Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nông nghiệp Việt Nam : Gánh nặng hay... tương lai ?

Tư liệu sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp

Tư liệu sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp
Có nghịch lý , sản xuất nông nghiệp VN ngày càng đạt kết quả tốt. Nhưng là tốt trong thực tế ngày càng... bấp bênh. Bất kỳ tác động nào, từ thời tiết, phân bón, giống, thị trường... cũng có thể làm hỏng nỗ lực của nông dân, của Nhà nước và giới DN. Nông nghiệp đang vừa là nguồn sống, vừa là tương lai, và vừa là nỗi... sợ của các thành phần tham gia trong đó.

Vậy thì phải nhìn nhận và xử lý thực tế này thế nào ? Có “cách” nào để nông dân bớt âu lo trong từng hạt giống họ gieo trồng ? Và đặt vấn đề, rằng nông nghiệp có trở thành... tương lai đẹp đẽ cho ít nhất một nửa dân số VN trong vài chục năm trước mắt có là phiêu lưu ?

Có hay không liên kết 4 nhà?

Ngày 24/6/2002, Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Sau này, quyết định này thường được gọi một cách dễ hiểu, là chính sách “liên kết bốn nhà”, gồm nhà nông – nhà khoa học – nhà DN – Nhà nước. Quyết định khuyến khích và bảo đảm cho các hoạt động giao thương trực tiếp giữa nhà nông với các DN thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, từ đó tạo cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững.

Rõ ràng, Chính phủ đã kỳ vọng, đã tính toán kỹ khi xác định lộ trình cụ thể để phát triển một thị trường sôi động với nông sản là hàng hóa chính. Tại Quyết định 80/2002/QĐ-Ttg, Chính phủ yêu cầu các địa phương:“Lựa chọn và quyết định cụ thể (có trường hợp cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, TCty nhà nước) các DN thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá; đồng thời có kế hoạch từng bước mở rộng phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá, để đến năm 2005 ít nhất 30%, đến năm 2010 có trên 50% sản lượng nông sản hàng hoá của một số ngành sản xuất hàng hoá lớn được tiêu thụ thông qua hợp đồng”.

Một năm sau, tháng 6/2003, Bộ NN-PTNT tổ chức sơ kết thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg. Bộ khẳng định, đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết “4 nhà” trong tổ chức tiêu thụ nông sản. Cụ thể như mô hình tại Cty Sữa VN, Nông trường Sông Hậu, Cty CP mía đường Lam Sơn, HTX Bình Tây (Tiền Giang), HTX Tân Trường (Bình Dương), HTX Trường Thạnh (An Giang)... Tỉnh An Giang là điển hình nổi bật khi sáng tạo, liên kết nhiều thành phần kinh tế tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân với tỷ lệ thu mua đạt từ 72 - 92%. Nhưng đã xuất hiện ý kiến nêu những bất ổn trong hợp đồng giữa DN với nông dân. “Đổ vỡ” là từ thường dùng để chỉ kết quả thực hiện hợp đồng giữa DN và nông dân trong giai đoạn này, cũng như trong những năm sau đó.

Ngay trong thời điểm hiện tại, mối “lương duyên” giữa nhà nông với nhà khoa học, DN và Nhà nước cũng ít khi “xuôi chèo mát mái”. Nhà nước, DN, nhà khoa học và nông dân vẫn thường xuyên trở thành “nạn nhân” của nhau. Mía đường, bò sữa, cà phê, cá ba sa, gạo... hiện giờ đang là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhưng sự phát triển của những sản phẩm ấy lại không “ổn định và bền vững” như mục tiêu đặt ra. Sự tự phát, tính thất thường, mất ổn định về giá, về khả năng tiêu thụ, về vùng nguyên liệu, về sản lượng... đã trở thành “đặc trưng” trong phát triển của những sản phẩm này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm nông nghiệp khác như vải, dưa, thanh long, xoài... Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp của VN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đã nhận xét thế này trong một hội thảo tổ chức đầu năm 2009: Nông dân VN “tự do” nhất thế giới, muốn trồng gì thì trồng, muốn nuôi gì thì nuôi ! “Nhìn” từ Quyết định 80/2002/QĐ-Ttg sẽ thấy, sự “tự do” trong hoạt động của nông dân mà Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận xét, có nguyên nhân chính từ mối liên kết giữa nhà nông – nhà khoa học – nhà DN – Nhà nước. Có nghĩa, liên kết “4 nhà” đã được hình dung, được xây dựng, nhưng lại lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, không như mong muốn của nhà hoạch định chính sách, cũng như thành phần tham gia trong liên kết ấy.

