Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Báo cáo của VFA màu hồng, cái nhìn các tỉnh màu xám

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 4.6 tại bộ NN&PTNT về điều hành xuất khẩu gạo, báo cáo của ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ cho thấy một bức tranh màu hồng. Còn trái lại, đại diện cho các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ… lại tỏ ra lo lắng thực sự khi giá lúa, gạo đã chững lại và giảm xuống còn việc thu mua và xuất khẩu gạo vào thời điểm này lại trở lên khó khăn.


Theo VFA, cả năm sản lượng gạo phía Nam có thể đạt tới 10,2 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng gạo để ăn, dự trữ, làm giống… lượng gạo có thể xuất khẩu đạt 5,2 – 5,3 triệu tấn, vượt chỉ tiêu xuất khẩu gạo mà Chính phủ đưa ra (5 triệu tấn). Nếu giao nốt lượng gạo đã ký theo hợp đồng trong tháng 6 (650 ngàn tấn) thì từ đầu năm nay, Việt Nam đã xuất được 3,6 triệu tấn, đạt chỉ tiêu như Thủ tướng yêu cầu sáu tháng đầu năm. Ông Trương Thanh Phong nói rằng, tính chung, số lượng xuất khẩu vượt 51% về số lượng và 28 – 32% về giá (tính tuỳ theo giá FOB và giá CIF), là một thành công cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.


Nhưng ông Văn Hà Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – địa phương dẫn đầu về sản lượng lúa lại cho biết trong khi giá lúa đang giảm thì các ghe, thuyền đi mua lúa đã thưa vắng trong các khu dân cư. Ông Phong đưa ra cảnh báo: “Tình hình diễn biến phức tạp chứ không phải thường đâu! Lúa còn tồn mà người mua lại lừng chừng. Tháng tới, lúa có khả năng không tiêu thụ được”. Tình hình trên cũng đang diễn ra ở tất cả các địa phương khác của vùng ĐBSCL.

Đó thực sự là hậu quả của một cơ chế điều hành kém linh hoạt và thiếu minh bạch. Bởi vì, ngay khi gạo còn được giá, VFA hiện vẫn đang được hoạt động như một cơ quan hành chính nhà nước đầy quyền năng lại thông báo với các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu, lúc giá gạo đã giảm thì lại kêu mang bán. Giám đốc sở NN&PTNT Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương tỏ ý tiếc rẻ là trong mấy tháng đầu năm, các doanh nghiệp có cơ hội lớn khi giá gạo còn trên 460 USD/tấn mà không dám ký để đến khi giá còn 410 USD/tấn thì các nước xuất khẩu gạo khác đã tuyên bố bán gạo ra khiến cung lớn hơn cầu. “Chúng ta vẫn chưa có một cơ quan nào để chịu trách nhiệm cân đối giữa sản lượng gạo làm ra và xuất khẩu. Nếu nắm số lượng không khéo thì được giá mà lại không xuất được. Cuối cùng lại là người nông dân chịu thiệt”, ông Dương nói.


Tuy nhiên, thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên lại cho rằng, thời điểm tháng 2.2009, VFA đã nhận được đăng ký xuất khẩu trên 3,65 triệu tấn, vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao. Nên nếu VFA tiếp tục cho đăng ký vượt số lượng thì sẽ gây khó khăn cho chính các địa phương, doanh nghiệp vì lượng gạo xuất khẩu lớn từ Việt Nam sẽ... làm ảnh hưởng giá lúa gạo trên thị trường quốc tế. Theo ông Biên, giá gạo hiện nay xuống là do ảnh hưởng của cung cầu trên thị trường thế giới chứ không phải do việc đăng ký, giãn thời hạn giao hàng… mà VFA thực hiện. Ông Biên nói rằng, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các bộ, ngành không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước nên việc tổ chức điều hành xuất khẩu gạo vẫn phải giao cho VFA.


Cuộc họp giao ban trực tuyến kết thúc với những ý kiến kết luận đáng chú ý của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Công tác điều hành xuất khẩu gạo sẽ phải được tăng cường. Tổ điều hành xuất khẩu gạo (gồm đại diện liên bộ: Công thương – Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Tài chính…) có thể có thêm đại diện các tỉnh ĐBSCL. Sửa đổi lại quy chế điều hành xuất khẩu gạo của VFA. Giao cho bộ Công thương, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất cơ chế mua tạm trữ gạo năm 2009 để thực hiện sớm hơn năm 2008 và chuẩn bị triển khai xây dựng các kho dự trữ gạo.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh quyết liệt chỉ đạo để giảm tỷ lệ giống lúa IR 50404 có chất lượng gạo thấp… Những chỉ đạo này dường như đã đáp ứng phần lớn các đề nghị lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL. Nhưng việc vẫn để VFA làm nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo chưa nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo các tỉnh của vựa lúa miền Nam.

( Theo M.Q // SGTT Online)

  • Đảm bảo an ninh lương thực: Cần đáp án cụ thể cho bài toán quỹ đất nông nghiệp
  • Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan - Khai thác thị trường Trung Quốc sẽ nâng cao được năng lực sản xuất
  • Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia
  • Đắng cay doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay
  • Giúp DN lập chiến lược
  • Tăng cường quản lý chi tiêu công
  • Để phát triển bền vững hơn
  • “Đáy” khủng hoảng: Đừng nôn nóng chủ quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi