Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn tại các Tập đoàn, TCty nhà nước: Vẫn chuyện quản lý - giám sát

Tổng số tiền đầu tư vào tài chính của Tập đoàn Dầu khí VN là 5.494 tỷ đồng
Tổng số tiền đầu tư vào tài chính của Tập đoàn Dầu khí VN là 5.494 tỷ đồng

Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, TCty nhà nước" tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII cho thấy các tập đoàn và TCty chưa thể hiện được vai trò đầu tàu trong hệ thống kinh tế nhà nước, nhiều tập đoàn, TCty nhà nước chưa phát huy tốt các lợi thế vượt trội từ sự quan tâm đầu tư và ưu đãi về nhiều mặt dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn và tài sản chưa cao, hoạt động đầu tư còn phân tán, dàn trải vượt quá năng lực tài chính, năng lực quản lý; Mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế và TCty còn có những bất cập; Quản trị DN còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng này là do thiếu chế tài quản lý và giám sát.

Hiện nay, tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn, TCty đến 31/12/2008 là 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, các tập đoàn và TCty có vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối DN nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, TCty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Hiệu quả thấp

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Nếu đánh giá một cách tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, TCty nhà nước theo các chỉ tiêu cơ bản thì có thể thấy: đa số các tập đoàn, TCty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, có tập đoàn, TCty đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, TCty nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các tập đoàn, TCty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua. Cụ thể, đến cuối năm 2008 đạt 485 nghìn 644 tỷ đồng với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tính chung trong ba năm 2006-2008 ở mức khá cao 46,5%. Nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu chủ yếu từ lợi nhuận sau thuế và thặng dư vốn cổ phần. Xét tổng thể, mặc dù tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của các tập đoàn, TCty có xu hướng giảm dần nhưng có thể đánh giá quy mô vốn nhà nước đã đầu tư vào các tập đoàn, TCty là khá lớn, tạo điều kiện để các tập đoàn, TCty mở rộng hoạt động. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các tập đoàn và TCty đã bộc lộ khá nhiều hạn chế. Kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, TCty năm 2008: 25,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng vốn kém hiệu quả là do đầu tư dàn trải. Số liệu thống kê cho thấy: Có tất cả 47 tập đoàn, TCty tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư) với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2006 là 6 nghìn 434 tỷ đồng, cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỷ đồng. Những tập đoàn có số tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính là Tập đoàn Dầu khí VN với tổng số tiền đầu tư là 5 nghìn 494 tỷ đồng, chiếm 26% tổng số tiền các tập đoàn, TCty đầu tư vào lĩnh vực tài chính năm 2008, Tập đoàn Điện lực VN với tổng số tiền đầu tư là 2 nghìn 146 tỷ đồng, chiếm 10,14%...

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Hiện nay có không ít đơn vị, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển của DN. Cụ thể: năm 2006 có 38 tập đoàn, TCty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% số tập đoàn, TCty; năm 2007 có 31 tập đoàn, TCty chiếm 32% số tập đoàn, TCty; năm 2008 có 31 tập đoàn, TCty chiếm 32% số tập đoàn, TCty.

Tính đến 31/12/2008, một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là TCty xây dựng CTGT 1 (21,6 lần), TCty Lắp máy VN (17,4 lần), TCty xây dựng CTGT 4 (14 lần), TCty Thành An (13,9 lần), TCty xây dựng công nghiệp VN (12,9 lần), TCty CP XNK và Xây dựng VN (12,2 lần), TCty xây dựng CTGT 8 (12 lần), TCty thuỷ tinh và gốm XD (11,3 lần), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (10,9 lần)...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn là 128 nghìn 786 tỷ đồng tăng 20,54% so với cuối năm 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm. Một số đơn vị có nợ tổ chức tín dụng lớn là: Tập đoàn Điện lực VN nợ 66 nghìn 764 tỷ đồng, chiếm 51,84% trong tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí VN nợ 21 nghìn 477 tỷ đồng, chiếm 16,67%; Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN nợ 19 nghìn 885 tỷ đồng, chiếm 15,44%.

Đối với chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến hết 31/12/2008 là 4 nghìn 168 tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn, bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 180 ngày và nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý chiếm 15% tổng số nợ quá hạn. Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN có số nợ quá hạn là 3 nghìn 812 tỷ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của tập đoàn và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn. Ngoài ra, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh, cơ cấu lại kỳ hạn nợ nên tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu trên chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nợ của các tập đoàn này.

Đi tìm lời giải

Để khắc phục những yếu kém trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, TCty, trong thời gian tới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra 6 kiến nghị:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, TCty nhà nước. Đối với Luật DN: cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định liên quan đến tỷ lệ biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển, tăng giảm vốn, quyết định nhân sự chủ chốt; sửa đổi điều lệ tại Đại hội cổ đông... Đối với Luật đất đai: cần sớm xem xét, sửa đổi các quy định để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến giá đất, đơn giá thuê đất.

Thứ hai: Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, TCty trên cơ sở hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của DN nhà nước, kể cả các tập đoàn, TCty đặc biệt.

Thứ ba: Thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu.

