Trong tháng 5, trên thị trường thế giới, hàng hóa có xu hướng ổn định và giảm nhẹ, trong nước, thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng phát triển nên CPI tháng 6 vẫn ở mức cao nhưng sẽ giảm tốc so với tháng 5/2011.
Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra nhận định này trong phiên họp ngày 26/5/2011.
Tổ điều hành thị trường cho rằng, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành. Vì thế, lãi suất cho vay đối với VND tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến đầu vào của sản xuất và giá thành sản phẩm.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiết yếu, sau thời gian tăng giá liên tục vào các tháng đầu năm, giá nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thép xây dựng, đường, thức ăn chăn nuôi… đã dần ổn định, riêng một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón do ảnh hưởng của giá thế giới nên vẫn còn áp lực tăng giá.
Do giá cả hàng hóa tăng ở mức cao nên thị trường trong tháng 5 kém sôi động. Mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ lễ kéo dài (ngày 30/4 và 1/5) nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng năm ước đạt 156.011 tỷ đồng, chỉ tăng 0,68% so với tháng 4. Đây là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Điều đó cho thấy sức mua hàng hóa và dịch vụ tăng khá thấp do xu hướng tiết giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 5 tháng đầu năm đạt 762.716 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2010, trong đó, nhóm thương nghiệp (nhóm có tỷ trọng cao nhất) có mức tăng lớn nhất là 23,6% nên đã hỗ trợ cho mức tăng chung. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng chung trong 5 tháng chỉ còn 6,4%.
Tại cuộc họp, hầu hết các thành viên Tổ điều hành thị trường, nhất là đại diện các hiệp hội ngành hàng đều lo ngại rằng, lãi suất ngân hàng hiện rất cao làm khó doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất tới 24- 25%/năm, làm tác động tăng giá đầu vào sản xuất thép. Còn theo ông Vũ Ngọc Bảo- Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, trong khi nhu cầu sử dụng giấy sụt giảm, tiêu thụ khó khăn, lãi suất vay ngân hàng, chi phí tăng cao nên có khả năng một số doanh nghiệp sản xuất giấy khó trụ vững trong những năm tới.
Ông Nguyễn Danh Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Ngân hàng Nhà nước (NHNN)- giải thích: Mặc dù NHNN khống chế lãi suất huy động 14%/năm nhưng thực thế các ngân hàng vẫn ngầm thỏa thuận với khách hàng huy động tới 18- 19%/năm để giữ nguồn vốn huy động. Hiện bình quân lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 16,9%, lãi suất cho vay trung bình là 19,7%.
Mâu thuẫn ở đây là, khi thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ và thận trọng thì phải hạn chế nguồn tiền ra, đồng thời tăng lãi suất để hạn chế vay của DN, nhưng tại Việt Nam, các DN buộc phải tiếp tục vay ngân hàng dù lãi suất cao để đảm bảo sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp, đẩy giá thành và giá bán sản phẩm lên cao.
Theo một số ý kiến, trong lúc giá một số mặt hàng thiết yếu khá ổn định, để khống chế lạm phát, điều kiện mấu chốt hiện nay là phải hạn chế lãi suất cho vay tăng “nóng”, đồng thời thực hiện đồng bộ và quyết liệt tinh thần Nghị quyết 11, cắt giảm chi tiêu công; đình, dãn, hoãn một số công trình. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com