Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lạm phát năm 2011 theo công bố mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh (trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB) là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì việc kì vọng giữ mức lạm phát cả năm 2011 ở con số 11,75% là điều không khả thi bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam vẫn đang khó khăn như hiện nay thì tất cả những con số dự báo đều chưa nói được điều gì.
Thứ hai, tình hình chính trị, kinh tế và nhất là thiên tai trên thế giới đang có những diễn biến rất phức tạp cho thấy nhiều nỗ lực của các quốc gia chưa thể làm giảm tình hình lạm phát mà mức lạm phát còn đang theo chiều hướng gia tăng. Ví dụ như Nhật Bản, tình hình kinh tế sau thảm họa động đất hôm 11/3 vừa qua và sự cố nhà máy điện hạt nhân đã được dự báo xấu đi rất nhiều so với hồi đầu năm. Chiến tranh tại Bắc Phi và Trung Đông vẫn rất phức tạp và chưa kết thúc, đặc biệt, sau cái chết của Bin Laden, tình hình chính trị rất có thể sẽ còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều.
“Tất cả các yếu tố này, kết hợp với tình hình trong nước sẽ tác động mạnh đến con số lạm phát của VN. Trong khi đó, các yếu tố giảm lạm phát thì chưa rõ ràng, nên khả năng cố giữ mức lạm phát bằng năm ngoái, tức là 11,75% sẽ hơi khó”, ông Kiêm nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, mức lạm phát của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức cao đến 15%.
Sở dĩ ông Thành đưa ra nhận định trên vì theo ông từ nay đến cuối quý III diễn biến của tình hình kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ngờ. Và nếu theo chiều hướng xấu khi một số tập đoàn lớn như EVN không cải thiện được tình hình tài chính buộc phải tăng giá điện, rồi tăng giá xăng dầu… sẽ lại tạo ra cú sốc nữa cho nền kinh tế. “Lúc đó mức lạm phát không chỉ là 15% mà có thể còn trượt dài tới 20%. Đây là mức rất lớn, rất nguy hiểm, có gây tổn thương lớn cho nền kinh tế nói chung”, TS Thành lo lắng.
Tuy nhiên, điều ông Thành kì vọng là trong các tháng tiếp theo mức lạm phát của Việt Nam sẽ được cải thiện và giảm từ từ vì thực chất mức lạm phát đột biến 3,2% của tháng 4 vừa qua “chỉ là “cho nợ số liệu”, do bị “sốc” do đã chịu sự kìm nén từ những tháng trước đó chứ không do khuynh hướng, hay làn sóng lớn thông qua cung tín dụng. Vì vậy, mức lạm phát vẫn có thể kiềm chế được”.
Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan lại rằng, nếu cương quyết, Việt Nam vẫn có thể kìm chế lạm phát ở con số 11,75% trong năm 2011 vì hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát đều nằm trong tay Chính phủ và Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được con số 11,75% nếu thực hiện một cách cương quyết, đồng bộ, và làm thực sự, chứ không phải nghe báo cáo lấy thành tích mà không làm gì cả.
Ví dụ, muốn kìm hãm được tốc độ tăng trưởng tín dụng thì phải kìm hãm được cung tăng trưởng tín dụng, trước mắt là ở khu vực DN nhà nước, vì đây là khu vực sử dụng nguồn tiền lớn và rất dễ gây họa cho nền kinh tế. Chứ không phải thắt chặt tín dụng với cả khu vực tư nhân, vì làm như thế sẽ gây khó dễ cho các DN vừa và nhỏ, những DN có dự án tử tế nhưng lại không vay được tiền để làm.
Ngoài ra, còn phải hạn chế đầu tư, chi tiêu công. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra con số 97 nghìn tỷ đồng được cắt giảm từ lĩnh vực này. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng thực sự phải kiểm soát được số tiền đó và làm chặt chẽ hơn nữa, vì như vậy có thể sẽ cắt giảm được nhiều hơn thế.
“Nếu chúng ta làm nghiêm như những con số báo cáo thì mức lạm phát 11,75% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề tôi lo ngại vẫn là căn bệnh “thành tích”, làm để có con số báo cáo đẹp.
Nhiều trường hợp những cái cần cắt giảm thì lại không cắt, những cái không đáng cắt thì lại cắt, tức là không đúng lúc, đúng chỗ. Ví dụ, cái cắt đi là cái chưa được phê chuẩn hoặc bố trí vốn, còn cái đã được bố trí vốn rồi thì không cắt. Hoặc là những dự án to đùng mà hiệu quả ko cao thì không cắt. Cắt ở đâu, cắt như thế nào, cắt có thực không là 3 câu hỏi khiến tôi rất lo ngại.
Ngoài ra, việc kiểm soát giá của những mặt hàng cơ bản như điện, xăng thì phải làm nghiêm vì đây là 2 mặt hàng nhạy cảm. Nếu để nó tăng giá “đùng đùng” thì khó mà các mặt hàng khác không tăng giá theo, và như vậy, lạm phát lại bị đẩy lên cao.
Cho điện, xăng phát triển theo thị trường nhưng chưa có cơ chế thị trường đầy đủ thì không thể để nó tự do được. Hiện tại, muốn kiểm soát lạm phát thì phải kiểm soát 2 mặt hàng này”, bà Chi Lan cho biết.
Cũng theo bà Chi Lan, nếu theo quy luật hàng năm, vào giữa năm mức lạm phát sẽ giảm xuống, không tăng cao hoặc không tăng nữa thì mức lạm phát có thể đẩy lùi dần và đạt được con số 11,75%. Nhưng phải làm kiên quyết, triệt để, kiên trì đến tận cuối năm, chứ không như mọi năm, thấy giảm là thả lỏng và nó lại lên cao.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, việc công bố sẽ đưa giá điện vận hành theo giá thị trường là “không chính xác” bởi việc tăng giá điện thực chất là tăng theo chi phí thực của ngành điện. “Giá thị trường” là từ “mỹ miều”, chứ nói đúng ra là đưa gần về với giá chi phí thật.
Còn giá thị trường đòi hỏi phải cung – cầu, có cạnh tranh và người dân được lựa chọn nhà cung cấp.
Nếu giá điện tiếp tục điều chỉnh tăng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nhưng dù sao tôi cũng đánh giá cao những biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang thực hiện, vì ngoài biện pháp hành chính thì các công cụ thị trường cũng đã được áp dụng, điển hình là việc đưa giá điện theo hướng gần giá thực tế hơn.
(vtc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com