Thứ tư: Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của tập đoàn, TCty để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, TCty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới DN.

Thứ năm: Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, TCty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý; Quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Thứ sáu: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, TCty Nhà nước chỉ giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít tập đoàn, TCty nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt. Các tập đoàn, TCty này phải được củng cố về mặt tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý, áp dụng những chuẩn mực quản lý, kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao. Tiếp tục hoàn thiện mô hình Cty mẹ - Cty con theo nguyên tắc chủ sở hữu (Cty mẹ) được quyền định đoạt vốn, tài sản của Cty con theo quy định của pháp luật; lành mạnh hóa quan hệ sở hữu trong nội bộ tập đoàn, TCty theo hướng không cho phép Cty con đầu tư ngược trở lại vào Cty mẹ.
 

Đại biểu Vũ Quang Hải -Hưng Yên :

Theo quan điểm của tôi là hiện nay có khá nhiều DN nhà nước đang lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài, sức sản xuất và quản trị kinh doanh không mang lại hiệu quả. Do vậy nếu càng để thì lỗ càng lớn và dẫn đến tình hình tài sản nhà nước càng bị thua thiệt. Như vậy việc giải thể, phá sản hoặc bán, hoặc cho thuê DN nhà nước đang là vấn đề phải đặt ra sau cuộc giám sát này. Tôi đề nghị Chính phủ nên quan tâm tới vấn đề này hơn, đặc biệt là cổ phần hóa các DN nhà nước để chúng ta xác định được đầy đủ trách nhiệm của những người đang được Nhà nước giao cho sử dụng vốn nhà nước.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên :

Để tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt vấn đề tái cấu trúc các DN nhà nước, trong đó có các tập đoàn và TCty nhà nước: Thứ nhất, là tạo hành lang pháp lý cho việc tái cấu trúc các DN nhà nước.Thứ hai, là thực hiện tách nghĩa vụ xã hội với phần lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn, TCty nhà nước; Thứ ba, là Nhà nước với tư cách chủ sở hữu thì cần có những tác động trực tiếp đến việc tổ chức lại, cơ cấu sở hữu, xác định chiến lược và phương hướng hoạt động của các tập đoàn và TCty nhà nước.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng :

Theo tôi, Chính phủ sớm rà soát hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến quản lý vốn tài sản tại các tập đoàn, TCty nhà nước để thống nhất và tạo điều kiện thực hiện trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp quản lý hữu hiệu hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, TCty nhà nước được giao nắm giữ trọng trách những ngành huyết mạch của nền kinh tế. Ba là, Quốc hội cần tiếp tục giám sát việc giao đất, quản lý sử dụng đất tại các tập đoàn, TCty trong phạm vi cả nước. Đặc biệt là chúng ta cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh sao cho có hiệu quả cao nhất. Đồng thời kiên quyết xóa bỏ những tập đoàn, TCty có khó khăn về tài chính nhiều năm mà không khắc phục được. Đặc biệt là kinh doanh sản xuất yếu kém dẫn đến thất thoát một nguồn vốn lớn của Nhà nước. Ngoài ra, chúng ta nên khẩn trương tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng độc quyền như hiện nay để hoạt động sản xuất kinh doanh và sự cạnh tranh trên thị trường thực sự lành mạnh, đúng pháp luật. Cần có chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế có tầm cỡ trong khu vực và thế giới để từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập hoạt động kinh tế quốc tế, thực sự đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh :

Trong kinh tế thị trường đồng vốn không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển đổi từ Cty này sang Cty khác, từ túi này sang túi khác. Như vậy thì có ai làm rõ việc bao nhiêu số vốn mất đi của các TCty, tập đoàn này, đã đi đâu, chưa có một báo cáo nào. Tôi e rằng một số đơn vị đổ lỗi cho việc đầu tư vào những hạng mục đảm bảo kinh tế, chính trị, xã hội gì đấy chứ không đề cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, tôi thấy việc này phải làm thật rõ, phải nói rõ xem số tiền đấy có chạy vào trong túi các nhà đầu tư nước ngoài, những Cty đối tác, Cty sân trước, Cty sân sau, sân trên, sân dưới, các Cty con... đã được hưởng những cái lãi từ những hoạt động thu lợi của tập đoàn, TCty hay không ?       

Box: Trước khi Nghị định số 09/2009/NĐ-CP có hiệu lực, không có văn bản pháp luật nào quy định hệ số an toàn vốn, tỷ lệ vốn và điều kiện được đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, BĐS... hệ quả là nhiều tập đoàn, TCty đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Không ít tập đoàn, TCty đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, trong khi đang rất thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, vừa làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước vừa làm giảm năng lực thực hiện nhiệm vụ chính.

(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Hiểm họa môi trường, tụt hậu trong cạnh tranh
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: “Bình mới rượu cũ”
  • Chất lượng tăng trưởng là vấn đề cốt yếu
  • Năm 2010: Trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
  • Cạnh tranh thị trường viễn thông: Ba bên được lợi
  • Hàng Việt Nam : Đừng để về rồi đi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi