Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ hội đổi mới ở tầm cao hơn trong khủng hoảng kinh tế

Năm 2008 và quý I-2009, khủng hoảng tài chính, rộng hơn là khủng hoảng kinh tế vẫn đang tiếp tục diễn ra trầm trọng trên phạm vi toàn cầu. Các nước có nền kinh tế phát triển đã đưa ra gói trợ giúp lớn như, Mỹ chi 1.800 tỷ USD (tháng 4-2009), Nhật Bản chi gần 400 tỷ USD (tháng 4-2009), Pháp chi 40 tỷ ơ-rô (tháng 12-2008), Ðức 67 tỷ USD (tháng 1-2009) và Trung Quốc chi 580 tỷ USD (tháng 12-2008) (nguồn: IMF).

 

Tăng trưởng kinh tế năm 2008 của các nền kinh tế lớn giảm mạnh như Mỹ 1,57%, Nhật Bản còn 0,69%, Anh là 0,98%, Ðức là 1,85%, Pháp là 0,84%, Hàn Quốc là 2,1% và Trung Quốc còn 9,5%, Nga còn 7,0% (nguồn: IMF). Tăng trưởng năm 2009 được dự báo các nước Mỹ, Nhật Bản, Anh, Ðức, Pháp, Italy ở dưới mức 0,0%. Theo dự báo của IMF, WB hay nhiều tổ chức quốc tế và từ chính các quốc gia này thì năm 2010, tăng trưởng kinh tế của các nước lớn trên thế giới  vẫn rất ảm đạm, chỉ có Nhật Bản, Pháp có tăng trưởng dương. Ðến nay chưa có ai từ quan chức các nước, tổ chức tài chính quốc tế đến chuyên gia độc lập danh tiếng khẳng định thời gian nào sẽ kết thúc cuộc khủng hoảng kép này.
 

 

Ở nước ta năm 2008 và quý I-2009, cũng đang bị ảnh hưởng mạnh, toàn diện và rất phức tạp từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Những chỉ số kinh tế - xã hội năm 2008 biến động theo hướng không có lợi cho phát triển, lạm phát tăng liên tục tới 22%/năm, nhập siêu tăng mạnh lên 17 tỷ USD/năm, giá thép, giá gạo, giá dầu biến động rất lớn. Tăng trưởng GDP giảm liên tục qua các quý, kéo xuống còn 6,25%/năm. Sự biến đổi phức tạp từ thị trường tài chính vì sự mất cân bằng giữa lượng tiền lưu thông và khối lượng hàng hóa hiện có, tỷ giá hối đoái giữa VND và USD có lúc không thuận. Thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán mất giá liên tục. Thiếu điện trong tháng cao điểm. Giá cả giảm nhưng sức mua của thị trường quốc tế và trong nước tiếp tục giảm. Những con số mới một vài tháng trước làm chúng ta phấn khởi thì hiện nay gây lo ngại như giá dầu xuống khoảng 50 USD/thùng- lúc cao là 149 USD, giá gạo xuất khẩu còn hơn 450 USD/tấn - lúc cao là 1.200 USD (nguồn Bộ Công thương), v.v.
 

 

Nỗ lực cùng nhau giải quyết khủng hoảng kinh tế, trên thế giới, các nhà lãnh đạo các nước thuộc G20 tháng 3 vừa qua đã gặp nhau tại Anh bàn bạc thống nhất phương cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vực dậy nền kinh tế thế giới. Kết quả của hội nghị vượt ra ngoài mong đợi của nhiều người, thậm chí ngay cả với người bi quan nhất. Ba điểm cơ bản, quan trọng nhất được thông báo khi kết thúc hội nghị là: Ðưa ra những quy định tài chính chặt chẽ hơn bao gồm cả việc hạn chế các hoạt động của quỹ đầu cơ; Bơm thêm gần 2.000 tỷ USD nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế; Ðổi mới Tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ở trong nước, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương, đường lối để giải quyết tình hình này thông qua Nghị quyết 22, Chính phủ đã đưa ra gói 8 giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhóm 5 giải pháp để tiếp tục giải quyết tình hình suy giảm kinh tế. Ðến thời điểm hiện tại, tuy đã thu được kết quả bước đầu về sản xuất kinh doanh, tài chính và an sinh xã hội nhưng nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu làm chúng ta chưa yên lòng.
 