Tài sản đặc biệt !

Trong hơn 20 năm qua, VN đã đạt thành tựu vượt bậc trong phát triển nông nghiệp. Từ chỗ thiếu ăn, chúng ta đã trở thành nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. VN đã trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, hồ tiêu, cà phê, cao su, thủy sản... Thành tựu ấy đạt được nhờ hai thay đổi cơ bản trong chiến lược quản lý nông nghiệp. Đó là sự thừa nhận hộ nông dân là mô hình kinh tế tự chủ tại Nghị quyết “khoán 10” năm 1988. Và sau đó, là định hướng cho phép, khuyến khích, động viên tự do lưu thông nông sản hàng hóa, thể hiện cụ thể tại Quyết định 80/2002/QĐ-TTg. Nhưng có một thực tế khác, hiện nay chúng ta đang xuất khẩu gạo với sản lượng 4 - 5 triệu tấn/năm. Sản lượng xuất khẩu gạo của ta lớn, trên 21% , nhưng lợi tức thì lại... thấp, trên 11% so với lợi tức từ xuất khẩu gạo của Mỹ. Lý do là gạo xuất khẩu của ta thường bán với giá thường chưa tới... 80% giá gạo của Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (Ipsard) về ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến lao động, việc làm và đời sống nông dân, được Bộ NNPT-NT báo cáo lên Quốc hội gần 70% hộ gia đình nông dân phải tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là việc mua sắm đồ dùng đắt tiền. Tỷ lệ hộ đói tăng cao, nhất là ở các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Sản lượng lớn nhưng giá trị thấp có nguyên nhân trực tiếp từ những yếu kém trong hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Tại VN, định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được theo đuổi từ lâu. Nhưng tác động của định hướng ấy tới hoạt động nông nghiệp, giá trị sản phẩm nông nghiệp chưa hề tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này bắt nguồn từ vấn đề chính sách đất đai. Hiện, diện tích đất trồng lúa toàn quốc là trên 4,1 triệu ha. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chiếm đến 67% diện tích trồng và 70% sản lượng lúa cả nước. Về số học, diện tích đất nông nghiệp hàng năm đều tăng. Nhưng chủ yếu là tăng ở các vùng trung du và miền núi. Ngược lại, diện tích đất nông nghiệp các vùng đồng bằng lại có xu hướng giảm. Năm 2005, diện tích đất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long là hơn 3,44 triệu ha. Nhưng tới năm 2005, con số này giảm còn hơn 3,43 triệu ha. Tương tự, đất nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng đã giảm từ 0,96 triệu ha (2005) xuống còn 0,95 ha (2008). Lý do giảm là vì dành đất cho nhu cầu phát triển các mục đích phi nông nghiệp. Luôn lép vế, hi sinh cho nhu cầu phát phát triển khác chắc chắn không thể là yếu tố hấp dẫn các nguồn đầu tư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

Thứ nữa, diện tích đất nông nghiệp hiện đang bị chia nhỏ thành khoảng 70 triệu thửa ruộng. Một tính toán của Tổng cục Đất đai cho thấy, bình quân diện tích đất mỗi hộ nông nghiệp chỉ có 0,7- 0,8 ha, và mỗi lao động là 0,3 ha, mỗi nhân khẩu là 0,15 ha. Con số này sẽ còn tiếp tục giảm vì sự gia tăng dân số và quá trình thu hồi đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp bị chia ở mức độ rất nhỏ cho hàng triệu hộ nông dân là nguyên nhân trực tiếp cản trở và làm quá trình hiện đại hóa nông nghiệp ở quy mô lớn trở nên... thiếu hiệu quả. Dù Nhà nước đã thực hiện phong trào “dồn điền, đổi thửa”, nhưng về bản chất phong trào này không thể khắc phục được thực tế manh mún về ruộng đất.

Gần đây, có nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị Nhà nước nên định hướng nâng cao khả năng tích tụ ruộng đất để làm cơ sở hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Đề nghị cụ thể là tăng mức hạn điền, khuyến khích sự ra đời của các DN có nông dân tham gia. Tuy nhiên, đề nghị này rất khó thực hiện. Lý do đến không chỉ từ nguyên nhân đất đai tại VN là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu của Nhà nước (dù tài sản đặc biệt ấy lại đang bị... chia nhỏ). Mà trên thực tế, khuyến khích phong trào tích tụ ruộng đất, cộng với việc thu hồi đất cho các mục đích phi nông nghiệp sẽ tạo ra số lượng khổng lồ “nông dân không có đất”. Một tính toán cho thấy, trong 5 năm (2003-2008), việc thu hồi đất đã ảnh hưởng tới đời sống của trên 627.000 hộ gia đình nông nghiệp, với gần 950.000 lao động, 2,5 triệu nhân khẩu. Trong đó, có gần 30% lao động mất việc, hay việc làm không ổn định, 53% số hộ giảm thu nhập. Trung bình, mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động không có việc, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ làm 13 lao động nông thôn mất cơ hội việc làm. Vậy nếu đẩy mạnh tích tụ ruộng đất thì số “nông dân không đất” sẽ tăng lên bao nhiêu? Và Nhà nước sẽ phải đối phó với áp lực xã hội, việc làm từ lực lượng này như thế nào ?

Ai nuôi ai ?

Năm 2008, sản lượng lương thực đạt trên 43,16 triệu tấn, không chỉ đủ cho nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu để mang về kim ngạch gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, những vấn đề với sản xuất nông nghiệp không nằm ở thống kê số học. Rõ ràng, nông nghiệp vẫn là nguồn sống của trên 70% dân số VN. Nhưng, theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ: Thực tế nông thôn VN hiện vẫn là “còn nghèo và nhiều khó khăn”. Thu nhập của nông dân chỉ bằng 35-36% bình quân của cả nước, và chỉ hưởng 25% mức đầu tư về giáo dục, y tế. Trong nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vị thế của nông dân “mờ nhạt, không nắm được và luôn chạy theo thị trường”. Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên phương pháp truyền thống là chính. “Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích rất thấp, khoảng 30 triệu VND/hécta. Giá trị gia tăng hàng hóa nông sản kém”. Hơn 20 năm sau đổi mới, quan hệ sản xuất nông nghiệp vẫn là “chậm đổi mới, nông lâm trường đổi mới không thực chất. DN nông thôn kém cỏi, chưa có động lực”. Hãy nhớ, nông nghiệp là ngành cung ứng lương thực cho cả nước, và đóng vai trò quan trọng trong bình ổn xã hội cho 70% số dân còn lại. Thế nên, nếu nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn thì tại sao người nông dân lại hưởng ít hơn, nhưng hi sinh nhiều hơn cho những ngành kinh tế khác ?

Điều này có nghĩa, trong phát triển nông nghiệp, nông dân vẫn cần cam kết, đảm bảo mạnh mẽ hơn nữa từ phía Nhà nước. Điều có thể “làm được” ngay, là việc xây dựng một chính sách điều phối nông sản và giá cả với những mặt hàng nông sản chủ lực. Thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính tùy theo thời điểm như hiện tại. Có chính sách này, thì nông dân và DN sẽ yên tâm hơn trong hợp tác cùng nhau và sản xuất. Và từ đó có tác động tích cực tới việc thu hút phát minh, sáng kiến, phương tiện mới vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tỷ trọng công nghiệp cao trong cơ cấu chưa hẳn đã là thước đo chuẩn mực của nền kinh tế. Công nghiệp hóa sự phân công lại lao động xã hội cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu cho nền kinh tế. Sự phân công ấy phải được xây dựng trên cơ sở công bằng chứ không phải là sự hi sinh của một vài thành phần kinh tế. Mà khi đã không đảm bảo được nguyên tắc công bằng trong cơ cấu, trong đóng góp và mức thụ hưởng, thì xét cho cùng, khẩu hiệu “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” phải được hiểu là làm cho xã hội phát triển và mọi người đều được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của nó chứ không phải là làm cho công nhân và nông dân trở thành... gánh nặng của nhau.


 

(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Khủng hoảng trước, khủng hoảng nay
  • Báo cáo của VFA màu hồng, cái nhìn các tỉnh màu xám
  • Đảm bảo an ninh lương thực: Cần đáp án cụ thể cho bài toán quỹ đất nông nghiệp
  • Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan - Khai thác thị trường Trung Quốc sẽ nâng cao được năng lực sản xuất
  • Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia
  • Đắng cay doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay
  • Giúp DN lập chiến lược
  • Tăng cường quản lý chi tiêu công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi