Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chất lượng tăng trưởng là vấn đề cốt yếu

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn đã khôi phục sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.  Ảnh: Thảo Nguyên

 - Ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT - XHnăm 2009 và kế hoạch phát triển KT - XHnăm 2010. Đa số các ý kiến cho rằng, nước ta đã bước đầu ngăn chặn được suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Giữ ổn định nhưng chưa bền vững

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2009 nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức lớn do đồng thời chịu tác động của đợt lạm phát cao năm 2008 và đối mặt với cuộc suy thoái trầm trọng của kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sụt giảm mạnh trong quý I, nhưng bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế đã dần phục hồi trong quý II và quý III. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy không ít hạn chế, kể cả hạn chế đã tích tụ trong nội tại nền kinh tế, cũng như mới phát sinh do tác động trái chiều của các chính sách mới ban hành và những bất cập trong việc tổ chức triển khai các giải pháp. Biểu hiện cụ thể là bội chi ngân sách cao trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2009, bội chi là 6,9% GDP, thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, song chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác. Nợ Chính phủ tăng cao (năm 2009 ước lên đến 40% GDP; năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP) nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo.

Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) nhận xét, tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng, mà chất lượng chưa cao. Tổng mức đầu tư toàn xã hội bằng 42,2% GDP, trong khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm chỉ còn khoảng 5,2%; chỉ số ICOR tăng lên trên 8 so với mức 6,66 của năm 2008. Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (đoàn Nghệ An) đặt vấn đề, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% là chưa phản ánh đúng thực chất bởi chuẩn nghèo chưa được thay đổi theo Nghị quyết của Quốc hội, trong khi mặt bằng giá chung đã lên rất cao trong mấy năm vừa qua. Đặc biệt tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn. Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các đại biểu cho rằng năm 2010 cần tập trung "duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế".

ĐB Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa): Những ai có dịp đến bệnh viện sẽ được chứng kiến cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung giường, người nhà đi chăm sóc nằm vạ vật dưới cầu thang, ngoài vỉa hè, trông nhếch nhác và cực khổ vô cùng. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải là chưa coi trọng y tế dự phòng. Muốn dịch bệnh ít thì phải làm tốt công tác phòng bệnh. Ai cũng biết việc phòng bệnh tốn kém ít, hiệu quả cao so với khi xảy ra dịch bệnh rồi mới cứu chữa. Nhưng thực tế Nhà nước dành cho y tế dự phòng chưa bằng 1/4 chữa bệnh.

Đề nghị dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn

Thực tế chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất đã gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp và làm giảm ý nghĩa của chủ trương kích cầu. Mặt khác, lãi suất VND sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau, dẫn đến nhu cầu vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Thêm vào đó, hiệu quả thực chất của các khoản tín dụng khó kiểm soát; có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản; lãi suất tiền gửi cao hơn lãi suất cho vay nên có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp tại ngân hàng này và gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch; có doanh nghiệp có vốn gửi vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất cao nhưng vẫn vay vốn VND để hưởng hỗ trợ lãi suất...

Theo đại biểu Hồ Quốc Dũng (đoàn Bình Định) gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đã hoàn thành vai trò "giải cứu" cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện, nền kinh tế cơ bản đã vượt qua thời điểm khó nhất trong khi phát sinh nhiều vấn đề trong chính sách tiền tệ, duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô, vì vậy nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn từ 31-12-2009