 

Ðể ngăn chặn suy giảm tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hàng hóa xuất khẩu và bảo đảm an sinh xã hội nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tiếp tục đưa đất nước đi lên, trên góc độ nghiên cứu vĩ mô, chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau:
 

 

Một là, đổi mới cơ chế, chính sách: Ðây là cơ hội thay đổi cách làm tiệm tiến, tiếp tục đổi mới trên tầm cao mới trên cơ sở đưa ra cơ chế, chính sách chất lượng cao và điều hành linh hoạt, hiệu quả mà xác định quyền sở hữu là khâu quan trọng. Bảy lĩnh vực cần làm là: Cải cách hành chính mà tinh giảm bộ máy, nâng cao năng lực, trách nhiệm gắn với đổi mới chế độ lương và chống tham nhũng; thị trường cần lành mạnh, tiền tệ lưu thông tốt, có tính thanh khoản cao, tỷ giá hối đoái phải linh hoạt; thuế phải tập trung vào khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, thư giãn sức dân (sửa lại Luật Thuế thu nhập cá nhân) và đánh thuế tài nguyên cao; thu hút đầu tư, nâng cao hiệu suất đầu tư, nâng cao tỷ lệ giải ngân; cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tập trung phát triển sản phẩm thương hiệu chủ lực quốc gia, tạo sức cạnh tranh quốc tế mạnh và tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tư nhân hóa; đẩy mạnh hoàn thiện, minh bạch thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán; bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm.
 

 

Hai là, đổi mới trong phát triển nhân lực và khoa học, công nghệ: Ðổi mới cách đánh giá và phát triển nguồn nhân lực để tạo ra tầng lớp tinh hoa với phương châm ít mà tinh và lực lượng lao động chất lượng cao dồi dào nhằm đáp ứng yêu cầu CNH, hội nhập kinh tế quốc tế. Ðổi mới sâu sắc hoạt động khoa học công nghệ kém chất lượng và hiệu quả thấp hiện nay để tạo ra động lực mới phát triển đất nước. Không thể xem nhẹ công tác khuyến nông - lâm - ngư - công nghiệp, vì đây là chìa khóa để người nông dân nâng cao đời sống và giảm nghèo. Cần tập trung có trọng điểm đào tạo lại và đào tạo ngoại ngữ cho lao động cùng với đó là thắt chặt, kiểm tra sát sao đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
 

 

Ba là, về kích cầu kinh tế - xã hội: Cần nỗ lực hơn trong việc thực hiện hiệu quả gói kích cầu hiện nay và gói bổ sung. Trước hết tập trung vào phát triển đường cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cảng biển quốc tế, đô thị trọng điểm, v.v. với sự trợ giúp của tư vấn quốc tế. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm quốc gia theo cơ chế đấu thầu. Bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở tiếp tục hỗ trợ người lao động và người nghèo, đặc biệt là sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhân dân sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới về nhà ở, y tế, giáo dục, v.v.
 

 

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh: Cần thống nhất nhận thức, xác định dứt khoát đây là vấn đề cốt lõi để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Phát triển mạnh sản xuất kinh doanh trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới thật sự công nghệ, v.v. để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực và sản phẩm mới. Bằng nhiều giải pháp giữ vững giá trị tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường trọng điểm là Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc (trọng tâm là giảm nhập siêu), Hàn Quốc và đồng thời mở thêm thị trường mới ở châu Phi, Trung Ðông. Bên cạnh đó là tiết kiệm trong sản xuất, cắt giảm chi tiêu công đúng mức, cắt đầu tư công trình kém hiệu quả và nâng cao hiệu quả đầu tư. Mở rộng thị trường nội địa bên cạnh tuyên truyền nhân dân giảm chi vào hàng hóa xa xỉ, sử dụng hàng hóa Việt Nam trong tình hình hàng ngoại chất lượng thấp, giá rẻ tràn vào thị trường.

(Theo nhan dan)

  • Nguy cơ khủng hoảng lương thực
  • Nông nghiệp Việt Nam : Gánh nặng hay... tương lai ?
  • Khủng hoảng trước, khủng hoảng nay
  • Báo cáo của VFA màu hồng, cái nhìn các tỉnh màu xám
  • Đảm bảo an ninh lương thực: Cần đáp án cụ thể cho bài toán quỹ đất nông nghiệp
  • Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan - Khai thác thị trường Trung Quốc sẽ nâng cao được năng lực sản xuất
  • Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia
  • Đắng cay doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi