Hàng loạt các dự án sản xuất thép sử dụng công nghệ lạc hậu đã và đang tạo ra nhiều hiểm họa về môi trường cũng như cạnh tranh kém hiệu quả. Ảnh: Huyền Linh |
- Áp lực cạnh tranh, đặc biệt kể từ khi nước ta gia nhập WTO, ngày càng tăng, do đó việc nâng cao trình độ công nghệ đối với doanh nghiệp là vô cùng bức thiết.
Tuy nhiên, trong khi trình độ công nghệ của hầu hết doanh nghiệp trong nước vốn đã lạc hậu, yếu kém thì "làn sóng" nhập khẩu máy móc, công nghệ thuộc dạng "cao tuổi" vẫn tiếp tục. Không chỉ doanh nghiệp nội địa mà các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ đẩy những mặt hàng hết "đát" sang Việt Nam để tận thu… sau khi đã khấu hao.
Đi sau, không chịu "tắt" cũng chẳng "đón đầu"
Sự ra đời của hàng loạt dự án sản xuất phôi thép sử dụng công nghệ lò cao ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Cao Bằng… cách đây chưa lâu được nhiều chuyên gia kinh tế ngành nhìn nhận với cái nhìn đầy hoài nghi. Theo khảo sát, các dự án đều nhập 100% thiết bị, máy móc của Trung Quốc đã bị Chính phủ nước này cấm sử dụng và đầu tư mới. Tất cả đều sử dụng lò cao dung tích nhỏ dưới 500m3, đa số từ 185-220m3, trong khi xu hướng ngành thép thế giới sử dụng lò cao dung tích lớn, từ 1.000m3 trở lên, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, tiêu hao ít năng lượng, tăng cao hiệu quả sản xuất.
Nhìn tổng thể, hiện các lò cao loại lớn đang có của ngành thép mới đạt cỡ 100-120m3, còn lại số lò cao cỡ 22-50m3 khá phổ biến. Kết quả là ngành công nghiệp này trở thành điển hình của ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, cũng như năng suất thấp...
Một chuyên gia ngành thép đã chua chát: Họ bỏ, ta nhập, không phải rác thải công nghệ thì là cái gì! Đây chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp nặng. Mặc dù được đánh giá là đã tập trung vào đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, thay thế những công nghệ sản xuất cũ để... chạy theo trình độ công nghệ của thế giới, nhưng nhìn chung chúng ta vẫn đang ì ạch phía sau các nước khác, kể cả một số nước trong khu vực như Thái Lan, Ma-lai-xi-a… Kết quả khảo sát tại các khu chế xuất - khu công nghiệp mới đây của Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ 1% doanh nghiệp (3 đơn vị)… đạt trình độ công nghệ ở mức tiên tiến; chỉ 4% đạt mức khá, còn lại có tới 87% thuộc dạng trung bình hoặc yếu kém. Riêng tại khu chế xuất Tân Thuận, mặc dù phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng 61%... trình độ công nghệ yếu. Đặc biệt, có đến 25% "có quy trình sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường" và "một số rất lớn" không có công nghệ hoặc không chịu xử lý chất thải lỏng, khí...
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu công nghiệp cả nước, cả về số đơn vị, doanh thu, trình độ phát triển cũng như các chỉ tiêu thu nộp cho ngân sách nhà nước mà còn như thế.
Một trong những chiến lược phát triển cho các quốc gia tụt hậu, kém phát triển, đã được chỉ ra, đã được kêu gọi, thường xuyên được hô hào là "đi tắt, đón đầu" nhưng những khảo sát cho thấy chúng ta không chịu "tắt" mà cũng chẳng "đón đầu". Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng thời cơ quy trình quản lý lỏng lẻo, tâm lý trải thảm đỏ để tuồn công nghệ "cao tuổi" hoặc hết "đát" vào Việt Nam…
Những "tấm gương" đáng giá
Theo đánh giá của Thời báo New York (Mỹ), các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và các quốc gia khu vực châu Phi đã trở thành những… "trung tâm xử lý rác thải" khi ngày ngày từ máy móc, dây chuyền thiết bị đến từng sợi dây dẫn điện, đồng hồ, bảng mạch điện tử cũ… của các nước phát triển phương Tây "tìm đến" theo cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp. Cụ thể, trong giai đoạn 1995-2007, lượng xuất khẩu công nghệ cũ, thiết bị, máy móc lạc hậu, giấy, phế phẩm nhựa và rác thải kim loại từ các nước phương Tây sang các nền kinh tế đang phát triển đã tăng lên 10 lần. Việc xuất khẩu rác thải phi pháp (bao gồm cả công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất) sang các nước nghèo đã trở thành nghiệp vụ quốc tế ngày một phát triển. Các "nhà xuất khẩu" muốn dùng con đường này để giảm chi phí cho yêu cầu xử lý môi trường, bởi phế phẩm, bao gồm từ máy móc đến sản phẩm cụ thể, buộc phải "khai tử" hoặc tái chế để tránh ô nhiễm môi trường.
Như một dây chuyền tất yếu, cách thức giải quyết vấn đề tiếp theo của các nước mới phát triển là "tuồn" sang nước kém phát triển hơn… Oái oăm ở chỗ nhà "nhập khẩu" lại háo hức như vớ được món hời.
Hai luồng nhập rác
Nhìn tổng quan năm 2008, có đến 76% máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trong nước thuộc thế hệ những năm… 1950. Theo Viện Kinh tế Việt Nam, đang có một "làn sóng" chuyển máy móc, công nghệ lạc hậu vào nước ta. Chẳng hạn, nhiều thông tin cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển công nghệ không sử dụng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là nguy cơ mà chúng ta phải hết sức cảnh giác khi hậu quả nhập máy móc, công nghệ lạc hậu cho dây chuyền sản xuất đường, dệt may, thép... vẫn còn chưa khắc phục được.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, sau khủng hoảng kinh tế tất yếu sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về công nghệ cao, công nghệ sạch giữa các nước mới phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ... Luồng di chuyển công nghệ trung bình, yếu kém sẽ từ đó đổ vào các nước đang phát triển.
Hiện tại, có hai luồng chuyển giao công nghệ "tiêu biểu" vào Việt Nam. Thứ nhất, núp bóng liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Thứ hai, do đích thân doanh nghiệp trong nước nhập khẩu mang tính thương mại thuần túy thông qua việc mua bán công nghệ trên thị trường. Cụ thể, dù có tới 90% số hợp đồng chuyển giao công nghệ qua hình thức liên doanh với nước ngoài nhưng không ít có công nghệ trung bình, thậm chí là lạc hậu.
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành thị trường nhập khẩu "rác công nghệ" dù với thực trạng hiện tại, có thể thấy "rác" công nghệ đã ngổn ngang. Áp lực cạnh tranh đi đôi với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp nói riêng, toàn bộ nền kinh tế nói chung. Thế nhưng điều gì đang xảy ra: Chúng ta đang lóa mắt bởi những dây chuyền máy móc, công nghệ, thiết bị gần như cho không, biếu không? Hay chúng ta đang quá đỗi "hồn nhiên" do trình độ doanh nghiệp còn thấp để bị đối tác nước ngoài "xỏ mũi"? Hoặc giả doanh nghiệp, cơ quan chịu trách nhiệm ký hợp đồng nhập khẩu mờ mắt bởi những "phần trăm" hấp dẫn?
Các nhà đầu tư nước ngoài tất yếu sẽ tận dụng những kẽ hở trong quản lý của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong nước có thể chỉ vì cái lợi trước mắt hơn là tầm nhìn dài hạn… Vấn đề nằm ở chỗ Nhà nước hoàn toàn có thể nói "Không!" bằng cách siết lại chính sách.
(Theo Trung Hưng // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com