Tập trung cho nông nghiệp, nông thôn

Mặc dù đề nghị dừng gói kích cầu ngắn hạn, song đối với nông nghiệp, nông thôn, đa số đại biểu vẫn yêu cầu cần tập trung hỗ trợ trong thời gian tới. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) ví von, doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản thực sự cần hỗ trợ vốn, như người bệnh cần thuốc. Nếu ngừng hỗ trợ cho vay và thu hồi vốn thì chẳng những "thuốc" không có công hiệu mà còn có thể phản tác dụng, tạo hiệu quả xấu về mặt xã hội. Ông Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) đánh giá, quyết định hỗ trợ nông dân vay vốn đã mang lại sự phấn khởi cho bà con. Song thực tế, tỷ lệ hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn này quá thấp, 500 tỷ đồng so với 400.000 tỷ đồng tổng dư nợ hỗ trợ. Nguyên nhân là do sự hướng dẫn của các ngành chức năng không kịp thời, thiếu rõ ràng, ví dụ quy định 1ha đất chỉ được vay 7 triệu đồng, chỉ đủ chi phí sản xuất lúa nhưng không đủ nếu sản xuất cây màu, cây ăn quả. Ông Hồ Quốc Dũng (đoàn Bình Định) so sánh, hiện ở nông thôn, trung bình mỗi nhân khẩu được 1 sào ruộng, thu lãi tối đa 115.000 đồng/vụ, chưa kể gặp thiên tai thì gần như mất trắng. Vì vậy, thu nhập bình quân 1.000 USD/người có vẻ là ước mơ xa vời của nông dân. Còn đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) cho rằng nên tập trung hỗ trợ nông dân vào những vấn đề lớn như cơ sở hạ tầng, tư duy sản xuất, tiêu dùng để phát triển bền vững.

Bên lề Quốc hội

* Đại biểu Trương Thị Mai, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: "Phải căn cứ vào yếu tố đối tượng nghèo cần gì để có biện pháp thoát nghèo"

Chúng ta phải tính đến việc thay đổi mức chuẩn nghèo, mức chuẩn hiện nay thấp so với mức sống hiện tại, quy định từ năm 2005. Đến nay, tỷ lệ trượt giá khoảng 40%, nếu không điều chỉnh chuẩn nghèo thì rất khó để đánh giá đúng thực chất số hộ nghèo hiện nay ở nước ta. Những năm vừa qua, Chính phủ đã bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo... Tuy nhiên, những chính sách này đang tập trung cho phần lớn những người chúng ta đang xác định là nghèo với mức chuẩn hiện nay. Còn số cận nghèo là số vượt quá 150% của mức chuẩn nghèo hiện nay có khoảng 1 triệu đối tượng, họ cũng đang rất khó khăn. Liên quan đến các chính sách giảm nghèo, vẫn còn phải tiếp tục thay đổi, phải nhìn vào "cầu" để quyết định "cung". Hiện chúng ta đang nhìn vào khả năng có bao nhiêu ngân sách để quyết định chính sách. Đó là điều kiện của các nước đang phát triển, với nguồn ngân sách hạn hẹp. Theo tôi, trong 10 năm tới phải có những biện pháp thay đổi việc này và phải căn cứ vào yếu tố đối tượng nghèo cần gì để thoát nghèo, do vậy phương thức cũng phải thay đổi sao cho linh hoạt hơn.

* Đại biểu Vũ Văn Ninh (Nam Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Gói kích cầu của năm 2009 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử"

Gói kích cầu năm 2009 đã hoàn thành cơ bản sứ mạng lịch sử của nó. Theo quan điểm của tôi, nên phải soát lại các biện pháp đã thực hiện và thực tế là có những vấn đề phải dừng. Các biện pháp kích cầu và miễn giảm thuế triển khai trong năm 2009 là rất cần thiết. Những giải pháp đồng bộ đó đã làm cho kinh tế của nước ta vượt qua những khó khăn. Thế nhưng, đến năm 2010 chúng ta cần xem xét mức độ khác với năm 2009. Thời gian tới, nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn và đương nhiên những vấn đề đó Chính phủ rất quan tâm. Trong bối cảnh nước ta nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, vẫn còn bội chi, vẫn còn chênh lệch trong cán cân thanh toán và nhiều vấn đề nảy sinh… thì điều hành phải vô cùng thận trọng để lạm phát không quay trở lại.


(Theo Y Linh // Hanoimoi Online)

  • Năm 2010: Trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
  • Cạnh tranh thị trường viễn thông: Ba bên được lợi
  • Hàng Việt Nam : Đừng để về rồi đi
  • Phát triển kinh tế-xã hội năm 2010: Cùng chung sức hành động vì sự phát triển đất nước
  • Cơ chế để Việt Nam hóa rồng
  • Bộ GTVT quản lý hàng không kiểu gì?
  • Nếu không thêm lực đẩy, Việt Nam có tăng trưởng bền vững?
  • Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị Chất lượng - Ðổi mới, Sáng tạo - Năng lực lãnh đạo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi