Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính sách xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia

Dù là một trong những nước XK gạo lớn trên thế giới nhưng chúng ta vẫn không thể lơ là an ninh lương thực
Dù là một trong những nước XK gạo lớn trên thế giới nhưng chúng ta vẫn không thể lơ là an ninh lương thực

Trong cuộc bàn tán khá sôi nổi trước thềm một chính sách mới về kinh doanh XK gạo đang được Bộ Công Thương tích cực chuẩn bị hiện nay, dường như có không ít ý kiến quá đà về an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, không thể không xem xét thấu đáo mối quan hệ giữa an ninh lương thực quốc gia với hoạt động kinh doanh XK gạo.

Xét trên bình diện toàn cầu, có thể khẳng định chắc chắn rằng, an ninh lúa gạo thế giới đang ở trong tình trạng mong manh hơn bao giờ hết.

Phấp phỏng thị trường gạo thế giới

Điều này thể hiện rất rõ trên ba khía cạnh sau :

Thứ nhất, sản lượng gạo vẫn nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới trong những năm gần đây tăng quá chậm.

Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng gạo thế giới từ đầu thập kỷ đến nay chỉ tăng vẻn vẹn 36,4 triệu tấn, hay chỉ tăng bình quân 0,95%/năm. Trong khi đó, sản lượng của loại nông sản chiến lược khác góp phần chủ yếu trong việc nuôi sống gần một nửa dân số thế giới còn lại là lúa mỳ trong cùng kỳ đã tăng được 85,2 triệu tấn, hay tăng bình quân 1,53%/năm.

Thứ hai, do nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng mạnh, cho nên dự trữ gạo thế giới cho dù hiện đã thoát khỏi điểm đáy, nhưng vẫn đang ở mức nguy hiểm.

Cụ thể, vẫn từ nguồn số liệu thống kê nói trên, có thể thấy, khối lượng gạo dự trữ của thế giới năm 2000 còn là 143,1 triệu tấn, thì cuối năm nay chỉ còn là 90,7 triệu tấn, hay đã giảm 52,4 triệu tấn và 36,62% (năm 2005 ở mức đáy chỉ với 73,4 triệu tấn, cho nên giảm gần một nửa so với năm 2000). Trong khi đó, khối lượng lúa mỳ dự trữ của thế giới tuy hiện cũng giảm, nhưng mức giảm chỉ là 20,6 triệu tấn và 9,94% (mức đáy là năm 2003 với mức giảm 75,3 triệu tấn và 36,32%).

Chính vì sự không đồng tốc như vậy mà tỷ lệ dự trữ so với sản lượng gạo thế giới đã giảm rất mạnh từ 34,96% vào năm 2000 xuống chỉ còn 20,35% hiện nay, trong khi hai con số tương ứng của lúa mỳ là 35,56% và 27,94%.

Thứ ba, trong bối cảnh như vậy, mức độ tự cung tự cấp trong sản xuất và tiêu dùng lúa gạo trên quy mô toàn cầu đặc biệt cao.

Cụ thể, với chỉ vẻn vẹn 22,8 triệu tấn, khối lượng XK gạo của thế giới năm 2000 chỉ chiếm 5,57% tổng sản lượng, còn khi đạt kỷ lục 31,8 triệu tấn trong năm 2007 vừa qua thì tỷ lệ này cũng chỉ là 7,56%, trong khi cặp số liệu này của lúa mỳ năm 2000 lên tới 101,5 triệu tấn và 17,41%, còn kỷ lục cũng trong năm 2007 là 140,7 triệu tấn và 20,62%.

Không những vậy, thị trường gạo thế giới hiện nay nếu không mong manh bậc nhất thì có lẽ cũng thuộc loại mong manh bậc nhất còn do không ít các yếu tố cũng rất quan trọng khác. Trong đó nổi bật nhất trước hết là tuyệt đại bộ phận các nước sản xuất và tiêu dùng gạo chủ yếu của thế giới đều là những nước đang phát triển, cho nên khả năng chi mua gạo không chỉ của người dân mà cả của quốc gia là rất có hạn. Mặt khác, khác với hàng loạt nước quen với việc tiêu dùng nhiều loại lương thực khác nhau, thí dụ như lúa mỳ và khoai tây, thậm chí cả gạo, do tập quán “đóng chốt” gạo làm lương thực phổ biến của rất nhiều nước, cho nên việc lo cho đầy “bồ thóc” của từng hộ gia đình và quốc gia này trở thành gánh nặng quá lớn trong trường hợp mất cân đối cung cầu. Cảnh “rồng rắn lên mây” xếp hàng mua gạo khi giá gạo thế giới tăng không chỉ ở các nước vẫn phải NK gạo, mà ngay ở cường quốc XK gạo như nước ta đủ cho thấy điều đó.

Thị trường gạo thế giới trước “ngã ba đường” ?

Trong điều kiện như vậy, thị trường gạo thế giới rất dễ hoảng loạn khi một quốc gia nào đó tìm cách tăng thêm nguồn cung của mình từ thị trường gạo thế giới.

Với những động thái gần đây, có thể nói, thị trường gạo thế giới đang ở trong tình trạng rất khó đoán định.

Trước hết, như đã nói ở trên, cho dù tồn kho gạo thế giới hiện nay tuy ở mức rất thấp so với năm 2000, nhưng vẫn khả quan hơn nhiều so với mức đáy cách đây hai năm. Thế nhưng, hiện đang có một số yếu tố dẫn tới tình trạng kém khả quan hơn.

So sánh lượng XK gạo của Ấn Độ và Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2009, dự báo 2010

Đó là, như dự báo tháng 10 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản lượng gạo của thế giới trong năm tới sẽ giảm trên 12 triệu tấn, tức là hầu như sẽ lùi về mức đã đạt được năm 2008. Trong khi đó, tiêu dùng gạo thế giới chẳng những không giảm mà vẫn tăng trên 3 triệu tấn. Chính vì vậy, dự trữ gạo thế giới vào cuối năm tới so với năm nay sẽ giảm gần 5 triệu tấn, hay giảm 5,29%.

Thế nhưng, điều khiến cho thị trường gạo thế giới trong những ngày gần đây nhốn nháo chính là tình hình có thể trở nên tồi tệ ở Ấn Độ, “người khổng lồ” số 2 thế giới xét trên cả ba mặt: dân số, sản lượng gạo và tiêu dùng gạo.

Cụ thể, vẫn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ “rơi tự do” 15,15 triệu tấn, tương ứng với 15,28%, do thiên tai chưa từng có trong vòng bốn thập kỷ trở lại đây. Trong bối cảnh như vậy, tuy nước này sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” giảm tiêu dùng 3,65 triệu tấn và dốc kho dự trữ tới 7 triệu tấn để giải toả cơn khát gạo khiến dự trữ của nước này chỉ còn 10 triệu tấn, tức là chỉ còn chưa bằng 1/4 của Trung Quốc.

Cho dù vậy, so với mức giảm sản lượng thì tổng mức giảm tiêu dùng và giảm dự trữ gạo của “người khổng lồ” số 2 thế giới này vẫn còn thấp hơn 4,5 triệu tấn gạo, cho nên có nhiều khả năng người dân Ấn Độ sẽ phải gia tăng sử dụng lúa mỳ và các loại lương thực khác, bởi vẫn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ấn Độ sẽ không bù đắp khoản gạo thiếu hụt không nhỏ này bằng cách NK từ thị trường thế giới.

Thế nhưng, theo một số nguồn tin từ Ấn Độ trong mấy ngày gần đây, bên cạnh việc hạ thuế NK gạo, Chính phủ Ấn Độ sẽ cho NK khoảng 2 triệu tấn và đang cân nhắc áp dụng các chính sách khác nhằm khuyến khích các hoạt động NK trong thời gian tới. Không những vậy, còn có những đồn đoán cho rằng, thay vì 2 triệu tấn, khối lượng gạo mà Ấn Độ sẽ NK trong năm tới lên đến 3 triệu tấn. Nếu vậy, đây sẽ là bước ngoặt không chỉ đối với Ấn Độ, mà là của cả thị trường gạo thế giới, bởi nếu không kể việc NK 6.000 tấn gạo “ăn chơi” gần đây nhất vào năm 2005, thì cách đây tròn 20 năm Ấn Độ mới là quốc gia NK gạo với quy mô lớn (469 nghìn tấn, xếp hạng 4 thế giới), nhưng cũng chỉ thảng hoặc mới NK, chứ không triền miên như một số quốc gia khác.

Trong khi đó, trong vòng một thập kỷ trở lại đây, tính bình quân mỗi năm Ấn Độ XK 3,968 triệu tấn gạo, tức là chỉ kém nước ta 594 nghìn tấn mỗi năm. Thế nhưng, điều khác biệt rất cơ bản giữa nước ta và Ấn Độ trong hoạt động này chính là ở chỗ, trong khi chúng ta là quốc gia XK gạo rất chuyên nghiệp, bởi vì hầu như năm nào cũng tăng khối lượng gạo cung ứng cho thị trường thế giới, trong khi khối lượng gạo XK của Ấn Độ thì trồi sụt rất thất thường, thể hiện ở việc có tới bốn năm “người khổng lồ” số 2 thế giới này “tranh” được vị trí cường quốc XK gạo thế giới của nước ta.

Chắc chắn đây chính là yếu tố quan trọng nhất khiến giá gạo thế giới có thể tăng đột biến trong thời gian tới. Bởi lẽ, cho dù hai cơn bão số 9 và số 10 liên tiếp tàn phá Philippines chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhưng sản lượng lúa bị giảm của nước này cũng chỉ là 1 triệu tấn, còn cơn bão số 11 cách đây ít ngày cũng gây thiệt hại thêm nữa, nhưng khối lượng gạo NK tăng thêm của nước này trong năm tới chắc chắn không thể đạt tới ngưỡng 1 triệu tấn.

Do vậy, rất có thể việc giá gạo của nước ta XK sang Philippines trong phiên đấu thầu sớm hơn thường lệ cách đây ít ngày với giá cao ngất ngưởng 480 USD/tấn mới chỉ là bước khởi động đầu tiên.

Tuy nhiên, về phía cung, với kho dự trữ khổng lồ của Thái Lan, cộng với việc nước ta được mùa, cũng như những nỗ lực đẩy mạnh XK của hai quốc gia Đông Nam Á khác là Myanmar và Campuchia, khó có thể nói nguồn cung sẽ bị thiếu hụt. Do vậy, cũng có thể lời đồn đoán về việc giá gạo thế giới có thể lập lại kỷ lục năm 2008 chỉ là do “sốt tâm lý”.

Thay lời kết

Trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới bất an như vậy, dường như quan điểm “cột chặt” hoạt động kinh doanh XK gạo với an ninh lương thực quốc gia của các nhà quản lý không nhận được sự đồng thuận của đông đảo dư luận. Lập luận của các ý kiến phản biện này tuy rất khác nhau, nhưng tựu trung lại đều có một điểm cốt lõi giống nhau. Đó là, do được thiên nhiên ưu đãi, nước ta quanh năm đều có cấy gặt, cho nên không sợ thiếu gạo, cho nên an ninh lương thực là nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển hay bị bão lụt, đồng bào dân tộc ở nhiều vùng còn khó khăn..., còn khối lượng gạo dành cho XK hãy để cho cơ chế thị trường điều tiết.

Nhưng quan điểm của người viết cho rằng, lý lẽ của các nhà quản lý hoàn toàn có cơ sở, bởi rất nhiều lẽ.

Trước hết, tuy đúng là nước ta từ hơn hai thập kỷ gần đây không thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước, nhưng cùng với việc chúng ta trở thành cường quốc XK gạo số 2 thế giới, chính kênh lưu thông gạo hiện chỉ dao động trên dưới 1/4 tổng sản lượng gạo này chính là “cửa ngõ dẫn đường” cho sốt nóng giá gạo thế giới tràn vào nước ta. Hình ảnh “rồng rắn lên mây” xếp hàng mua gạo ở thời điểm sốt nóng giá gạo thế giới lên tới mức “đỉnh” hồi gần giữa năm 2008 trong bối cảnh tồn kho gạo trong nước thừa sức đáp ứng nhu cầu trong nước đủ cho thấy rất rõ điều đó. Rõ ràng, một khi tình huống như vậy xuất hiện, đương nhiên không phải chỉ là hàng triệu người vẫn thuộc diện Nhà nước phải bảo đảm an ninh lương thực, mà sẽ có thêm hàng chục triệu không thể tiếp cận được lương thực.

Trong những trường hợp như vậy, nếu như không áp đặt những mệnh lệnh hành chính, thí dụ như buộc các DN XK phải dốc kho dự trữ gạo cho thị trường trong nước, chỉ riêng việc giá gạo đứng ở mức cao gấp đôi so với bình thường trong một thời gian dài cũng có thể kéo theo sự bất ổn xã hội. Việc đất nước đông dân nhất khu vực náo loạn do sốt nóng giá gạo kéo dài cách đây hơn một thập kỷ, mặc dù Chính phủ nước này đã phải khẩn cấp NK 5,6 triệu tấn trong năm đó, đạt kỷ lục chưa từng có trong lịch sử thương mại gạo thế giới tự cổ chí kim đến nay, chính là “gương tày liếp”. Có thể nói, ý nghĩa của việc tính từ chiến lược được gắn với mặt hàng nông sản này chính là ở chỗ đó.

Nói tóm lại, cho dù việc làm thế nào để XK gạo được giá là vấn đề không thể không giải quyết, nhưng cổ xúy thái quá cho XK theo cơ chế thị trường trong điều kiện an ninh lúa gạo thế giới phấp phỏng như hiện nay là rất phiêu lưu. 

(Theo Nguyễn Đình Bích // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Vốn tại các Tập đoàn, TCty nhà nước: Vẫn chuyện quản lý - giám sát
  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Hiểm họa môi trường, tụt hậu trong cạnh tranh
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: “Bình mới rượu cũ”
  • Chất lượng tăng trưởng là vấn đề cốt yếu
  • Năm 2010: Trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
  • Cạnh tranh thị trường viễn thông: Ba bên được lợi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi