Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng, vì các ngành công nghiệp này sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên.
Đó là khuyến cáo của Giáo sư Kenichi Ohno – chuyên gia kinh tế cao cấp tại “Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam” sáng 3.5, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 44.
Theo ông, nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra. “Nếu không tạo ra được các giá trị trong nước, Việt Nam sẽ vướng “bẫy” thu nhập trung bình” - Giáo sư Ohno nhận định.
VN cần 300 tỉ USD đầu tư từ 2011-2015
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam dự báo cần khoảng 300 tỉ USD cho đầu tư phát triển. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường (chứng khoán, hàng hóa dịch vụ, thị trường lao động...) theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư; giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cộng đồng quốc tế tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn khi dành cho VN nguồn vốn ODA kỷ lục gần 8 tỉ USD trong năm 2010. “Đây thực sự là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục phát triển” - ông nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, điểm nghẽn cho phát triển của Việt Nam chính là thiếu lao động có kỹ năng, thiếu lực lượng quản lý có trình độ cao. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng của Việt Nam đều bị quá tải. Tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra, trong khi đầu tư vào điện lên tới trên 10% tổng đầu tư toàn xã hội. Bến cảng, sân bay, giao thông đô thị cũng đòi hỏi đầu tư lớn. Hạ tầng giáo dục, y tế cũng phải tập trung khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là cải thiện đời sống nhân dân.
Việt Nam có “quá nhiều ưu tiên”
Giáo sư Kenichi Ohno - chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, người đã có 16 năm nghiên cứu về kinh tế VN - cho rằng, lợi thế của VN là có vị trí chiến lược tại Đông Nam Á và nguồn lực con người. Song năng suất lao động của VN có biểu hiện “giẫm chân tại chỗ” khi VN phải đầu tư rất nhiều để đạt được 1% tăng trưởng. “Tôi đã theo dõi nền kinh tế VN trong 16 năm qua và rất quan tâm đến so sánh quốc tế về hoạch định chính sách. Vướng mắc chủ yếu của VN là cấu trúc chính sách thiếu sự nhất quán, thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành, thiếu sự tham gia của các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp” - ông phân tích.
“Việt Nam có quá nhiều ưu tiên trong chính sách phát triển, đồng nghĩa với việc không có ưu tiên thực sự nào. Chính vì vậy, Việt Nam cần xác định, quy hoạch rõ ràng để có ngân sách thực hiện các ưu tiên cụ thể” - Giáo sư Ohno thẳng thắn. Ông Ohno còn cho rằng, chiến lược phát triển của VN còn nhiều chồng chéo, nên cần phải có cơ quan điều phối trên cấp bộ.
Tránh “trần thuỷ tinh”
Theo Giáo sư Ohno, tăng trưởng của VN trước đây dựa chủ yếu vào mở cửa thương mại như các dòng vốn ODA, FDI, kiều hối, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản... thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. Trong khi đó, hai nhân tố năng suất và đổi mới lại là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững và giúp thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, hay mức tăng trưởng “trần thủy tinh”.
Theo phân tích của Giáo sư Kenichi Ohno, Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình thấp với năm 2008, nhưng chính sách cải thiện vốn con người vẫn chưa được xây dựng. “Các nước láng giềng tại Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia đang gặp bẫy thu nhập trung bình hay còn gọi là “trần thủy tinh” và VN cần phải hiểu rõ về thực trạng này” - ông chia sẻ. Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định (dựa vào may mắn).
Giáo sư Ohno cho rằng, trong tương lai Việt Nam phải sử dụng các chính sách để thúc đẩy tích lũy kỹ năng, tri thức, tạo sự tăng trưởng bền vững. Ông Ohno đề xuất, VN cần xác định một số ít chiến lược công nghệ chủ đạo đến năm 2020, nghiên cứu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới để có chiến lược phù hợp và giám sát tiến độ do cấp cao nhất thực hiện...
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com