lời giải, như: Nên áp dụng hay không chính sách nới lỏng đối với tài chính, tiền tệ; bỏ trần lãi suất cơ bản; cho vay theo lãi suất thỏa thuận ngắn hạn, nới lỏng cho vay đối với bất động sản và chứng khoán… Tất cả vẫn đang sôi lên sùng sục trong những cuộc bàn luận từ quán bia đến văn phòng, từ doanh nhân đến các quan chức chính phủ. Và, tất cả vẫn nằm trong sự thấp thỏm, chờ đợi.
Căn nguyên của sự chờ đợi này không chỉ đến từ những chỉ số lạm phát quá cao trong tháng 2 tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các phương án điều chỉnh chính sách tài chính tiền tệ đã được chính phủ thiết lập sẵn sàng cho cả hai tình huống tăng cao hoặc trong tầm mức vừa phải của sự kiểm soát.
Lạm phát tháng 1 và 2 luôn được cho là có căn nguyên từ sức tiêu thụ cao những tháng áp Tết Nguyên đán. Người ta phải “bắt mạch” sức khỏe của nền kinh tế dựa vào tháng 3 khi yếu tố tăng giá dịp tết đã qua.
Nhưng đúng là mọi chuyện có vẻ không đơn giản. Đối với dư luận xã hội, tháng 3 năm nay dường như không “yên ả”. Và đối với những nhà quản lý, dường như họ cũng nhận thấy những yếu tố khiến cho tháng 3 không “yên ả” như thông lệ, thế nên, mọi chính sách quan trọng cho cả hai tình huống nới lỏng hoặc thắt chặt tín dụng - dù đã có - vẫn phải chờ đợi.
Hàng loạt yếu tố tăng giá như than, điện, xăng dầu, nước, tỉ giá... đều sẽ có hiệu ứng trong tháng này. Hiếm khi có tháng 3 nào lại chịu nhiều tác động tăng giá dồn lại như thế. Đó là chưa tính đến một cảnh báo lơ lửng từ năm 2009 kéo sang: hiệu ứng từ lượng tiền khổng lồ đã giải ngân từ gói kích cầu và cứu trợ nền kinh tế được cho là tất yếu tác động lên lạm phát.
Để giải bài toán lạm phát tăng cao do kích cầu tiêu dùng xã hội, kích cầu đầu tư thì thắt chặt tài chính tiền tệ dường như quốc gia nào lâm vào cũng sẽ phải làm.
Nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế đã cảnh báo các nước sau khủng hoảng không nên vội vàng, mạnh tay với thắt chặt tín dụng. Các chuyên gia trong nước cũng đã lên tiếng cảnh báo tương tự về cái bẫy thanh khoản sẽ cản đà tăng trưởng chung đồng thời triệt tiêu mọi nỗ lực chống giảm phát nền kinh tế nếu áp dụng thắt chặt tín dụng.
Không chỉ là “tháo” hay “thắt”
Và những cảnh báo này có vẻ như đã phần nào thuyết phục được chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thay vì áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng ngay từ đầu năm thì hàng loạt thay đổi “bất ngờ” vừa được áp dụng. Tỉ giá tiếp tục được nâng cao mạnh tay tương đương lần điều chỉnh mạnh tay mới diễn ra tháng 11/2009, đưa mức giao dịch với đồng USD lần này lên mức 19.100 VNĐ/1USD.
Tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước cho phép giao dịch lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung và dài hạn.
Chưa hết. Mặc dù sau khi có tin đồn về khả năng bãi bỏ lãi suất cơ bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 8% năm và kèm theo thông tin về sự dồi dào nguồn vốn cho vay với con số được thông báo chính thức lên đến 30.000 tỉ đồng (vốn khả dụng).
Cùng với lời trấn an trên, một số ngân hàng công khai hạ lãi suất huy động khiến cho dư luận cảm nhận, cuộc đua lãi suất huy động đang xì hơi.
Nhưng câu chuyện lãi suất dường như chưa hết sức hấp dẫn. Mới đầu tháng 3, khả năng cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với vay ngắn hạn có thông tin là đang được cân nhắc. Nếu được phép áp dụng, bỏ lãi suất cơ bản sẽ hành hiện thực. Tiền tệ sẽ được trả về với đúng nghĩa thị trường.
Các quyết định hành chính được cho là đã góp phần cứu nguy cho kinh tế vĩ mô nhưng bị quy kết đã làm ra khuôn mặt méo mó của thị trường tài chính tiền tệ vì thế sẽ hết hiệu lực.
Tháo nút tiền tệ có vẻ là một thông điệp được toàn xã hội chờ đợi, nhất là những doanh nghiệp cần vốn nhưng khó tiếp cận được với các gói hỗ trợ từ phía chính phủ. Tháo nút tiền tệ còn làm hâm nóng những chuyên gia lướt sóng đang chầu chực bên bờ hai thị trường chứng khoán và bất động sản và đó cũng chính là thời vàng son của những ai kinh doanh tiền tệ. Tất nhiên, hệ thống ngân hàng sẽ gặt hái được rất nhiều lợi nhuận vì họ luôn cầm đằng chuôi cho những cuộc vay lãi suất “thỏa thuận”.
Thói quen “đổ bệnh” nền kinh tế lên đầu ngành ngân hàng sẽ giảm thiểu, thay vào đó, chính sách điều hành vĩ mô sẽ bắt buộc phải quay sang kiểm soát chặt chẽ chính sách tài khóa. Ở góc độ này, những người theo đuổi quan điểm đòi hỏi giảm huy động đầu tư từ xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư công, xóa bỏ hàng loạt những dự án con voi nhưng hiệu quả con chuột mà diễn đàn Quốc hội đã nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi, họ chính là những người hồi hộp nhất. Họ là những người nhớ lâu hơn ai hết biết bao lời hứa xem xét cắt giảm các dự án “con voi còi xương” trong những năm qua mà chẳng bao giờ có báo cáo kết quả làm được sau những lời hứa. Họ hiểu hơn ai hết, những căng thẳng về vốn dẫn đến căng thẳng trong xã hội bởi chi phí đắt đỏ, hiệu quả thấp bắt nguồn từ tư duy làm ăn của chúng ta còn yếu kém, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của Việt Nam rất thấp.
Nếu tình thế có thể xoay chuyển được, tức là các gói đầu tư của chính phủ cho đến dân doanh đem lại hiệu quả cao thì sức ép huy động vốn trong xã hội sẽ giảm rất nhiều, lạm phát vì thế không còn là nỗi ám ảnh thường trực.
Và trong cái nỗi niềm thấp thỏm tháng 3, người ta còn thấp thỏm hi vọng con số 20.000 tỷ đồng sẽ được dừng cấp cho những dự án công không hiệu quả và cả chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát toàn bộ hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trong một chỉ dấu về khả năng sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước cho hiệu quả.
Kết quả của việc rà soát không nằm trong tháng 3 mà sẽ rơi vào kỳ họp thứ 8 dự kiến vào cuối năm. Nhưng cắt giảm tới 20.000 tỉ đồng lại quá cần thiết trong một nền kinh tế đang khát vốn và mong muốn giảm thiểu chi phí kém hiệu quả.
Và ước mong cải tổ lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng làm ăn hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn, trở thành những đầu tàu của nên kinh tế trong biển hội nhập toàn cầu mênh mông là điều mong ước dường như là của toàn xã hội.
(Báo tổ quốc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com