"Ai nói hàng Việt Nam không tốt là tôi không chịu đâu, chỉ tiếc là có ít hàng Việt Nam ở Battambang quá", bà Sri Tchiêng đến mua hàng trong hội chợ, chia sẻ với mọi người. Trông chờ của người tiêu dùng ở Battambang nói riêng và các tỉnh tây bắc Campuchia nói chung có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam đã cảm nhận được. Ở Phnôm Pênh, Siêm Riệp sữa Vinamilk đã có mặt khá dày, nhưng đối với thị trường nông thôn Campuchia còn quá xa lạ. Công ty Vinamilk đã nhìn thấy khoảng trống thị trường ở Tây Bắc Campuchia, nên lần này tham gia hội chợ để quảng bá trước khi cùng nhà phân phối lập mạng lưới đại lý bán lẻ đến tận các cửa hàng tạp hóa, sạp chợ.
Ông Đổng Nhật Minh, đại diện phát triển kinh doanh tại thị trường Campuchia của Thiên Long nhận thấy, đã đến lúc xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp ở thị trường Campuchia. Có mặt 7 năm, Thiên Long đã chiếm thị phần khoảng 30%. Người mua bán ở Campuchia chưa có thói quen ký hợp đồng, nên dễ dẫn đến rủi ro trong thanh toán. Kinh nghiệm phát triển thị trường Campuchia của Thiên Long là đầu tư đội ngũ kinh doanh tốt, lựa chọn một nhà phân phối người Campuchia vì họ hiểu văn hóa tiêu dùng của người Campuchia, có mối quan hệ tốt sẽ mở rộng hệ thống bán hàng tốt hơn. Nhân viên kinh doanh do nhà phân phối tuyển, còn văn phòng đại diện hỗ trợ quản lý và tiếp thị. Đã chiếm được niềm tin của học sinh, sinh viên Campuchia về dụng cụ học tập, Thiên Long đang tiến vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, cơ quan hành chính để kinh doanh hàng văn phòng phẩm là nhóm sản phẩm chưa có đối thủ cạnh tranh.
Ông Võ Việt Dũng, nhà phân phối hàng nhựa (Song Long, Duy Thành, Tý Liên, Việt Thành) rút ra kinh nghiệm: phải siêng năng đi chào hàng, chứng minh chất lượng với các đại lý vì hàng bán được phụ thuộc đại lý rất nhiều. Lúc đầu phải chấp nhận ký gửi cho người ta bán thử, xài thử. Phân phối hàng nhựa 6 năm nay, hiện ông Dũng đã có 100 đại lý lớn ở các tỉnh tại Campuchia. Ông dự định mang thêm hàng inox gia dụng, hàng trang trí nội thất qua phân phối. Để khuếch trương hình ảnh hàng Việt Nam, ông Dũng đang tích cực cùng đại lý mở các cửa hàng trưng bày hàng nhựa Việt Nam bằng cách hỗ trợ họ 50% tiền thuê mặt bằng, tặng kệ trưng bày và bảng hiệu, cho cửa hàng gối đầu một đợt hàng. Ông tính bình quân chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng khoảng 500 USD cho diện tích khoảng 60 - 80m2, tốn kém nhưng phát huy hình ảnh thương hiệu nhanh thì doanh số tăng nhanh.
Nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh
Ông Sophearin, Tỉnh trưởng tỉnh Siêm Riệp đã chính thức có lời mời các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư các sản phẩm: du lịch, khách sạn, nhà hàng. Ông khẳng định, tỉnh Siêm Riệp luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam. Còn ông Tỉnh trưởng Battambang thì mời gọi đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ Kinh tế - Tài chính Campuchia, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất. Các lĩnh vực mà Trung Quốc tham gia là xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, dệt may, sản xuất, nông nghiệp và chế biến nông sản. Tiếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc ở vị trí thứ hai với các dự án tập trung các lĩnh vực: bất động sản, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nhiều hơn cả là may mặc. Theo ông Sophearin, đường hàng không từ Việt Nam sang Phnôm Pênh và Siêm Riệp đã thuận lợi, đường bộ thông thương dễ dàng, không có lý gì doanh nghiệp Việt Nam không nắm lấy cơ hội đầu tư ở Campuchia với nhiều ưu đãi.
Hiện Campuchia đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu bằng 0 và không giới hạn hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường EU. |
Nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 33% GDP cũng là ngành tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho Campuchia. Chính phủ cho phép nhà đầu tư được sử dụng đất, dưới hình thức tô nhượng làm kinh tế, được phép thuê dài hạn và ngắn hạn (có thể gia hạn), ưu tiên dự án đầu tư thủy lợi, trồng lúa, trồng và chế biến cao su, mía đường… Sản xuất và xuất khẩu gạo đóng vai trò chính, thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Năm 2010, Campuchia chỉ chế biến và xuất khẩu được 98 ngàn tấn gạo. Trong 10 tháng đầu năm 2011 mới chỉ chế biến xuất khẩu được 124 ngàn tấn (dự kiến cả năm 2011 sẽ xuất được 180 ngàn tấn). Số lúa còn lại thường được bán sang các nước láng giềng của Campuchia là Việt Nam và Thái Lan để chế biến. Hiện Campuchia đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu bằng 0 và không giới hạn hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường EU. Với mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015, ngành sản xuất gạo tại Campuchia cần vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD trong vòng bốn năm tới. Đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài có thể tận dụng để chủ động tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh lúa gạo tại Campuchia, đặc biệt là đối với những nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Việt Nam.
Tương tự, Campuchia đang mở rộng diện tích trồng cao su. Hiện nay khoảng 72% lượng mủ cao su của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam do hai bên có đường biên giới chung, các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
(Theo Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com