Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

‘Lình xình’ thuế thu nhập cá nhân (kỳ 1)

Giá cả tăng cao, lạm phát và luật thuế... quá lỗi thời như “đổ dầu vào lửa”, khiến thuế thu nhập cá nhân bị đem ra phân tích và “sôi sùng sục” trong thời gian qua.

Vào thời điểm hiện nay, khi cả xã hội thấy rõ mức thu nhập 4 triệu đồng là “còi cọc” thì ngành thuế vẫn dựa vào đó để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Kỳ 1: 'Mổ xẻ'... chẩn bệnh!

“Giá cả thị trường tăng chóng mặt. Đi ăn cưới hiện nay 200.000 đồng là quá “bèo”. Tiền lương hơn 4 triệu không đủ tiêu, nhưng phải đóng thuế. Đúng là nghèo còn bị… véo!”, chị Lê Kim Ngân, nhân viên của một tổ chức phi Chính phủ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), than thở.

Thu không đủ chi + thuế = vật vã

Anh Nguyễn Xuân Tú, công nhân của công ty Eurowindow, Hà Nội, cho biết mức lương 4,5 triệu đồng một tháng buộc anh phải làm tăng ca để bổ sung hầu bao cho gia đình. “Tăng ca cả ngày lẫn đêm, tổng thu nhập mới 7 - 8 triệu đồng. Song, mỗi tháng phải đóng 200.000 đồng thuế, dù không nhiều nhưng tôi vẫn bức xúc vì mình phải cóp nhặt từng đồng mà”, anh Tú nói.

“Điều bất hợp lý nhất của thuế TNCN hiện nay là các khoản giảm trừ gia cảnh. Nuôi đứa con học lớp một, nếu tính chi li từng khoản, chi phí đã vượt xa, thậm chí gấp mấy lần con số 1,6 triệu đồng. Nếu nuôi một đứa học đại học thì sao?”, chị Hoàng Thị Nga, ở Lương Thế Vinh (Hà Nội), phân tích.

Không chỉ dân “vật vã”, nhiều doanh nghiệp cũng đồng cảnh ngộ. Ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư bức xúc khi bị khấu trừ 0,1% thuế vào giá trị bán trên sàn chứng khoán, ngay cả khi giao dịch thua lỗ triền miên. “Con số 0,1% với người ngoài cuộc có thể là nhỏ, nhưng với nhà đầu tư bám sàn - số lượng vốn càng tăng, cường độ giao dịch lớn thì mức thuế 0,1% cho mỗi giao dịch là cao”, ông Quyến nói.

Sớm lạc hậu!

Trên thực tế, dự luật Thuế TNCN được tiến hành xây dựng từ năm 2007, đến 2008 được thông qua, 2009 có hiệu lực thi hành. Do vậy, việc căn cứ mức thu nhập thời trước để áp dụng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh thời gian sau đã cho thấy bài toán bị lạc hậu.

Theo tính toán của tiến sĩ Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, với chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 4 tăng 2,23% thì so với năm 2009, CPI cùng kỳ tăng 27,61%. Điều này nghĩa là, cuối năm 2009, thu nhập 4 triệu đồng một tháng tạm gọi là “người có thu nhập cao” thì ở thời điểm này, giá trị tương đương phải trên 5,1 triệu đồng, nếu tính thêm yếu tố lạm phát. “Thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên phải nộp thuế TNCN không còn phù hợp nữa”, ông Long nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, khẳng định rằng, với tốc độ lạm phát cao trong 4 năm qua (tổng cộng trên dưới 50%), cũng việc Việt Nam chính thức ra khỏi danh sách nước nghèo, gia nhập vào câu lạc bộ các nước thu nhập trung bình trên thế giới, thì 4 triệu chịu thuế lạc hậu. “Việc Luật thuế chốt mức khởi điểm bằng VND vừa thấp, vừa cứng, dễ lạc hậu, gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước biến động tiền lương trên thực tế. Theo tôi, nên tăng ít nhất hai lần và tính bằng số lần lương tối thiểu, từ 8 - 10 lần của khu vực  sản xuất. Mức khởi điểm chịu thuế sẽ tăng khi mức lương tối thiểu tăng…”, ông Phong đề xuất.

Không chỉ quá cũ, Luật thuế TNCN còn không thống nhất khi triển khai. Chị Đinh Huyền Anh, phóng viên tự do tại Hà Nội, nói: “Tôi cộng tác tin bài với nhiều báo và mỗi báo lại thu thuế TNCN khác nhau. Có tờ báo chia nhỏ tiền nhuận bút thành những khoản dưới 500.000 đồng, giúp không phải đóng thuế, nhưng tòa soạn khác lại tính tổng một lần và thu thuế 10%. Thực tế, những điểm bất đồng này dễ gây kẻ hở cho lạm thu từ đơn vị, nhất là bộ phận kế toán, gây thất thu ngân sách Nhà nước...”.

Đã đến lúc điều chỉnh

Theo ông Long, quy định của Luật Thuế TNCN hiện nay ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống an sinh xã hội, khi giá cả liên tục thiết lập mặt bằng mới, mà mức chịu thuế và giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Đầu tháng 5 tới, lương cơ bản được điều chỉnh tăng (vẫn chưa đủ bù trượt giá) thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn (nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TP HCM), cho rằng, người làm công ăn lương vẫn gánh trên vai nhiều khó khăn nhất do giá cả tăng cao, phải “giật gấu vá vai” để lo thu chi, rồi lo đóng thuế. Vì vậy, đến lúc phải điều chỉnh để giảm gánh nặng cho dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (Lạng  Sơn) nói: “Ngay từ khi thảo luận để đưa ra luật thuế TNCN, tôi và nhiều đại biểu khác đã có ý kiến không nên dựa vào con số tuyệt đối để tính mức chịu thuế vì sự phát triển của cơ chế thị trường. Có thể tính mức khởi điểm gấp 6 - 7 lần mức lương cơ bản, lúc đó cả ban soạn thảo lẫn Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều không đồng ý với quan điểm này”.

(Báo Đất Việt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi