Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghị quyết 11/NQ-CP: “Cỗ xe thép” chặn đà tăng giá !

Gần hết tháng Năm - tháng áp dụng giá lương mới theo lộ trình tăng lương hàng năm, ghi nhận trên thị trường, giá hàng hóa thiết yếu đang khá ổn định và không xảy ra hiện tượng sốt giá. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là tín hiệu tốt sau gần 3 tháng triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc có chặn được đà tăng giá, đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát hay không thì Nghị quyết 11 cần phải được triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm và hết sức quyết liệt.

Dấu hiệu tích cực


Nhận định đưa ra từ đầu tháng Năm của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, mặc dù phân tích giá cả một số hàng hóa, nguyên, nhiên liệu trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, gây sức ép tăng giá trong nước; độ trễ và yếu tố tâm lý của việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6/2011, tăng giá xăng dầu và lương tối thiểu (từ 1/5/2011 đối với người hưởng lương ngân sách); sức tiêu thụ hàng hóa, du lịch trong mùa hè tăng cao; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh tác động đến nguồn cung thực phẩm trong nước, nhưng vẫn dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi tác động kìm giữ giá cả. Nhận định này xem ra phần nào chính xác khi đã gần hết tháng Năm, giá cả hàng hóa có xu hướng ổn định.

Trên thị trường, giá các loại rau xanh hạ nhiệt, giá thịt, cá, tôm, gạo đã chững lại. Chị Nguyễn Thanh Hường, tiểu thương bán rau ở chợ Ngọc Lâm (Long Biên – Hà Nội), cho biết: Do thời tiết tốt cho các loại rau sinh trưởng nên giá rau đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ. Chị Hoàng Thị Yên, tiểu thương bán thịt lợn cũng ở chợ Ngọc Lâm lý giải, giá thực phẩm như thịt lợn, bò, cá giữ không tăng do nguồn hàng đã ổn định hơn. Hơn nữa, chi phí vận chuyển do tăng giá xăng đã được tính vào từ thời điểm mới tăng giá nên các khoản chi phí không bị tăng thêm.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, giá cả các mặt hàng lương thực nếu tăng vẫn sẽ nằm trong biên độ rất nhỏ, do nguồn cung đang dồi dào.

Ngoài lý do nguồn cung ổn định, tâm lý tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng cũng phần nào tác động tới giá cả. Bác Vũ Thị Thuận ở phường Trung Hòa, Nhân Chính (Thanh Xuân – Hà Nội), tâm sự: “Ra Tết Nguyên Đán tới nay, gia đình tôi đã phải tiết kiệm các khoản chi tiêu, từ điện, nước, mua sắm vật dụng tới khoản tiền đi chợ mua thức ăn hàng ngày. Giá thực phẩm đã tăng lên quá cao rồi, đặc biệt là tôm, cá tăng gấp 2 lần năm ngoái. Nếu đợt tăng lương này, giá tiếp tục tăng cao thì nhà tôi sẽ phải tạm dừng ăn món đắt đỏ đó”. Cũng theo các tiểu thương, giá cả đã tăng cao liên tục trong mấy tháng qua nên để giữ khách hàng, họ sẽ phải cân nhắc khi tăng giá nữa. Việc giá cả đang giữ xu hướng ổn định còn do hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá với nhiều điểm mới so với đợt trước như điều chỉnh giá linh hoạt theo diễn biến thị trường, mở rộng kênh phân phối về cả khu vực nông thôn, bổ sung các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đối với các loại bệnh thông thường vào nhóm các mặt hàng bình ổn giá nhằm chăm lo thiết thực nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp...

Trên đây là những bề nổi, tác động vào bữa ăn, cuộc sống hàng ngày của từng gia đình, nhưng ở góc nhìn khác - tiền tệ, tín dụng cũng đang có những dấu hiệu ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế, thể hiện sự tác động rõ nét từ việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng Tư, các thành viên Chính phủ đánh giá thị trường ngoại hối dần đi vào ổn định. Người dân và doanh nghiệp bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng sát với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại. Chỉ số giá vàng và USD giảm. Tăng trưởng tín dụng 4 tháng qua mới chỉ tăng hơn 5% so với cuối năm ngoái, cho thấy mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong cả năm nay là khả thi. Quán triệt Nghị quyết 11, cả nước đang mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu công. Theo thống kê bước đầu: Cùng với cắt giảm gần 97.000 tỷ đồng vốn đầu tư nhà nước, tương đương khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011, các Bộ, ngành và các địa phương còn cắt giảm hơn 3.850 tỷ đồng chi tiêu thường xuyên. Giảm tăng trưởng tín dụng và cắt giảm đầu tư công sẽ là hai kênh quan trọng để giảm cầu nhằm kiềm chế lạm phát.

Quyết liệt, đúng trọng tâm

Khẳng định tình hình lạm phát cũng như diễn biến thị trường sẽ dịu bớt trong thời gian tới do việc thực hiện Nghị quyết 11, nhưng chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh vẫn lưu ý sẽ khó lường trước diễn biến thị trường trong thời gian tới khi có nhiều yếu tố trên thị trường thế giới tác động vào.

Trong một cuộc đối thoại trực tuyến mới đây, bà Trần Thị Hằng - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định chỉ số giá tiêu dùng trong một vài tháng tới vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng có thể chậm dần.

Tuy nhiên, với điều kiện thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, đồng thời không có biến động lớn về giá một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào quan trọng, hoặc không có bất thường lớn trên thế giới trong thời gian tới thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ ổn định trong những tháng cuối năm và có thể giữ được mức lạm phát như năm 2010 (11,75%). Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đặt hy vọng, trong những tháng tới đây, triển khai Nghị quyết 11, các giải pháp về tài khóa sẽ được thực hiện tốt hơn, phối hợp, bổ sung và giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Có như vậy, kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bền vững hơn.

Dư luận lo ngại về tăng lương có thể sẽ là nguyên nhân tiếp tục tăng giá, lý giải điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu lần này vẫn đang nằm trong lộ trình cải cách tiền lương do Chính phủ đề ra. Việc tăng lương lần này cũng như các lần trước lấy nguồn từ thành quả của sự phát triển kinh tế, kết hợp với việc tiết kiệm chi thường xuyên được dồn vào để thực hiện chủ trương đó. Về nguyên lý sẽ không tăng tiền của tổng chi nền kinh tế nên không gây sức ép đến mặt bằng giá. Tuy nhiên, do quỹ tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng trong khi nguồn cung chưa thay đổi nên về thực tế sẽ khó tránh khỏi hiện tượng tăng giá. Do vậy, để chống hiện tượng này, phải có giải pháp “hút tiền” về hợp lý, đồng thời tăng cường mạnh hơn giải pháp thanh tra kiểm tra thị trường, giá cả... và xử lý thật nghiêm những hiện tượng lợi dụng làm bất ổn thị trường.

Vấn đề ông Thỏa nêu ra cũng được Tổng giám đốc điều hành ADB, ông Rajat Nag lưu ý tại Hội nghị thường niên ADB 2011 mới được tổ chức gần đây tại Việt Nam. Ông Rajat Nag cho rằng, nguyên nhân chính của lạm phát tại Việt Nam là do cung - cầu không đồng bộ. Trong khi nhu cầu gia tăng do tăng trưởng kinh tế thì năng lực sản xuất hiện nay của Việt Nam không đủ để theo kịp với sự gia tăng này. Ngoài ra, yếu tố kém hiệu quả trong hệ thống phân phối, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm cũng góp phần vào nguyên nhân này.

Trên quan điểm ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và cố gắng giữ tăng trưởng ở mức hợp lý, Nghị quyết 11 đã có đối sách xử lý đúng hướng. Các chuyên gia kinh tế đồng thuận khẳng định mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ đạt được khi Nghị quyết 11 triển khai đồng bộ trong việc siết chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công, đồng thời tạo điều kiện tăng năng suất, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng nguồn cung hàng hóa.

(TTXVN)

  • Thị trường phát điện cạnh tranh: Vẫn tranh cãi về quyền lợi
  • Tập đoàn Nhà nước dưới góc nhìn người trong cuộc
  • Tập đoàn kinh tế nhà nước: Nắm gì, buông gì?
  • Bàn cờ kinh tế
  • Từ quê ra phố và bài toán lệch giá (Bài 2)
  • Từ quê ra phố và bài toán lệch giá (Bài 1)
  • ‘CPI tháng 6/2011 có thể tăng tới 1,2%’
  • 300 tỷ USD cho phát triển, VN sẽ lấy ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi