Khi trở thành nước có thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam có điều kiện nhận những khoản viện trợ kém ưu đãi hơn nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều.
Bên lề hội thảo "Đánh giá mức độ thành công: Kết quả hoạt động ADB năm 2010" diễn ra chiều qua (4/5), DVT.vn đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, đóng góp của ADB trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?
ADB là một nhà tài trợ quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ về quy mô tổng vốn mà những sự hỗ trợ này còn đóng góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Ví dụ, ADB hỗ trợ Việt Nam nhiều trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nền kinh tế như giao thông vận tải, cấp thoát nước vệ sinh môi trường; nâng cấp đô thị, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo.
Điều quan trọng, ADB không chỉ là nhà tài trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cứng mà còn hỗ trợ cho Việt Nam nâng cao năng lực thể chế, tư vấn chính sách... Đó cũng là những ưu tiên của Việt Nam trước kia cũng như trong giai đoạn phát triển mới hiện nay.
Với việc Hội nghị thường niên lần 44 được tổ chức tại Việt Nam thì trong năm nay, sự hỗ trợ của ADB có điểm gì mới và đặc biệt hơn so với trước không?
Hội nghị thường niên được tổ chức ở Việt Nam chứng tỏ sự đánh giá cao của ADB đối với Việt Nam trên tư cách không chỉ là một nước nhận viện trợ thực hiện hiệu quả các dự án của ADB mà còn là một đối tác tích cực trong việc nâng cao hiệu quả viện trợ ADB cũng như của viện trợ toàn cầu.
Còn viện trợ trong thời gian tới, Chủ tịch ADB cho biết sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Đặc biệt, khi đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam vẫn có điều kiện nhận những khoản viện trợ kém ưu đãi hơn. Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam ở hai điểm:
Thứ nhất, là quy mô vốn sẽ lớn hơn. Cơ cấu thì có thay đổi nhưng quy mô chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
Thứ hai, là với sự hỗ trợ đó, Việt Nam sẽ có điều kiện thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Ông đánh giá thế nào về tiến trình giải ngân các dự án của ADB tại Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, tiến độ giải ngân các dự án của ADB tại Việt Nam thấp so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Tuy có những khó khăn riêng nhưng đó là vấn đề cả ADB và Việt Nam đều đang quyết tâm tháo gỡ.
Trong bài phát biểu tại hội nghị vừa rồi tôi có trích câu của ông Konishi: Nếu chỉ tăng 1% giải ngân ở Việt Nam thì thực tế Việt Nam tăng được hơn 500 triệu USD. Cho nên, đó là quyết tâm chung của ADB và Chính phủ Việt Nam.
Vấn đề sửa đối chính sách để mở rộng hành lang pháp lý nhằm giúp ADB có thể đầu tư thêm đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
Về đầu tư thêm của ADB thì hiện nay có hai việc:
Thứ nhất, ADB là một thành viên tích cực trong cộng đồng. ADB cùng với tổ công tác ODA của Chính phủ Việt Nam và nhóm 6 ngân hàng phát triển bao gồm ADB, WB (Ngân hàng thế giới) , AFD (Cơ quan phát triển Pháp), KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức), JBIC (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Korean Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu hàn Quốc) đã lập một nhóm công tác và tập trung giải quyết các vướng mắc để tăng cường hiệu quả của các dự án và tăng cường tỉ lệ giải ngân.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm nay phải bổ sung, thay thế Nghị định 131 về thu hút sử dụng vốn ODA. Tinh thần làm sao tăng cường sử dụng được những nguồn viện trợ mới là những khoản vay tuy kém ưu đãi hơn nhưng có quy mô lớn hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, phải tăng cường hiệu quả các dự án, hài hòa các thủ tục và tăng cường việc đánh giá giám sát các dự án và cuối cùng là để làm sao các dự án ODA ở Việt Nam thực sự hiệu quả hơn.
Với các khoản vay kém ưu đãi hơn, liệu chúng ta cần phải có sự “cảnh giác”?
Ở đây không nên dùng từ cảnh giác mà hiện nay điều quan trọng nhất là khi sử dụng các nguồn vốn chúng ta phải tính đến hiệu quả. Đó là không làm nặng thêm gánh nợ công cũng như phải có phương án trả nợ, và phải cẩn thận hơn.
Chính vì vậy, trong đề án định hướng thu hút và sử dụng ODA cho năm 2011-2015, chúng tôi cũng tính đến việc dùng các nguồn vốn kém ưu đãi hơn cho những lĩnh vực như thế nào thì hiệu quả, hình thức thực hiện ra sao, rồi những cơ chế tài chính như thế nào để không tạo thêm gánh nặng nợ nần cho quốc gia.
Cảm ơn ông!
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com