Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Hậu tăng giá”: Nỗi lo ghìm cương

Việc giá xăng bất ngờ tăng thêm 590 đồng/lít từ ngày 21-2 đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau. Dư luận đặt câu hỏi liệu giá xăng, dầu có được điều chỉnh một cách khách quan hay đã tăng quá mức so với giá thế giới?

Phía cơ quan quản lý và các doanh nghiệp xăng, dầu đầu mối lại khẳng định, giá xăng đã được điều chỉnh theo đúng quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Song bên cạnh việc giám sát xem giá xăng thời gian qua có được điều hành một cách khách quan hay không, quan trọng nhất hiện nay là giải quyết vấn đề "hậu tăng giá xăng". Bởi sau khi giá xăng biến động, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ lập tức điều chỉnh, gây áp lực tăng CPI.

Việc tăng giá xăng là cần thiết?
 
Người tiêu dùng đang canh cánh nỗi lo về giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong đời sống. Ảnh: Trung Kiên

Những phản ứng của dư luận xung quanh chuyện giá xăng bất ngờ tăng thêm 590 đồng/lít vào cuối đợt nghỉ Tết đã được chúng tôi trao đổi với ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Theo ông Dũng, có hai nguyên nhân cơ bản khiến Petrolimex phải điều chỉnh tăng giá xăng ngày 21-2. Thứ nhất là do tỷ giá USD/đồng Việt Nam vừa qua đã điều chỉnh mạnh. Mỗi USD khi quy đổi ra đồng Việt Nam đã tăng thêm hơn 600 đồng. Thêm vào đó, giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới trong 30 ngày gần đây đã ở mức trên 83 USD/thùng. Nếu căn cứ vào thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đợt tăng giá vừa rồi DN có thể tăng tới hơn 700 đồng/lít. Tuy nhiên, quyết định tăng giá của DN chỉ dừng lại ở mức 590 đồng/lít (tương đương với 75%, là mức tăng được phép điều chỉnh).

Ông Dũng khẳng định, quyết định tăng giá vừa qua đã bám sát diễn biến giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới, đồng thời tuân thủ Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Petrolimex là tổng công ty nhà nước, kinh doanh mặt hàng đặc biệt là xăng, dầu nên chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước chứ không tự do như một số lĩnh vực khác. Mỗi quyết định mà DN đưa ra sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và cả người tiêu dùng. Nếu Petrolimex làm sai, cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là liên bộ Tài chính - Công thương, sẽ lập tức có ý kiến. DN mà làm sai thì đã bị xử lý.

Xung quanh việc giá xăng tăng, đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng, trong 30 ngày qua, giá xăng thành phẩm nhập khẩu đã tăng khoảng 595 đồng/lít, nên các DN điều chỉnh tăng khoảng 590 đồng/lít là hợp lý. Mặc dù theo quy định, DN xăng, dầu đầu mối hiện được quyền tự tăng giá mà không cần xin phép, nhưng nếu DN làm sai thì chính họ sẽ phải trích lại số tiền thu được do tăng giá trái quy định.

Một mặt bằng giá mới sẽ hình thành

Sau khi giá xăng điều chỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế đã lo ngại giá nhiều hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo phản ứng dây chuyền. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây sẽ khắc phục được nhiều bất cập hiện nay, song cũng kéo theo hệ quả là giá đầu vào của nhiều nguyên, nhiên liệu tăng cao. Sau khi giá xăng tăng, từ mớ rau, quả trứng, phí lưu thông đến các loại vật liệu… đều tăng và sẽ hình thành một mặt bằng giá mới. Đây là áp lực lớn đối với việc kiềm chế tăng CPI trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, với những chính sách linh hoạt và kịp thời, Chính phủ vẫn tìm được những hướng giải quyết phù hợp để kiềm chế CPI ở mức một con số. Theo ông, khi giá điện, than, xăng, dầu tăng cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã triệt để thực hiện tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Các DN cũng nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để bù đắp chi phí. Nhật Bản là một trong những quốc gia áp dụng hướng đi này và đã vượt qua những đợt sóng gió lớn, trở thành cường quốc kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá than, xăng, dầu, điện, nước sạch… theo giá thị trường là tất yếu. Việt Nam đã hội nhập thì không thể giữ mãi tình trạng bù lỗ giá như trước. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát giá các mặt hàng chiến lược là cần thiết, bởi khi có những biến động bất thường, sự can thiệp kịp thời sẽ nhanh chóng giúp tình hình kinh tế - xã hội ổn định. Để kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2010, ngoài công tác quản lý giá, việc giữ cân đối cán cân thương mại, tăng cường quản lý nợ công, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ… sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam giữ nhịp phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế vĩ mô và đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

(Theo Hương Ly // Hanoimoi Online)

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: CPI tháng 3 có thể tăng 0,5%
  • Đưa kinh tế nước ta vươn lên tầm vóc mới
  • Lạm phát cuối năm 2010 có thể là 2 con số
  • Bia đá Văn Miếu: Mối lo từ đây
  • Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp
  • Kiểm toán Nhà nước: Xử lý tài chính hơn 14 nghìn tỷ đồng
  • Cải cách thủ tục hành chính: Không chỉ tiết kiệm 6.000 tỷ đồng
  • Điều chỉnh giá thận trọng không gây tác động lớn đến đời sống nhân dân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi